"Cầu cho con gái được vua yêu", trọng thần mất mạng-chuyện đại thần Lê Ngân thời nhà Hậu Lê

Thứ sáu, ngày 10/05/2024 07:46 AM (GMT+7)
Đường đường thân là nhạc phụ của vua đương triều, lại có quyền cao chức trọng trong tay. Nhưng chỉ vì một việc nhỏ chỉ đáng trách chứ chưa đáng chết, mà Nhập nội đại đô đốc Lê Ngân hồn phải về nơi tiên cảnh trong sự ấm ức.
Bình luận 0

Cứ như miêu tả trong “Đại Việt thông sử”, thì Lê Ngân là “người xã Đàm Di thuộc Lam Sơn, theo Cao Tổ khởi binh”. Tức, ông là đồng hương của vua Lê Lợi, tham gia đội quân chống Minh ngay từ thuở ban đầu.

Xông pha mũi tên, hòn đạn

Lực lượng của Lê Lợi khi mới dựng cờ nghĩa, còn ít lắm. Chứng cứ ấy, trong “Đại Việt sử ký toàn thư” còn để lại: “Buổi đầu, vua kinh dinh bốn phương, phía bắc đánh giặc Minh, phía tây đuổi Ai Lao, tránh chỗ thực, đánh chỗ hư, đến đâu được đấy, chỉ có võ thần là bọn Lê Thạch, Lê Lễ, Lê Sát, Lê Vấn, Lê Ngân, Lê Lý 30 người, văn thân là bọn Lê Linh, Lê Quốc Hưng; quân cha con thì có 20 quân già yếu, hộ vệ chỉ có 1 nghìn người mà thôi”.

Đội quân vì nghĩa ấy, so với quân Minh dạo đó, thật chẳng khác gì trứng đòi đập đá cả. Ấy thế mà “tướng sĩ đồng lòng”, để rồi có ngày ca khúc khải hoàn.

Bản thân Lê Ngân không quản ngại xông pha mũi tên, hòn đạn mà giúp chúa dựng nghiệp. “Lam Sơn thực lục” cho hay, vào tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418), khi Lê Lợi mới nổi dậy, giặc Minh biết xua quân đến bức, Lê Lợi phải lui về đóng nơi Lạc Thủy mai phục.

Đến ngày 13, giặc kéo quân đến rất đông, hai bên cự chiến, và “Cháu Nhà vua là Lê Thạch, cùng bọn Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý đánh hãm vào trận giặc trước, chém được hơn ba nghìn đầu. Quân lương, khí giới, cũng bắt được kể nghìn”. Chiến thắng đầu tiên trước kẻ thù ấy, tên tuổi Lê Ngân đã được sử sách ghi lại rồi.

"Cầu cho con gái được vua yêu", trọng thần mất mạng-chuyện đại thần Lê Ngân thời nhà Hậu Lê- Ảnh 1.

Quan pháp Ty tuyên án Lê Ngân

Trong 10 năm chống Minh, cùng với bao võ tướng nhà Lê, ông lập được nhiều chính tích nơi chiến trường. Khi điểm qua sự nghiệp của vị nhạc phụ tương lai của vua Thái Tông, Lê Quý Đôn trong “Đại Việt thông sử” đã ghi rất rõ ràng. Nào là lập công nơi ải Khả Lưu, nào là chiếm thành Nghệ An, bắt được tên chỉ huy Thái Phúc…

Công lao cùng vua vào sinh ra tử bao phen, góp phần lớn công lao vào đại cuộc cho nhà Hậu Lê. Bởi thế nên khi sạch bóng quân thù, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi chí tôn, thì danh phận của công thần Lê Ngân cũng đổi khác. Năm Mậu Thân (1428), ông được phong là Suy trung Tán trị Hiệp mưu công thần, Nhập nội tư mã, tham dự vào việc triều chính.

Quyền cao tột bậc

Thời gian đầu nắm quyền, vua Lê Thái Tổ không chỉ chăm lo việc quốc thái dân an, mà vẫn luôn nhớ đến những ngày gian khó có bao anh hùng, hào kiệt đã giúp mình dựng nên nghiệp lớn. Thế nên, ngày mùng 3 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1429), 93 công thần được ban biển ngạch, huyện thượng hầu có 3 người, còn á thượng hầu có 1 người, và người đó chính là Lê Ngân.

Năm Đinh Tỵ (1437), Lê Sát vì lạm quyền, bị vua xử tội chết. Sau đó, như “Đại Việt thông sử” ghi, vua Lê Thái Tông “cho ông lên làm thủ tướng, phong là Nhập nội đại đô đốc, phiêu kỵ thượng tướng quân ở trấn Quy Hóa; đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ty, Thượng trụ quốc Quốc thượng hầu”.

Trong bài chế văn, vua khen ông “là khí thiêng liêng của sông núi; là tài lớn của triều đình”, và cũng tỏ lòng tin tưởng vào viên cố mệnh đại thần “Ngươi đã: nhặt cung rơi ở Đỉnh Hồ, thân chịu cố mệnh; ôm vừng hồng dưới vực thẳm đặt lên mây xanh. 

Khá nên phụ đạo chuyên cần. Nay ủy cho việc tâm phúc. Sung vào súy phủ; lên đến ngôi cao. Để vỗ về trăm họ, trị nước yên nhà; để cai quản trăm quan, nắm giữ then chốt”. Đến thời điểm này, rõ là Lê Ngân quyền cao tột bậc, dưới một người, mà trên ức vạn người.

"Cầu cho con gái được vua yêu", trọng thần mất mạng-chuyện đại thần Lê Ngân thời nhà Hậu Lê- Ảnh 2.

Lê Ngân phải tội chết

Ấy nhưng không phải vị công thần họ Lê không có chỗ đáng trách đâu. Ông dù là công thần nhà Lê đấy, nhưng tính tình lại được nhận xét là “cứng xẵng hẹp hòi”. Chuyện là, ở làng Lê Ngân, có Phạm Mấn tranh ruộng với gia nô của ông. Trong lúc hai bên tranh chấp, lời qua tiếng lại, Mấn có nói đụng chạm đến ông.

Lúc ấy, Lê Ngân còn chưa về dưới cờ nghĩa của Lê Lợi. Thế rồi sau này, cả Mấn và ông đều tham gia khởi nghĩa, nhưng sau Mấn đầu hàng giặc. Sau này, đất nước đã độc lập rồi, Ngân đã làm quan to trong triều, tội của Mấn ông biết được, vẫn để bụng chuyện cũ, ông sai hình quan truy xét lại tội ấy, Mấn bị khép án chém.

Nhưng quan Đại Tư đồ Lê Sát can rằng: “Nay bọn ta có quyền thế mà thù hằn người làng thì làm thế nào chẳng được? Sau này lỡ ta hết quyền thế rồi chả lẽ để con cháu chúng ta gánh chịu tai họa thù oán hay sao?” Nhưng Lê Ngân đâu có chịu, ông đáp rằng: “Con cháu nó còn biết gây oán, con cháu ta lại không biết trả thù hay sao?” May cho tên Mấn, sau được khoan hồng, đầu không lìa cổ, chỉ bị lưu đày mà thôi.

Mưu đồ không tốt

Con gái Lê Ngân là Lê Nhật Lệ khi tiến cung, được phong làm Chiêu nghi. Xét trong phẩm cấp như “Từ điển chức quan Việt Nam” cho hay, thì Chiêu nghi là danh của nội mệnh phụ. Đến tháng 7 năm Đinh Tỵ (1437), theo “Toàn thư”, Chiêu nghi Lê Nhật được phong làm Huệ phi, còn Nguyên phi Ngọc Dao con Lê Sát bị phế làm thứ nhân.

Vậy là nhờ có cha, Nhật Lệ đã đứng vào hàng phi của vua trẻ Lê Thái Tông. Tiếc nỗi, ngày vui ngắn chẳng tày gang. Mới được thăng làm Huệ phi tháng 7 thì đến tháng 12 năm ấy, Huệ phi đã bị giáng xuống làm Tu dung (thuộc tam tu: tu nghi, tu dung, tu viện, dưới cả tam chiêu: chiêu nghi, chiêu dung, chiêu viện). Vì đâu nên nỗi?

Được vua sủng ái nhờ cha, mà bị vua ruồng rẫy, lây tội, cũng bởi cha. Mà Lê Ngân, còn mắc đại tội đến nỗi phải chết nữa? Vì sao vậy? Xét ra, việc cũng không đến nỗi quá nặng để vua xử tội chết chính nhạc phụ của mình, cũng là khai quốc công thần nhà Lê. Sự vụ, nơi “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có ghi lại. Ấy là nhân con gái được vua phong làm phi, Nhập nội đại đô đốc Lê Ngân mới lập bàn thờ Phật Quan Âm để cầu cho con gái được vua yêu chiều.

Việc ấy, rồi cũng lộ ra, có kẻ báo cho vua Thái Tông biết. Để điều tra rõ thực hư, vua trẻ liền sai Thái giám Đỗ Đạt đem theo 50 võ sĩ đến khám nhà Lê Ngân. Quả nhiên “soát thấy có pho tượng Phật để thờ, vàng, bạc và lụa màu”. Để cho chắc chắn, nô tỳ nhà vị nhạc phụ được xét hỏi.

Việc thờ Phật như vậy, chưa phải trọng tội; nhưng việc bị tố cáo dùng việc thờ Phật để cầu cho con gái được vua yêu, rõ là có mưu đồ không tốt. Chẳng biết Lê Ngân có chột dạ hay chăng, nhưng như “Việt sử cương mục tiết yếu” cho hay, thì ngay hôm sau, Lê Ngân vào chầu, trút mũ tạ tội với vua và giãi bày:

“Thần vất vả lâu ngày, có nhiều bệnh tật. Thầy bói nói chỗ thần ở xưa có ngôi chùa cổ đã bị phá, hay gây tai họa, nên sửa lại để cầu phúc cho kiếp sau. Nếu được soi xét, thì xin cho về quê hương đồng ruộng để sống hết buổi tàn còn lại”.

Ông cũng lường trước rằng, nếu tra tấn những người nhà của ông, thì bị đau, chúng sẽ khai khác đi. Rõ là vị nhạc phụ, cũng đã lường trước sự tức giận của vị vua, cũng là con rể nên “rào trước đón sau”, và hẳn không nghĩ đến việc phải thụ hình nghiệt ngã về sau. Nhưng…

Vua Lê Thái Tông lúc này quyền bính mới nắm sau khi diệt trừ Lê Sát, tuổi vua mới tròn 15, chưa phải là đã điềm tĩnh để mà quyết việc, nhất là khi đang nóng giận. Dẫu nghe lời vị trọng thần giãi bày, nhưng ngài không nhún mình, mà giao việc ấy cho pháp ty xét. Và số mạng vị đại thần đã được định.

“Đại Việt thông sử” cho biết, vua bắt ông tự chết, tịch thu gia sản, thân thích đều bị liên đới. Cái chết của vị công thần ấy, đa phần đều xót thương vì không đáng tội. Lê Quý Đôn cho rằng: “Ông là công thần mở nước, mà chết không đáng tội”. Còn Đặng Xuân Bảng thì than “Ngân không đáng tội chết. Dư luận cho là oan uổng”…

Trần Đình Ba (Báo Pháp luật Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem