Cặp đôi sông - núi trong tâm thức Việt

Thứ bảy, ngày 05/02/2011 11:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đối với một đất nước cụ thể, trong suốt quá trình hình thành lịch sử và văn hoá của mình, các loại không gian địa lý (điều kiện tự nhiên) cũng góp phần hình thành cái bản sắc riêng, và dần dần đi vào tâm thức của cộng đồng theo những cách rất khác nhau.
Bình luận 0

Về địa lý tự nhiên, tạo hoá không ban phát đều cho mỗi quốc gia các cảnh quan địa hình đa dạng như sông, núi, đồng bằng, biển cả và những vùng trung chuyển: Giữa núi và đồng bằng là trung du, giữa đồng bằng và biển là duyên hải. Một quốc gia lý tưởng là quốc gia có đa dạng các địa hình như thế.

Dĩ nhiên, tầm quan trọng của mỗi một loại địa hình tuỳ thuộc vào vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế và địa - văn hoá của mỗi nước, và cũng lại tuỳ thuộc vào mỗi thời đại lịch sử nữa.

img
Sông Gâm (Hà Giang). Ảnh: Hoài Linh

Tôi muốn nói riêng đến cặp hình ảnh sông - núi trong văn hoá Việt.

Nước ta trải suốt từ Bắc vào Nam, có hàng nghìn con sông, hàng nghìn ngọn núi. Sông bắt nguồn từ núi, sông thường đi liền trong cặp từ "sông nước". Sông chở nước, mang tính thuỷ, tính âm, thực hiện chức năng sinh thành sự sống, duy trì sự sống. Nhờ sông mà châu thổ đồng bằng được sinh ra. Núi hay đi liền trong cặp từ "núi rừng", chỉ nơi trên cao, mạn ngược, mang tính dương, đèo dốc, đỉnh cao chót vót, cây cối lâm sản...

Như vậy, chẳng biết tự bao giờ, cặp sông - núi trong văn hóa người Việt chính là một cặp Âm - Dương, cha - mẹ. Trong tâm thức Việt, cặp đôi này có chức năng sản sinh, duy trì sự sống; nơi nào có cặp đôi sông - núi nơi đó được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra những bậc hiền tài góp phần làm rạng danh cho quê hương, đất nước.

Xưa kia, trong huyền thoại sinh thành dân tộc Việt, hình ảnh mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân chẳng phải là hiện thân của cặp núi - sông (hoán đổi) đó sao!

Nhìn vào văn hoá Việt, có rất nhiều cặp đôi núi sông nổi tiếng như vậy. Phía Tây Bắc của Tổ quốc có núi Mường Hung - sông Mã, lui về phía Sơn Tây xứ Đoài có núi Tản - sông Đà. Đi vào xứ Thanh lại có núi Hàm Rồng - sông Mã. Dịch vào một chút với xứ Nghệ, lại có sông Lam - núi Hồng. Vô xứ Huế mộng mơ, không ai không biết đến cặp sông Hương - núi Ngự (Hương Giang- Ngự Bình).

Chưa hết. Dừng chân Đà Nẵng, nhớ ngay cặp đôi sông Hàn - núi Ngũ Hành (Ngũ hành sơn). Vô xứ Quảng không ai không biết núi Ngọc Linh - sông Thu Bồn, vô tiếp Quảng Ngãi lại gặp ngay núi Thiên Ấn - sông Trà khúc... Nhìn vào những cặp núi - sông này rất dễ nhận ra ở đó toàn là những vùng đất nổi tiếng, địa linh nhân kiệt, tất cả đã đi vào huyền thoại, làm nên huyền thoại.

Nhìn chung, khi hình dung về những nơi danh thắng của đất nước, bao giờ người ta cũng nghĩ ngay đến không gian "sơn thủy hữu tình". Vâng, phải có kết hợp, tương tác, tương thông giữa sông và núi, như âm với dương mới có thể có tình, sinh ra tình được. Nếu vì lý do nào đó, chỉ có một trong hai vế của cặp "hữu tình" này thì bị coi là cô lẻ, thiệt thòi, thiếu sự hài hòa. Những người yêu nhau xưa cũng hay lấy cặp đôi sông - núi (nước - non) để mà thề bồi, nguyện ước:

Rủ nhau xuống bể mò cua

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng

Em ơi chua ngọt đã từng

Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau

Thề bồi như thế cũng là đến mức tuyệt cùng, khó có thể thề hơn được nữa!

img
Núi Tản sông Đà. Ảnh Lưu Quang Phổ

"Sơn thủy hữu tình" còn được hiểu như là một trong những đặc điểm mỹ học của phương Đông. Làm nhà dựng cửa, du lãm những nơi này quả là thích thú. Ngay cả xây dựng non bộ trong khuôn viên vườn nhà, người ta cũng cấu trúc theo mô thức núi - sông tương giao quấn quýt.

Lại nói về núi Nùng - sông Nhị ở kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Trong “Chiếu dời đô”, Nhà vua Lý Thái Tổ đã có nhận định về thế núi - sông của vùng đất Đại La này như sau: "Ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh". Như vậy, trong cái nhìn có tính phong thủy của nhà vua, yếu tố sông - núi đặc biệt được đề cao. Chả thế mà ngay sau khi dời đô về Thăng Long, Nhà vua đã cho xây điện Kính Thiên trên núi Nùng.

Trong chiến lược quy hoạch và phát triển của các địa phương, nhất thiết phải tính đến những không gian thiêng liêng sông - núi, ân sủng to lớn của Đấng Tạo hóa muôn đời ban tặng. Nếu không biết dựa vào "hình sông thế núi"- cặp tối linh Âm - Dương, mẹ - cha ấy che chở, giúp rập, gây dựng để mà nối nghiệp đời đời, chấn hưng bền vững chẳng phải đã uổng cái công của Tạo hóa hào phóng ban cho!n

Ngày trước, những năm đầu thế kỷ 20 có cụ Nguyễn Khắc Hiếu chơi ngông, dám lấy tên sông Đà núi Tản quê hương làm thành bút danh lừng lẫy: TẢN ĐÀ. Nhìn vào các thi nhân đời sau thi sĩ Tản Đà, không ai dám chơi bút danh theo lối đại hoành tráng đó nữa. Cụ luôn luôn là một đấng bậc đáng kình trong cõi văn chương đất nước: "Trăm năm hai chữ Tản Đà/Còn sông còn núi còn là ăn chơi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem