Cắt khúc dịch vụ công để tạo lợi ích nhóm, đẩy thiệt hại cho dân

P.V Thứ tư, ngày 20/11/2019 05:00 AM (GMT+7)
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh đề nghị làm rõ khái niệm xã hội hóa nhằm luật hóa các hoạt động đối tác công tư. Từ đây, sớm khắc phục được tình trạng chia nhỏ, cắt khúc, các dịch vụ công do tư nhân thực hiện mà thực chất là tạo lợi ích nhóm, đẩy thiệt hại cho công quỹ và người dân.
Bình luận 0

img

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Lợi ích nhóm từ việc chia nhỏ, cắt khúc dịch vụ công

Sau những vấn đề phát sinh tại nhiều dự án đầu tư theo phương thức BT, BOT được Kiểm toán nhà nước phát hiện, kiến nghị giảm thời gian thu phí giao thông đối với nhiều dự án BOT, giảm thất thoát ngân sách nhà nước trong dự án BT với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Mới đây nhất, câu chuyện Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa từ Nhà máy Sông Đuống do doanh nghiệp của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) cung cấp là 10.246 đồng/m3, cao hơn mặt bằng chung của giá bán lẻ… Tất cả tiếp tục khiến nhiều người dân đặt ra nghi vấn về tính minh bạch tại các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hay một số dịch vụ công do tư nhân thực hiện.

Sáng nay, dù những câu chuyện nêu trên không được các vị ĐBQH nhắc tới. Nhưng trong số 27 đại biểu phát biểu ý kiến tại hội trường, đã có 4 lần cụm từ “lợi ích nhóm” xuất hiện, cụm từ “thiếu minh bạch” cũng được nêu nhiều lần.

Theo ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình), việc xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bảo đảm các quy định của Luật tuân thủ nguyên tắc thị trường, lấy lợi ích của người dân, nhà nước và nhà đầu tư là trọng tâm khi xây dựng chính sách.

Để thực hiện quan điểm này, đại biểu Sinh cho rằng, dự thảo Luật cần thiết kế để khắc phục được những tồn tại, hạn chế đã được nêu ra trong quá trình giám sát, đánh giá các dự án BOT đã thực hiện trong thời gian qua.

Đầu tiên, các dự án PPP không tạo ra độc quyền cung cấp dịch vụ cho xã hội, cho người dân. Nhà nước cần đảm bảo người dân có quyền sự lựa chọn trong việc sử dụng dịch vụ công theo chất lượng và khả năng chi trả.

Thứ hai, cần tiếp tục tổng kết, đánh giá Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, môi trường; Nghị định 59/2014/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 69.

“Cần làm rõ khái niệm về xã hội hóa nhằm luật hóa các hoạt động đối tác công tư trong các cơ sở cung cấp dịch vụ công của nhà nước, sớm khắc phục được tình trạng chia nhỏ, cắt khúc, các dịch vụ công trong tư nhân thực hiện thực chất là biến tướng và tạo lợi ích nhóm đẩy khó khăn thiệt hại cho công quỹ và người dân, đặc biệt là những người trực tiếp sử dụng các dịch vụ trong các cơ sở này”, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh nói.

Theo đại biểu Sinh, khác với đầu tư tư nhân, đầu tư PPP cần được coi là đầu tư mang tính chất nhà nước, thể hiện ở chính sách ưu đãi của nhà nước với dự án nhượng quyền thu phí, thu giá sử dụng dịch vụ của nhà nước cho nhà đầu tư để thu hồi vốn và lợi ích vật chất khác trong khoảng thời gian nhất định. Do đó, trình tự, thủ tục đầu tư, thanh tra, kiểm toán... phải cơ bản đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật và quản lý đầu tư công hiện hành.

Từ đây, ĐBQH Nguyễn Tiến sinh đưa ra đề nghị, đối với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của dự án PPP được quy định tại Điều 13 dự thảo luật, đề nghị nghiên cứu áp dụng thống nhất với Luật Đầu tư công, trong đó ghi nhận về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án PPP.

Về quy định về góp vốn của chủ sở hữu tại Điều 72 để chống nhà đầu tư "tay không bắt giặc", đại biểu Sinh cho rằng, cần bổ sung khoản 1 vè nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án. Nếu liên danh chủ đầu tư thì vốn chủ sở hữu của mỗi bên tham gia liên danh không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án.

22 năm chưa có nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận tăng thêm với nhà nước

Nói về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư, tới lượt ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhắc tới cụm từ “lợi ích nhóm”.

Đại biểu Tiến cho biết: “Cơ chế chia sẻ rủi ro với doanh thu Điều 77, theo quy định điểm a khoản 2 khi doanh nghiệp dự án PPP hụt thu thì Chính phủ sẽ chia sẻ không quá 50% hụt thu, tại điểm b khoản 2 quy định khi tăng thu thì doanh nghiệp dự án chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu. Quy định như vậy theo tôi không công bằng, khó chấp nhận và không có mức cụ thể sẽ dẫn đến mặc cả, xin cho, gây tiêu cực và lợi ích nhóm”.

img

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc).

Theo ĐBQH Trần Văn Tiến, nguyên tắc chia sẻ phải công bằng, dễ chấp nhận. Nghĩa là hụt thu chia sẻ bao nhiêu phần trăm thì tăng thu cũng chia sẻ bấy nhiêu phần trăm. Ngoài ra, mỗi lĩnh vực đầu tư khác nhau có thể quy định mức chia sẻ có thể sẽ khác nhau.

"Chính phủ cần chỉ rõ nguồn kinh phí để chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư, khi xảy ra thì lấy ở đâu và bằng nguồn nào? Đề nghị cần được làm rõ", đại biểu Sinh nói.

img

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội).

Trong khi đó, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) lại bày tỏ sự gay gắt. Theo bà Mai, khi nói đến PPP là nói đến hợp đồng, sự tự nguyện, hợp đồng kinh tế thỏa thuận giữa nhà nước và chủ đầu tư. Đó là cơ chế lời ăn lỗ chịu đúng theo nguyên tắc thị trường.

“Trước khi kí kết hợp đồng, nhà đầu tư đủ thông minh hình dung ra hai yếu tố là lợi nhuận và rủi ro, lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng cao. Khi kí kết hợp đồng thì đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro”, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai cho biết.

Đồng thời, đại biểu Mai cũng chỉ ra thực tế, sau 22 năm kể từ khi áp dụng cơ chế PPP, đến nay, chưa có trường hợp nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận tăng thêm với nhà nước, nhưng có một thực tế là hiện nay nhà nước vẫn đang phải chi trả một số khoản nợ trong một số hợp đồng BOT.

Với những lý do trên, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị đó là cân nhắc thận trọng quy định này trong dự thảo luật.

“Ngay từ thời điểm thương thảo hợp đồng, để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư cần tính toán để đưa ra mức lợi nhuận hợp lý và nhà nước chỉ bồi thường chỉ hỗ trợ duy nhất trong trường hợp đó là do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật mà có tổn hại đến lợi ích của nhà đầu tư”, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem