Cấp và quản lý mã số vùng trồng: Phân cấp mạnh cho cơ sở

K.Nguyên Thứ hai, ngày 27/03/2023 14:14 PM (GMT+7)
Theo văn bản chỉ đạo mới nhất của Bộ NNPTNT, các địa phương sẽ thực hiện và chịu trách nhiệm toàn bộ việc thiết lập, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng.
Bình luận 0

Khi các địa phương tích cực vào cuộc giám sát mã số vùng trồng

Là địa phương có diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 5 mã số vùng trồng được cấp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích hơn 210ha và 149 hồ sơ đề nghị cấp mới mã số vùng trồng với diện tích 5.985ha đã gửi về Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) chờ cấp mã số.

Ngoài sầu riêng, tỉnh Tiền Giang còn nhiều mã số vùng trồng các loại cây trồng khác như mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chuối và chôm chôm và vú sữa. Từ năm 2017 -2020, tỉnh Tiền Giang đã cấp mã số vùng trồng cho gần 20.000ha cây ăn trái, với hơn 127 mã số vùng trồng các loại cây này để đi các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc và NewZealand. Từ năm 2018 – 2020, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 728 cơ sở đóng gói được cấp mã số.

Cấp và quản lý mã số vùng trồng: Phân cấp mạnh cho cơ sở - Ảnh 1.

Tỉnh Đồng Tháp đã cấp mã số vùng trồng cho 31.235ha cây ăn trái. Ảnh: K.N

Cục BVTV có trách nhiệm cung cấp các thông tin về quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm để các địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu biết và chủ động thực hiện các quy định này.

Để quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã tổ chức kiểm tra, giám sát 151/281 mã số vùng trồng và 524/728 mã số cơ sở đóng gói; phát hiện 32 vùng trồng và 466 cơ sở đóng gói không đạt yêu cầu. Chi cục cũng đề nghị Cục BVTV thu hồi 2 mã số vùng trồng, huỷ 30 mã số vùng trồng; thu hồi 15 và huỷ 451 mã số cơ sở đóng gói.

Tại Đồng Tháp, công tác quản lý mã số vùng trồng cũng được thực hiện nghiêm với mục tiêu đến năm 2025, 100% diện tích vùng trồng đủ điều kiện sẽ được cấp mã số vùng trồng. Đến nay, Đồng Tháp đã cấp mã số vùng trồng cho 162.267ha lúa, 31.235ha cây ăn trái và 4.660 ha rau màu; cấp mã số cơ sở đóng gói nông sản cho 100% cơ sở. 

Phân cấp cho cơ sở

Cấp và quản lý mã số vùng trồng: Phân cấp mạnh cho cơ sở - Ảnh 3.

Để việc cấp, quản lý mã số vùng trồng hiệu quả hơn, ngày 23/3/2023, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ký Văn bản số 1776/BNN-BVTV yêu cầu Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm toàn bộ việc thiết lập, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp.

Toàn bộ các thông tin về diện tích, sản lượng, sự đồng thuận các hộ nông dân tham gia vào vùng trồng cũng như các điều kiện kỹ thuật khác phải được các cơ quan chuyên môn địa phương kiểm tra, xem xét đầy đủ trước khi gửi báo cáo về Cục BVTV. Cơ quan chuyên môn địa phương lưu trữ và chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp của hồ sơ.

Trường hợp xuất khẩu, các địa phương rà soát các mã số đã cấp, đối chiếu với quy định của nước nhập khẩu và tập hợp danh sách báo cáo về Cục BVTV để gửi nước nhập khẩu để được nước nhập khẩu phê duyệt hoặc cấp mã số. 

Nước nhập khẩu có thể tiến hành kiểm tra trực tiếp hoặc trực tuyến trước khi phê duyệt và cấp mã số cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói này. Giải quyết ngay các hồ sơ đề nghị của chủ sở hữu hoặc người đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, minh bạch, trách nhiệm. Trong trường hợp chưa đạt yêu cầu, phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, tránh để người dân, doanh nghiệp đi lại nhiều lần.

Thực hiện giám sát định kỳ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo đúng hướng dẫn và quy định của nước nhập khẩu, đảm bảo các vùng trồng, cơ sở đóng gói này luôn luôn duy trì được tình trạng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Tần suất giám sát là tối thiểu một lần/năm, đối với vùng trồng thì thực hiện giám sát trước vụ thu hoạch và báo cáo kết quả giám sát hàng quý về Cục BVTV.

Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), việc này sẽ giúp địa phương chủ động hơn trong việc giải quyết nhu cầu về cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu nông sản đang tăng nhanh thời gian qua, giảm áp lực cho cán bộ phải giải quyết hàng nghìn mã số, tránh tình trạng ùn ứ hồ sơ khiến người nông dân bị lỡ mất vụ thu hoạch. 

Họ thiết lập vùng trồng, thiết lập cơ sở đóng gói và sau đó là những vùng trồng nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu của phía nhập khẩu thì họ sẽ gửi danh sách về phía cục và cục sẽ đàm phán với các nước để chấp nhận mã số này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem