Cây “cần vọt” của làng quê xưa

Chủ nhật, ngày 22/12/2013 07:03 AM (GMT+7)
Ấy là một hình ảnh quen thuộc… mà không, phải nói là vô cùng quen thuộc của làng quê xưa (xin lỗi, lại… chuyện xưa!). Nhưng ngày ấy, "cần vọt" không thể thiếu. Mỗi nhà tối thiểu một trụ, một cây.
Bình luận 0
Thi thoảng, có nhà còn có đến hai hoặc ba cây – bởi ngoài cây cần vọt chính (ngự nơi giếng nước ăn) - còn có thêm vài ba cây cần vọt phụ chồm chỗm ngỏng cổ cạnh bờ ao, bờ rạch hoặc bờ mương. Lũ cần vọt ấy làm nhiệm vụ tưới tắm cho cây cối hoặc vài vạt lúa, vạt ngô trồng tranh thủ trong vườn là chính.
Hình ảnh cây cần vọt được mô tả theo ký ức
Hình ảnh cây cần vọt được mô tả theo ký ức

Thi thoảng ngoài đồng, tại những chân ruộng (bậc thang) cao, đôi khi cũng có cần vọt; nhưng thường thì ít thấy, bởi giữa đồng trống người quê ưa tát nước bằng gàu dây (gàu dai) hơn. Cái gàu dai ấy – nói nhỏ nghe – cũng thuộc hàng một trong những đối tượng rất quê và rất thơ. Nhưng thôi, đợi lúc khác hẵng hay, giờ ta đang dở chuyện cùng cây cần vọt…

Cần vọt là gì? Tên cho vật dụng nói trên thuộc loại hình dung từ tuyệt đối chính xác: ấy là cây cần (giống… cần câu; có điều cây “cần câu” này to ơi là to!) dùng để vọt nước! Vọt nước; thực chất cũng là đưa nước từ giếng, từ ao lên; nhưng đây không phải đưa bằng kiểu múc, xách thông thường như khi sử dụng gàu dây; nước được vọt từ thấp lên cao dựa theo nguyên tắc đòn bẩy!
Múc nước bằng gầu
Kéo nước bằng gầu

Cứ nhìn kĩ một trụ cần vọt đang hoạt động khắc biết: cánh tay đòn chính là cần bẩy. Điểm tựa là 2 trụ cần vọt. Vật nặng buộc đằng sau đuôi là lực bẩy, có tác dụng nâng vật nặng (gồm cần vọt và gàu nước) từ dưới giếng vọt thẳng lên. Còn cần vọt? Ấy là công cụ biến đổi phương của lực kéo, lực nâng sao cho gàu được đưa xuống, kéo lên luôn theo đường thẳng, tránh va chạm vào bờ ao, thành giếng.

Hơn thế, cần vọt còn giúp người mang nước đi xa hơn (trong phạm vi bán kính vài ba mét quanh giếng) một khi gàu được kéo lên khỏi giếng mà không tốn nhiều sức. Tác dụng ấy có sự góp phần đắc lực của sợi dây nối (khá linh hoạt) giữa cần vọt và cần bẩy. Nói thì đơn giản ( với những người đã từng thấy, biết); nhưng với người chưa bao giờ “sở thị”, hình dung cho ra e rằng cũng hơi… vất vả.

Đành mô tả cho chi tiết hơn một chút cái qui trình chế tác để người đọc dễ hình dung. Muốn làm cần vọt, đầu tiên người ta phải nhắm nhe địa thế, chọn chỗ thích hợp nhất mà chôn trụ. Chỗ ấy phải vừa tầm, không được quá gần hoặc quá xa miệng giếng (gần quá xách bị nặng, bị “tức”. Xa quá thì khó đổi phương lực kéo, gàu dễ đụng thành giếng, thành ao). Trụ thường là hai (hoặc bốn - nếu muốn thêm chắc chắn!) gốc tre đực già chôn sâu song song, đầu trên có xỏ lỗ để đóng chốt sắt ngang.

Khoảng trống giữa 2 trụ phải vừa đủ rộng để cần bẩy tự do di chuyển xuống – lên. Cần bẩy được làm bằng nguyên thân tre cái già to, hơi cong để chịu tốt lực uốn. Tại vị trí chọn làm điểm tựa trên thân cần bẩy, người ta cũng dùng dùi sắt nướng đỏ xoi lỗ vừa khít cho cây chốt sắt (ăn vào hai trụ) chui qua được. Cái điểm tựa ấy phải được tính toán sao cho khi cần bẩy gục xuống hết cỡ thì đầu cần đến đúng ngay tâm miệng giếng; còn khi cần bật lên hết cỡ, thì đuôi cần vẫn chưa đụng đất. Dài thì vướng; thế nhưng, nếu đuôi cần ngắn quá, lực nâng không đủ, xách nước sẽ rất nặng. Chuyện này thì kẻ thiết kế phải chịu khó mà cân đối sao cho thuận anh thuận ả

Làm không trôi, phải chỉnh sửa dăm ba bận là chuyện thường! Khi đâu đó đã sẵn sàng, người ta tiến hành lắp cần bẩy vào trụ: đưa cần bẩy vào giữa hai trụ (tại nơi điểm tựa); dùng cây chốt sắt tròn đã chuẩn bị trước đóng ngang qua trụ 1, chui qua điểm tựa trên cần bẩy, sau đó chui tiếp vào lỗ trụ 2.

Cân đối, cố định 2 đầu chốt sắt không để bị tuột ra. Lúc này, cần bẩy phải có khả năng quay tròn lên xuống tự do xung quanh cây chốt sắt. Chuẩn bị sẵn vài ba vật nặng mà buộc dính sau đuôi cần bẩy. (Độ nặng ấy sẽ được tính toán, gia giảm sau tùy theo đối trọng – tức trọng lượng cần vọt và gàu nước). Nâng lên thả xuống thử vài lần. Nếu thấy hệ thống hoạt động trơn tru, không bị rung chao, dính mắc ở đâu là được.
Tát nước bằng gầu sòng
Tát nước bằng gầu sòng

Tìm cần vọt thì đơn giản hơn; chỉ cần chọn cây tre đực nào thân thon thả, thẳng thớm, dài tương đương độ sâu của giếng. Đầu gốc cần vọt cũng dùng dùi sắt nướng xoi ngang 2 lỗ nhỏ để xỏ chốt mắc gàu xách nước. Đầu ngọn được nối thẳng vào đầu ngọn cần bẩy bằng một đoạn dây thừng chắc chắn. Mắc gàu vào cần vọt, thả lên níu xuống vài tua xem cần di chuyển hoàn toàn theo ý của ta chưa. Nếu cần dễ dàng điều khiển, không bị đụng thành giếng (hoặc bờ ao), Kéo, nâng, múc, đổ nước dễ dàng là mọi sự xong xuôi; có thể đưa “công trình” vào khai thác, sử dụng được rồi.

Dùng cần vọt, nói theo ngôn từ kĩ thuật, không có lợi gì về công mà chỉ giúp ta thay đổi phương của lực kéo (kéo xuống, thay vì kéo lên như khi dùng gàu dây xách nước!). Ấy là theo lí thuyết. Nhưng vào thực tế - chỉ ai từng làm mới biết – vọt nước bằng cần vọt đỡ tốn sức và nhanh gấp đôi (thậm chí gấp ba) chiêu dùng gàu xách cột dây!

Thế nên ngày chưa có máy bơm, cây cần vọt luôn là công cụ chủ lực để lấy nước ăn, nước tưới cho cả làng quê. mười nhà như một, lô nhô sắp hàng cần vọt. Sáng kẽo cà. Trưa kẽo kẹt. Tối, kẽo cà kẽo kẹt.

Cây cần vọt luôn đồng hành cùng quê (xưa) như một biểu trưng cho tinh thần sáng tạo, cho cái đức nhẫn nại, cần cù, chịu thương chịu khó của người quê. Sớm sớm chiều chiều, tiếng kẽo kẹt kẽo cà cứ rủ rỉ, thì thầm vào tai đứa trẻ quê từ khi mở mắt nằm nôi đến tận lúc lớn khôn, phải giã làng ra đi vì tương lai, vì trách nhiệm - hoặc vì cuộc mưu sinh. Làng quê không còn; nhưng cái thanh âm kẽo cà kẽo kẹt kia thì vẫn còn…

Phải. Nó còn, còn mãi; dẫu cho đã lặn đâu trong tận cùng thẳm sâu kí ức, nó vẫn còn khôn nguôi da diết tiếng gọi đàn…
Báo Phú Yên (Theo Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem