Cấp bách lo cho dân vùng bão lũ, nhìn từ thông điệp của Thủ tướng: Quyết thực hiện lời hứa với dân (Bài cuối)
Cấp bách lo cho dân vùng bão lũ, nhìn từ thông điệp của Thủ tướng: Quyết thực hiện lời hứa với dân (Bài cuối)
Hoàng Chiên - Mùa Xuân
Thứ tư, ngày 25/09/2024 11:52 AM (GMT+7)
Sau khi bão số 3 gây ảnh hưởng nặng nề về người và của, tỉnh Lào Cai đã hành động nhanh nhằm ứng phó, khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống người dân và khôi phục kinh tế địa phương.
Thay đổi cách chỉ đạo điều hành từ cuộc họp ngày chủ nhật
Trong các địa phương bị thiệt hại do bão số 3, Lào Cai là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề. Bão lũ đã lấy đi của địa phương miền núi này quá nhiều, công cuộc khắc phục, tái thiết đang thực hiện cấp bách.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Thống kê sơ bộ đến ngày 24/9, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có 150 người chết và mất tích (chiếm 45,5% tổng số người chết và mất tích của các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng), 86 người bị thương; có 11.289 nhà ở bị ảnh hưởng, trong đó 1.234 nhà thiệt hại hoàn toàn.
Hơn 6.160 ha lúa, ngô, hoa màu, cây trồng. Ước tính thiệt hại về sản xuất nông nghiệp trên 800 tỷ đồng; ước tính tổng sản lượng lương thực, rau màu thiệt hại khoảng 21.500 tấn. Hư hỏng, thiệt hại 188 công trình cấp nước sạch nông thôn, 382 công trình thủy lợi. Ước tổng thiệt hại gần 6.000 tỷ đồng.
8 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lào Cai thu ngân sách được khoảng 6.700 tỷ đồng, rồi cả năm 2023 thu ngân sách địa phương này đạt hơn 9,3 nghìn tỷ đồng. Nhìn vào để thấy, bão số 3 đã "quét sạch" công sức của toàn tỉnh từ đầu năm.
Ước tổng thiệt hại hơn 6 nghìn tỷ đồng (bằng khoảng 2/3 tổng thu ngân sách nhà nước của Lào Cai năm 2023). Hiện thông con số thiệt hại vẫn chưa thể kiểm kê hết.
"Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc trực tiếp tại Lào Cai và yêu cầu triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh", ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết.
Hơn hai tuần nay, lãnh đạo tỉnh và các địa phương ở Lào Cai làm việc cả cuối tuần, không có ngày nghỉ.
Lũ quét, sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản đối với người dân tỉnh Lào Cai trong thời gian vừa qua. Ảnh: Phạm Hưng.
Chủ nhật, ngày 22/9, Chủ tịch tỉnh Lào Cai và ba Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các ban, ngành, địa phương của tỉnh Lào Cai họp bàn phương án khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3, ổn định đời sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mở đầu cuộc họp vào ngày nghỉ, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhắc lại: "Chưa bao giờ Lào Cai chịu ảnh hưởng của thiên tai trên phạm vi toàn tỉnh và thiệt hại nặng nề về người, tài sản như hiện nay".
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai lưu ý cần cấp bách giải quyết vấn đề nhà ở, hỗ trợ học phí cho học sinh và hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp. Tái thiết cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, giao thông, nước sạch, thuỷ lợi, sản xuất dịch vụ kinh doanh công nghiệp, du lịch, thương mại…
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đề nghị các địa phương trong tỉnh "thay đổi cách chỉ đạo điều hành, không chỉ quan tâm đến các sự việc thời vụ mà cần đảm bảo tổng thể toàn diện, ổn định cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế, xã hội hậu bão lũ".
Ưu tiên phát triển nông nghiệp, thực hiện nhanh các chính sách an sinh xã hội
Những ngày qua, ông Ma Văn Côn, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) đau xót khi chiếc điện thoại luôn nhận được những thông tin, hình ảnh thiệt hại do bà con gửi đến.
Ông Côn năm trước là Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Đô nên nắm rõ: "Khi lúa đã trổ bông mà bị vùi lấp thì tỉ lệ chắc hạt sẽ rất thấp, gần như mất trắng". Xã Nghĩa Đô, là một trong những xã bị thiệt hại nặng do bão số 3 gây ra.
Hơn 60ha lúa và hoa màu bị mất trắng ở xã Nghĩa Đô, gần 30% số hộ dân trong xã Nghĩa Đô bị ảnh hưởng (355/1.182), trong đó có 11 nhà bị sập hoàn toàn. Sau bão lũ, người dân trong xã đã ra đồng vớt vát những thân lúa bị bùn lầy quấn rạp xuống "được chút nào hay chút đấy".
Ruộng lúa, hoa màu của người dân xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai bị vùi lấp sau lũ. Ảnh: Ma Côn.
Cây lúa còn mót được chút thóc, còn với nông dân nuôi cá, lũ đến cuốn theo toàn bộ gia sản. "17 tấn cá tầm, cá hồi thương phẩm, 40 nghìn cá giống bị cuốn sạch. Ước tính khoảng 3,8 tỷ đồng", ông Chảo Duần Mình (thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn, TX Sapa) chia sẻ.
Con số thiệt hại không lớn như ông Mình nhưng với ông Lục Văn Đô (Thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên) những gì còn lại sau lũ cũng là hai bàn tay trắng. 6 lồng bè cá gia đình nuôi trên sông Chảy đã bị lũ cuốn mất, chỉ để lại cho ông những thanh thép làm khung lồng bị dòng nước dữ uốn cong.
Với ông Đô, giờ đây khoản vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng khó để trả. "Tôi mong Ngân hàng kéo dài thêm thời gian khoản vay, các cấp chính quyền hỗ trợ cá giống để tôi có cơ hội tiếp tục nuôi cá trên sống Chảy", ông Đô đề nghị.
Ruộng lúa của bà con nhân dân Làng Nủ bị vùi lấp, ngã đổ sau bão lũ. Ảnh: Hoàng Chiên.
Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai vừa qua đã đi thực tế, rà soát thiệt hại của nông dân và đề xuất các giải pháp kịp thời để đảm bảo an sinh xã hội, khôi phục sản xuất.
"Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình hội viên, nông dân bị thiệt hại sau bão lũ. Đề xuất các biện pháp, hướng dẫn HTX, Tổ hợp tác, Tổ nhóm nông dân phục hồi, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại", ông Bùi Quang Hưng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết.
Hiện các cấp Hội Nông dân tỉnh đang phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn người dân biện pháp phục hồi đất sản xuất bị bồi lấp do mưa lũ; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ lao động để nông dân nhanh chóng phục hồi sản xuất để đảm bảo sớm có sản phẩm vào các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Lời hứa ở Làng Nủ
Sáng 24/9, xếp hàng dài thẳng tăm tắp, bộ đội giơ tay chào Làng Nủ. Người dân Làng Nủ đứng dọc hai bên đường vào nhà văn hóa thôn chia tay lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn sau 15 ngày thực hiện nhiệm vụ.
Ông Hoàng Văn Thới, đứng bên vệ đường khóc nức nở chia tay chiến sĩ: "Tôi nhớ hình ảnh các chiến sỹ hai tuần qua dầm mình trong bùn đất tới ngang lưng, lật từng hòn đá, kéo từng gốc cây tìm người thân cho tôi. Người thân nhà tôi đã thấy hết, cảm ơn các chiến sĩ lần nữa, chào các chú, mong sức khỏe, bình an. Tôi sẽ không bao giờ quên công ơn này".
Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Hoàng Quốc Bảo mạnh mẽ, kiên cường chỉ đạo công tác khắc phục bão lũ của huyện nhà giờ cũng rơi lệ. Trong lúc đi đến bắt tay từng chiến sĩ, người đứng đầu Huyện ủy huyện Bảo Yên hứa: "Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ người dân Làng Nủ tái thiết lại bản làng, xây dựng cuộc sống mới".
Trao đổi với Dân Việt sau khi trở về từ lễ chia tay các chiến sỹ, ông Trần Trọng Thông - Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên nói: "Đầu tiên chúng tôi chú trọng đến ngành nông nghiệp của huyện, vì liên quan đến đời sống, đảm bảo an sinh cho rất nhiều người trên địa bàn".
Ngay trong ngày mai (26/9), 8 tấn ngô giống sẽ về đến tay bà con để gieo trồng trước 10/10. "Lượng giống chưa đủ, chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm cách hỗ trợ bà con", Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên nói.
Song song với đó là việc sửa chữa, cải tạo các công trình kênh mương, đập thủy lợi để có nước tưới tiêu trong những mùa vụ sắp tới.
Bà con Làng Nủ chia tay bộ đội trong nước mắt. Ảnh: CTV.
Tính đến sáng 25/9, nhiều hộ gia đình ở thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn do ngập lụt, bùn đất tràn vào nhà.
"Chưa bao giờ Bảo Yên rồi Lào Cai chịu thảm họa thế này, thương những người đã mất, xót xa trước sự tàn phá của thiên tai", ông Dương Đức Huy - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai vừa trở về gia đình sau nhiều ngày "cắm chốt" khắc phục hậu quả bão lũ ở huyện Bảo Yên. Đây cũng là địa phương ông có nhiều năm gắn bó, từng đảm nhận vị trí Chủ tịch UBND, Bí thư huyện ủy.
Ông Huy cho biết, hiện nay việc khắc phục hậu quả thiên tại là nhiệm vụ cấp bách toàn tỉnh. "Tỉnh đã dùng các nguồn ngân sách và nguồn tài trợ, phân bổ theo thủ tục rút gọn. Hỗ trợ những việc cấp bách, ví dụ như khai thông ngay đường sá, hỗ trợ y tế, giáo dục ngay lập tức dù chưa xác định thiệt hại bao nhiêu tiền. Tỉnh đã đồng ý chủ trương như vậy".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.