|
Giờ thực hành nhân giống tảo và phôi thức ăn cho cá biển của sinh viên Lớp Nuôi trồng thuỷ sản K51, Trường địa học Nông nghiệp I. |
Ngành có nguy cơ chết yểu
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2010, khoa Nuôi trồng thuỷ sản của Trường Đại học Nông nghiệp chỉ nhận được 25 hồ sơ đăng ký dự thi nên khả năng tuyển sinh theo nguyện vọng 1 là rất xa vời.
Trước đó, năm 2009, khoa này phải “chật vật” tuyển cả nguyện vọng 2 và 3 mới được 60 sinh viên, sau 1 năm học giờ chỉ 38 sinh viên. Để giải quyết những khó khăn này, trường đã phải nâng cao chất lượng đào tạo, mời cán bộ ở các viện nghiên cứu đến thỉnh giảng, trang bị thêm cơ sở vật chất như ao nuôi tôm, máy móc... để sinh viên học tập vậy mà vẫn chưa đủ sức để “níu” chân sinh viên và “hút” thí sinh dự thi.
Với một trường có truyền thống đào tạo như Trường Đại học Nha Trang, tuy không gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo, nhưng hiện nay trường cũng phải cố mới “vớt” đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Hàng năm số lượng thí sinh đăng ký dự thi và theo học ngành Đánh bắt, Nuôi trồng thuỷ sản lúc nào cũng vào loại thấp nhất trường.
Ông Đỗ Văn Ninh - Phó Hiệu trưởng cho hay: “Vì điểm chuẩn của các khoa này năm nào cũng chỉ ngang hoặc nhích hơn với điểm sàn một ít, nên để đảm bảo chất lượng đầu vào, nguyện vọng 1 trường chỉ lấy 50% còn lại để tuyển nguyện vọng 2 và 3. Biết là sớm muộn gì cũng có những sinh viên không tâm huyết bỏ học, nhưng cực chẳng đã chúng tôi mới phải làm thế”.
Trường Đại học đã khó tuyển, các trường cao đẳng, trung cấp nghề thuỷ sản lại càng khó khăn khi đầu vào phần lớn trông chờ vào điểm xét tuyển. Ông Lê Văn Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Thuỷ sản Miền Bắc cho biết: “Năm 2010 chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 700 sinh viên nhưng chỉ có gần 400 thí sinh đến thi”.
Sinh viên không mặn mà
Theo thống kê của Bộ GD &ĐT, mỗi năm ngành nông – lâm – thủy sản cần khoảng 1.300 - 1.500 người có trình độ đại học trở lên, 4.000 – 5.000 người có trình độ cao đẳng và TCCN và 6.500 – 7.000 công nhân kỹ thuật lành nghề. Trong khi đó nước ta chỉ có 14.000 trên tổng số 1,6 triệu sinh viên đang theo học các ngành nghề liên quan đến nông – lâm – thủy sản ở tất cả các hệ đào tạo, chiếm tỷ lệ 4,82%.
Ngành học vất vả, phương tiện học tập thiếu thốn, nơi làm việc xa lại ở vùng khó khăn, điều kiện làm việc không thuận lợi, thiếu chế độ ưu đãi… là những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên “ngại ngùng” khi nộp hồ sơ dự thi vào ngành thủy sản, và cũng là nguyên nhân khiến sinh viên ngành này sau khi ra trường khó trụ nổi với nghề.
Chị Nguyễn Thị Sáng - cựu sinh viên khoa Nuôi trồng thuỷ sản - Trường Đại học Nông nghiệp I, nguyên cán bộ nghiên cứu phòng quan trắc, Viện Thuỷ sản I, cho biết: “Bản thân tôi cũng phải bỏ nghề vì làm chẳng đủ ăn. Trong số 90 sinh viên tốt nghiệp cùng lớp chế biến với tôi chỉ còn khoảng 40% là làm đúng hoặc gần với chuyên môn được đào tạo, số còn lại là làm trái nghề”.
Đang là sinh viên năm thứ 4 khoa Nuôi trồng thuỷ sản, Trường Đại học Nông nghiệp I, nhưng Phạm Văn Hiển vẫn rất băn khoăn về quyết định vào trường của mình. Hiển cho biết: “Tuy học ngành này là tâm huyết nhưng năm sau ra trường em cũng chưa biết có tìm được công việc phù hợp không. Nhiều bạn học cùng lớp em cũng cho biết vào học ngành này để “chống cháy”, sau này ra trường cũng có hướng đi tìm công việc khác”.
Một thực tế nữa là phần lớn sinh viên ngành thuỷ sản đều xuất phát từ những gia đình nông dân, ngư dân nghèo nên nếu không có hỗ trợ, các sinh viên này khó có thể theo học.
Nhóm phóng viên Giáo dục
Vui lòng nhập nội dung bình luận.