Cấp "căn cước công dân" cho cây trồng, vật nuôi (bài cuối): Quản lý tốt mã số, nâng cao trách nhiệm địa phương

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 25/09/2021 19:00 PM (GMT+7)
Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), để giám sát, quản lý tốt các mã số vùng trồng, điều quan trọng là các địa phương cần nâng cao trách nhiệm.
Bình luận 0

17% diện tích cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, tính đến hết tháng 4/2021, Cục BVTV đã cấp 3.414 mã số vùng trồng cho trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu trong toàn quốc. 

Đối với trái cây tươi, đã cấp 2.821 mã số vùng trồng cho 12 loại trái cây với diện tích vùng trồng đã được cấp mã số là 196.226,13ha, chiếm khoảng 17% tổng diện tích trồng cây ăn quả trong cả nước.

Bên cạnh đó, Cục BVTV cũng đã cấp 11 mã số vùng trồng cho hạt giống ớt và cà chua; 193 mã số rau gia vị sản xuất trong nhà lưới xuất khẩu sang EU; và 389 mã số ngọn cây cảnh, cây hoa xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc.

Đối với cây lúa, cho đến nay vẫn chưa chính thức cấp mã số vùng trồng lúa để xuất khẩu. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu (khoảng 210.000ha) đã được kiểm soát để phục vụ xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và EU (gạo thơm).

Xây dựng mã số vùng trồng - không thể chậm trễ! (bài cuối): Quản lý tốt mã số, nâng cao trách nhiệm địa phương - Ảnh 1.

Mới có 17% diện tích cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Vùng trồng thanh long ruột đỏ của huyện Gò Công Đông (Tiền Giang). Ảnh: P.V

Mỗi mã số vùng trồng được cấp không phải là không có thời hạn mà theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số đó sẽ bị thu hồi.

Hiện tại Trung Quốc đang là thị trường được cấp nhiều mã số vùng trồng nhất (1.703 mã) cho 9 loại trái cây và thạch đen.

Đứng thứ hai là thị trường Mỹ với 575 mã vùng trồng cho 6 loại trái cây sang thị trường này.

Tương tự như mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là yêu cầu bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu. 

Đến nay, Cục BVTV đã cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… 

Trong đó, số lượng mã số cơ sở đóng gói cấp cho sản phẩm xuất đi thị trường Trung Quốc chiếm tới 97% (1.776 mã số) cho 9 loại quả tươi xuất khẩu (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, chuối, mít, dưa hấu và măng cụt). 

Phần lớn các cơ sở đóng gói nông sản xuất đi Trung Quốc mới chỉ dừng ở quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, đóng gói theo mùa vụ.

Số lượng các loại mã số cơ sở đóng gói đi các thị trường khác là hơn 50 mã số cho 6 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm và vú sữa). 

Các cơ sở đóng gói này đều được nước nhập khẩu kiểm tra theo định kỳ 1 năm/lần (đối với thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản) hoặc 3 năm/lần (đối với thị trường Úc, New Zealand).

Năm 2020, phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngừng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói do phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật. 

Ông Hoàng Trung nhận định, đây là một "tín hiệu" cho thấy công tác kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng đối với các nông sản xuất khẩu cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời. 

Nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người nông dân...

Tăng cường thanh kiểm tra quản lý mã số vùng trồng

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, dù mã số vùng trồng là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu nông sản nhưng hiện này nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa chú trọng đến mã số vùng trồng.

 Mặt khác, việc quản lý mã số vùng trồng còn chưa nghiêm ngặt, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp, hợp tác xã khi thiếu hàng xuất khẩu đã thu mua sản phẩm ở những nơi không nằm trong vùng được cấp mã số, bị đối tác nhập khẩu phát hiện, trả về và phải mất rất nhiều năm đàm phán lại.

Để tăng cường quản lý mã số vùng trồng, ông Hoàng Trung cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra. 

Về phía Cục BVTV sẽ hướng dẫn, đôn đốc hệ thống cơ quan chuyên môn về BVTV tại địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với nước nhập khẩu để thực hiện các đợt thanh tra, kiểm tra theo quy định của nước nhập khẩu...

Đẩy mạnh phân cấp và tăng cường năng lực cho địa phương về thiết lập và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa quản lý, giám sát và kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

 Phấn đấu đến năm 2025, số lượng vùng trồng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được cấp mã số tăng 3-5 lần so với hiện nay, mở rộng đối tượng cây trồng cấp mã số sang cây lúa, rau màu, khoai lang… cả cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Để nâng cao số diện tích đăng ký mã vùng trồng, theo Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung, Cục đã đề nghị Bộ NNPTNT kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, thiết lập và quản lý mã số đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói; đồng thời đưa việc thiết lập vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số vào chỉ tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định, cấp và quản lý mã số vùng trồng là yếu tố quan trọng góp phần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thời kỳ hậu Covid-19. 

Do đó, trong thời gian tới, cùng với việc quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng đã cấp, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng một số vùng nguyên liệu trọng điểm nhằm phục vụ xuất khẩu, đẩy mạnh hướng dẫn các địa phương xây dựng mã số vùng trồng để có đầy đủ dữ liệu về quy mô sản lượng, mùa vụ, thời điểm thu hoạch..., qua đó chủ động kết nối thông tin với thị trường nhập khẩu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem