Câu chuyện bản quyền: Trông người mà ngẫm đến ta

Minh Anh Thứ ba, ngày 10/04/2018 13:15 PM (GMT+7)
Năm 2005 Luật Sở hữu trí tuệ ra đời, năm 2009 được điều chỉnh lại chặt chẽ hơn. Luật Sở hữu trí tuệ tương đồng với công ước Bern, nhưng từ quy định của luật pháp đến việc thực thi luật pháp là một chặng đường, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc. Bảo vệ quyền tác giả, là đem lại lợi ích hợp pháp cho các tác giả để họ có nguồn năng lượng tái tạo sức lao động, nhưng mục đích là vì xã hội, bởi luật pháp của nhà nước là vì lợi ích cộng đồng.
Bình luận 0

Theo thống kê tài chính trong lĩnh vực bản quyền thì KOMCA (Hàn Quốc) có doanh thu nửa đầu năm tài chính 2017 là 67 triệu USD; JASRAC (Nhật Bản) là 464.1 triệu USD; MCT (Thái Lan) là 935.533 USD và VCPMC (Việt Nam) tính đến tháng 10.2017 là 56 tỉ đồng (xấp xỉ 2 triệu USD). 

img

Nhìn vào số tiền tác quyền của các nước mà Việt Nam có ký kết hợp tác cho thấy, số tiền tác quyền của Việt Nam là quá ít so với nhu cầu sử dụng, quảng bá và phát hành các tác phẩm âm nhạc trong nước và ra quốc tế.

Buồn, vui những câu chuyện về bản quyền

Câu chuyện bản quyền ở Thái Lan mới đây là lời cảnh tỉnh cho những cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm âm nhạc dưới mọi hình thức trái phép. Theo đó, ngày 11.3 Tòa án Thái Lan đã ra lệnh bắt ca sĩ nhạc rock nổi tiếng của nước này là Num Kala vì sử dụng nhạc phẩm của người khác không xin phép. Ca sĩ Num Kala, tên thật là Naphasin Saeng Suwan (36 tuổi), đã bị một công ty phụ trách bản quyền âm nhạc Thái Lan tố cáo vì sử dụng một số bài hát nằm trong quyền quản lý tác phẩm của công ty này.

Sự việc xảy ra vào đầu năm 2017 khi Num Kala mở show nhạc quy mô nhỏ tại quán bar của mình trong thành phố Pattaya và sử dụng bài Yam hát trong show này. Công ty phụ trách bản quyền nhạc phẩm cũng đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng Num Kala vẫn tiếp tục sử dụng trái phép. Công ty đã kiện ra tòa yêu cầu bắt giam Num Kala, đồng thời bồi thường cho tác giả. Tòa án Thái Lan đã chấp thuận đơn kiện và ra lệnh bắt giữ Num Kala. Với tội vi phạm bản quyền âm nhạc, Num Kala đã phải đối mặt với mức án từ 4 - 6 năm tù và khoản bồi thường từ 100.000 - 800.000 baht (70 - 560 triệu đồng).

img

Ca sĩ Num Kala bị tòa ra lệnh bắt giam vì vi phạm tác quyền âm nhạc. (Ảnh: KHAOSOD)

Liên quan đến câu chuyện về bản quyền và việc thực thi Luật sở hữu trí tuệ, nhạc sĩ - nghệ sĩ guitare Đặng Ngọc Long - người Việt Nam đầu tiên làm Chủ tịch Hồi đồng nghệ thuật cuộc thi guitare quốc tế; Hiệu trưởng Trường âm nhạc Berlin-Gesundbrunnen (Đức) cho biết: Cách đây 1 năm, khi ngài Ted Osius (Mỹ), được cử sang Việt Nam làm Đại sứ, ông đã gửi đến nhạc sĩ một bức thư. Trong bức thư ngài Đại sứ Ted Osius gửi lời chào đến nhân dân Việt Nam bằng tiếng Việt, trên nền nhạc bài "Bèo dạt mây trôi" do nhạc sĩ Đặng Ngọc Long chuyển soạn. Kèm theo đó là bức thư do nhân viên của Bộ ngoại giao Mỹ gửi để xin phép được quyền sử dụng tác phẩm. Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long đã rất vui mừng đồng ý vì việc làm có ý nghĩa này.

Quyền sở hữu trí tuệ vô cùng quan trọng, là đòn bẩy cho các quốc gia phát triển bền vững. Những vấn đề về sở hữu trí tuệ nói chung; quyền tác giả nói riêng được cộng đồng quốc tế và các quốc gia thấy được tầm quan trọng cho sự phát triển của chính quốc gia đó. 

Cũng trong năm 2017, một hãng làm phim của CHLB Đức muốn sử dụng (35 giây) tác phẩm "Bài ca hy vọng" một sáng tác của nhạc sĩ Văn Ký do nghệ sĩ Đặng Ngọc Long độc tấu guitare, họ đã gửi tới nhạc sĩ Đặng Ngọc Long:

1.Giấy người được ủy nhiệm kí trực tiếp với hãng sử dụng

2.Giấy đồng ý của tác giả

3.Bản dịch công chứng sang tiếng Đức

img

Hãng truyền hình của Đức mua bản quyền video "Bèo dạt mây trôi" của Đặng Ngọc Long khi sử dụng.

Qua 2 ví dụ về việc tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ vừa nêu, đồng thời qua những sự việc mà báo chí phán ánh về việc thực thi quyền tác giả âm nhạc ở Việt Nam, nghệ sĩ Đặng Ngọc Long cho rằng: “Khi sử dụng bản quyền âm nhạc, các cá nhân, tổ chức cần lưu ý: một bài hát dân ca không cần mua hoặc xin phép bản quyền khi sử dụng, nhưng phải mua bản quyền của người chuyển soạn. Ví dụ: Khi sử dụng bài "Bèo dạt mây trôi" (dân ca Bắc bộ) chuyển soạn cho ghi ta. Hãng phim truyền hình của Đức đã phải mua bản quyền chuyển soạn cho ghi ta của tôi - nhạc sĩ Đặng Ngọc Long. Còn khi sử hình ảnh clip video mà có nhạc, phải có 2 bản hợp đồng:

1)Hợp đồng sử dụng hình ảnh video

2)Hợp đồng sử dụng nhạc trong video.

img

Bà Nguyễn Thị Sánh, Giám đốc Vietrro và Ông Taewon Jeong CT Hiệp Hội tác giả, nghệ sỹ Hàn Quốc ký kết hợp tác khai thác quyền sao chép tác phẩm song phương.

Liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ và hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này, mới đây, trong một cuộc hội thảo về bản quyền giữa Việt Nam và Hàn Quốc, các đại biểu đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng như: Cuộc chiến chống lại vi phạm bản quyền trên môi trường 5.0 (Việt Nam giờ 4.0); Thực trạng Nhật Bản đang bị xâm hại nghiêm trọng bản quyền tác phẩm; Các vụ kiện chống lại vi phạm bản quyền điển hình của các nước; Phương thức sử lý và hướng hỗ trợ giữa các tổ chức quyền với nhau để đóng góp lên Chính phủ từng nước khi có hoạch định chính sách về bản quyền.

…Và chuyện bản quyền âm nhạc Việt Nam

3.550 người, là số thành viên ký ủy thác với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Đối với thành viên tác giả nhạc quốc tế, thông qua việc ký kết các hợp đồng hợp tác song phương với nhiều tổ chức quản lý tập thể ở các quốc gia cũng như cam kết bảo hộ quyền tác giả giữa các tổ chức thành viên của CISAC (Liên minh quốc tế các hiệp hội nhà soạn nhạc và lời thế giới), thì số lượng thành viên nhạc quốc tế là trên 3,5 triệu tác giả thuộc 230 hiệp hội ở 157 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ngày 10.04.2018 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, tại Điểm a, Khoản 4, Điều 43 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP nếu rõ: "Việc trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phải bảo đảm lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước".

VCPMC là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả hợp pháp, tuân thủ các quy định của pháp luật và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo điều lệ; đúng phạm vi hợp đồng uỷ quyền của chủ sở hữu quyền tác giả Việt Nam và hợp đồng song phương với các tổ chức quốc tế, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, đồng thời luôn hỗ trợ tối đa cho các tổ chức, cá nhân sử dụng âm nhạc, đảm bảo nguyên tắc hài hoà 3 lợi ích: lợi ích của người sáng tạo, lợi ích của người sử dụng và lợi ích của công chúng hưởng thụ.

Hiện nay, Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sử dụng hệ thống phần mềm lưu trữ quốc tế Cisnet và phần mềm lưu trữ châu Á Mis@asia, đồng thời đăng ký thông tin thành viên IPI (Interested Parties Information) lên SUISA - Trung tâm IPI đặt tại Thụy Sỹ. Đây là các hệ thống phần mềm tương tác giúp Trung tâm cập nhật, lưu trữ, tra cứu dữ liệu tác phẩm/tác giả Việt Nam và quốc tế, đồng thời là cơ sở giúp cho các tổ chức bản quyền trên thế giới tra cứu, tìm kiếm thông tin về tác giả, tác phẩm âm nhạc Việt Nam trong quá trình cấp phép sử dụng và phân phối tiền cho tác giả.

Cho tới nay, VCPMC đang tổ chức thu 19 lĩnh vực có sử dụng âm nhạc với phương thức thu theo từng bài hát, từng lượt sử dụng, hoặc thu “trọn gói” cho 1 năm sử dụng, và chỉ thu đối với những tác phẩm thuộc thành viên của VCPMC. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân đã cố tình lách luật, vi phạm quyền tác giả nhằm mục đích kinh doanh trục lợi mà điển hình là vụ việc Sky Music đã khai thác kinh doanh trái phép hơn hơn 4.000 bản ghi của hàng trăm tác giả đã ký ủy thác với VCPMC.

Ngày 03.01.2018, VCPMC đã gửi thư khuyến cáo (bằng văn bản số 1947/TTBVQTGANVN, công khai trên website: vcpmc.org), đến các tác giả thành viên của mình để thông báo sự việc liên quan đến Sky Music. VCPMC đang tích cực làm rõ vấn đề, vạch rõ bản chất sự việc, sẵn sàng áp dụng các biện pháp pháp lý cần thiết để xử lý triệt để, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tác giả thành viên VCPMC. Nguyên tắc của VCPMC luôn là đồng hành cùng nhạc sĩ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam; sự ủy nhiệm của các tổ chức quốc tế có hợp tác song phương về bản quyền; áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền, tố cáo hành vi xâm phạm quyền, yêu cầu Sky Music phải xin phép, trả tiền cho chủ sở hữu, tác giả thành viên của VCPMC theo đúng quy định pháp luật.

- Nhạc sĩ Thái Khang: Tôi cũng tính im lặng âm thầm, nhưng anh em nhạc sĩ lên sóng vì quyền lợi chung của tất cả các nhạc sĩ, nên cũng muốn góp tiếng nói đi tim sự công bằng. Thái Khang rất bất ngờ với thông báo từ VCPMC thì ngoài 9 bài hát liên quan quyền nhạc sĩ của Thái Khang, số còn lại là do ca sĩ mang bản ghi âm "tự ý" ký kết với Sky Music mà Thái Khang không hề biết. Thái Khang cũng đã làm đơn xác nhận để VCPMC chuyển hồ sơ qua luật sư để giải quyết.

- Nhạc sĩ Võ Hoài Phúc - tác giả của 41 bản ghi đang bị Sky Music xâm phạm quyền tác giả chỉ rõ những sai phạm mà Sky Music đang cố tình lách luật:

1. Tôi là chủ của món hàng, các anh bảo rằng chưa thống nhất được phương án thanh toán với VCPMC, nhưng các anh vẫn liệt kê tên món hàng, rồi buôn bán? Tôi thấy sai luôn từ đầu.

2. Ngay cả khi các anh nắm quyền liên quan, tôi với tư cách là tác giả có quyền không cho các anh sử dụng nằm ngoài phạm vi thỏa thuận ban đầu, chứ đừng nói các anh chỉ là người mua bán trung gian.

3. Trên trang của Sky không hề có dòng nào ghi rõ là bài này có quyền này bài kia có quyền kia, nên mọi giải thích đều là ngụy biện.

4. Việc khoán hay theo thống kê là chuyện của nhạc sĩ và VCPMC. Nếu anh thật sự vô tư, anh cứ thanh toán cho VCPMC theo đúng luật. Rõ ràng anh không có quyền đại diện cho quyền lợi của NS, nên cũng đừng lấy đó làm lí do biện luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem