Cặp vợ chồng hết lòng vì người nghèo

Minh Thi Thứ sáu, ngày 05/06/2020 06:01 AM (GMT+7)
Trong dòng người dài dằng dặc đứng xếp hàng chờ nhận cơm từ thiện trước 2 tiếng đồng hồ, chị Phương Giao thấy một cụ bà kiên nhẫn chờ đến lượt mình. Khi nhận suất cơm với món thịt gà, đậu phụ, canh rau trên tay cùng 20.000 đồng, cụ không nén nổi cảm động.
Bình luận 0

Cụ cũng như nhiều người già, thân nhân và bệnh nhân đã quen với bóng dáng của vợ chồng chị Giao phát cơm từ thiện nhiều năm nay ở cổng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Hào hiệp giúp người

Trước mặt chúng tôi là chị Phương Giao, hoa khôi nổi tiếng một thời khi còn học trung học. Anh chị là chủ quán cà phê Ba Cu tại đường Nguyễn Duy, quận 8. Anh Cường - chồng chị đang tiếp khách, còn chị Giao lúi húi pha thức uống và chuẩn bị rau củ quả, bắt tay nấu 500 suất cơm, để đúng 1h giao cho anh chở đến bệnh viện. Quán của anh chị khá rộng rãi, nhìn ra con kênh thoáng đãng, theo phong cách retro với nhiều chiếc tủ và bàn ghế gỗ tái chế. Trên tường treo hàng loạt bằng khen, giải thưởng và cúp lưu niệm vì anh là một trong những tay câu cá ngoại hạng. Trong quán, trên tường treo các thông báo về việc cấm vào quán tổ chức cờ bạc, hút chích…

Cặp vợ chồng hết lòng vì người nghèo - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Cường - chị Giao. Ảnh: NVCC

Chị Giao giải thích: "Dân quận 8 mà, chưa kể có khi lại hút, hít… nên vợ chồng mình phải chặn trước. Chính vì thế mà quán luôn giữ được những người khách quen dễ thương và thân thiện".

Nhìn lượng khách vào quán thời hậu Covid-19, cũng biết thu nhập của anh chị nếu trông mong vào quán cà phê này để nuôi 3 người con ăn học cũng như nấu mỗi ngày 300-500 suất cơm từ thiện thì không đủ. Chưa kể tiền thuê mặt bằng phải trên 15 triệu đồng.

Như đọc được ý nghĩ, chị Giao cho biết, anh chị mở quán cơm bình dân gần 10 năm nay, lúc chưa dịch thì mở ở đường Nơ Trang Long, Bình Thạnh, nhưng sau đó phải đóng cửa. Doanh thu của quán chỉ đủ chi trả cho 2 nhân viên, lo đủ thức ăn cho cả nhà. Bán chỉ được 100 suất cơm, song anh chị lại dám tặng, biếu không 400-500 suất! Nhưng anh chị vẫn tâm niệm, mình có gì ăn nấy, mình ăn gì thì nấu cho người ta như thế.

Suốt 6 năm, cứ thế suất cơm tăng dần lên. Lúc đầu, chị Giao chỉ nấu cơm chay vào ngày mùng 1 và ngày rằm, nhưng sau đó chị thấy bệnh nhân cần ăn thịt, cá lấy sức chữa bệnh, nên chuyển sang nấu mặn. Rồi thấy nhiều người quá khổ, thiếu đói, anh chị lại tăng lên 5 ngày trong tuần. Về sau, sức kham không nổi, chỉ nấu từ thứ Hai đến thứ Năm. Có những lúc khó khăn, anh chị nhờ vào sự giúp đỡ của bạn bè. Thậm chí, cả những mối bán hàng cho anh chị, dù cuộc sống vất vả, lo chạy bữa, vẫn góp sức, có khi là thực phẩm, có khi vài bó rau. Làm riết, nhiều người càng tin tưởng đến giao tiền nhờ anh chị nấu cơm phát cho bệnh nhân. Sẵn mê câu cá, hễ câu được con cá nào to, anh cũng mang về cho vợ chế biến để đưa vào suất cơm cho người nghèo.

Suốt 6 năm qua, họ vẫn trường kỳ và lặng lẽ nấu cơm mang đến giúp người dưng, dù lúc khó khăn hay bị bệnh cũng không thể không đến, chỉ vì một lời hứa với lòng mình…

Trả lại may mắn cho đời

"Mỗi lần vợ chồng tôi phát hết cơm nhưng vẫn còn người chưa nhận được là tôi rất buồn nên vợ chồng cố gắng làm thêm" - chị Giao chia sẻ. "Tuy còn lo cho 3 con trai tuổi ăn, tuổi học, nhưng trước mắt, tôi cũng đã yên tâm phần nào. Cháu lớn học công nghệ thông tin, đã đi làm; cháu thứ hai có học bổng đi học ở Đài Loan (Trung Quốc), muốn đi học thêm thạc sĩ, nhưng chưa có điều kiện. Các con thấy ba mẹ làm việc thiện, cũng rất vui, nhưng lâu lâu lại lo tôi kiệt sức".

Cặp vợ chồng hết lòng vì người nghèo - Ảnh 2.

Phát cơm cho người nghèo ở cổng Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Ảnh: NVCC

Mẹ anh bị ung thư hơn 17 năm nay, cháu ruột cũng bị ung thư, đến vợ cũng phải phẫu thuật cắt khối u, nhưng may mắn họ đều vượt qua được án tử. Đến một ngày, anh cầm trên tay tờ xét nghiệm ung thư phổi và rồi cũng thoát được.

Chị Giao nói thêm, hồi đó, nhiều bạn bè của anh chị bị ung thư, có người qua đời, người sống lay lắt. Có người ra đi chỉ sau vài tháng vì ung thư phổi. Khởi phát từ một người bạn của anh Cường rủ anh nấu cơm cho bệnh nhân nghèo từ năm 2015. Không may, 1 năm sau đó, người bạn phát hiện ung thư giai đoạn cuối và mới mất.

"Ngay khi chị vừa qua đời, chồng chị và gia đình đã dành toàn bộ số tiền phúng điếu để đưa chúng tôi nấu cơm từ thiện. Nhưng ông xã tôi không nhận. Thế nên, ông bảo họ đi phát tiền cho bệnh nhân. Tôi cũng vui vì sau này, chuyện giúp người cứ lan tỏa trong bạn bè và cộng đồng" - chị Giao nhớ lại.

Vào thời điểm cách đây 2 năm, chị Giao cũng bị chẩn đoán ung thư phổi. Sau khi có kết quả xét nghiệm, chị bị sốc một thời gian, nhưng vẫn tìm đến vài bệnh viện nữa để kiểm tra lại. May thay, sau khi cắt bỏ khối u, sức khỏe chị khả quan hẳn lên.

Sau chị Giao, đến lượt anh Cường đứng trước cửa tử khi nhận được chẩn đoán bị ung thư phổi ác tính. Lúc đó, anh chuẩn bị mọi thứ cho vợ, nhờ bạn bè giúp đỡ cho các con, rồi thuê ghe ra ngoài Côn Đảo. 5 ngày đợi kết quả xét nghiệm dài gần… một thế kỷ. Nhưng may mắn là một lần nữa, vợ chồng anh Cường lại vượt qua cửa tử.

Làm phước không đợi giàu

Nhiều năm qua, anh Cường gắn bó và hiểu rõ hoàn cảnh của không ít thân nhân, bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Anh cũng biết được ai người nghèo khó, ai giả nghèo để có suất ăn miễn phí, nhưng không vì thế mà anh chị không phát cơm cho họ. Bệnh nhân thì ưu tiên xếp hàng trước, những người khác đến sau thì chờ. Có khi hết cơm mà vẫn còn nhiều người đợi, anh chị lại… rút tiền mua đỡ ổ bánh mì. Cũng có khi còn bao nhiêu tiền trong túi, chị Giao vét sạch, đưa cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy anh Cường không muốn nói về mình, nhưng cũng có một thời, anh từng là dân quậy khét tiếng, khiến giang hồ còn ngán. Đời anh cũng từng tù tội, song anh hầu như hoàn toàn thay đổi sau khi lấy chị Giao.

Hai người gặp nhau khi anh là thợ mộc, còn chị thì bán cà phê ở hẻm. Anh cứ đi theo sau, làm cái đuôi của chị, thế rồi hai bên nên vợ chồng. Gia cảnh hai nhà không khá giả gì. "Chúng tôi từng trải qua thời thơ ấu thiếu đói, nên hiểu những người có hoàn cảnh khó khăn. Giúp được ai là tôi thấy hạnh phúc" - chị Giao chia sẻ. Chị cho biết, có không ít YouTuber đưa các hoàn cảnh khó khăn lên mạng, vì tin tưởng, các nhà hảo tâm góp tiền vào tài khoản của họ. Tuy nhiên, về sau, có người tự tìm đến bệnh viện để trao quà tận tay, mới tá hỏa ra rằng, bệnh nhân đó đã mất được 1 năm. Chính vì thế, làm gì cũng phải tận tâm, làm từ thiện cũng phải tỉnh táo kẻo bị kẻ gian lợi dụng.

Sống giản dị, làm được đến đâu, nấu cơm từ thiện tới đó, cho đến nay, chị Giao chưa hề may cho mình chiếc áo dài nào. Hôm lên tivi tham gia chương trình "Mảnh ghép hoàn hảo" - chị Giao vội vàng mượn áo của người ta.

"Làm việc này cũng vì duyên tình cờ, nhưng cũng nhiều điều tiếng trong xã hội. Không riêng gì người ngoài, ngay cả người trong gia đình cũng từng hỏi tôi: Anh đã lo được cho gia đình chưa? Và tôi trả lời, tôi đã lo được. Điều tích cực duy nhất mà tôi có được chính là sự thanh thản, và tôi đã trả cho cuộc đời những gì tôi đã vay". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem