Thứ cây tốt um ra loại hạt ăn tốt cho sức khỏe, nông dân Bình Định trồng tốn ít hơn mà lãi nhiều hơn

Thứ năm, ngày 07/09/2023 19:42 PM (GMT+7)
Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, luân canh tăng vụ, đa dạng hóa sản phẩm, vụ Hè Thu năm 2023, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) xây dựng 2 mô hình trồng cây mè trên đất chuyển đổi, quy mô 3 ha...
Bình luận 0

2 mô hình thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi, quy mô 3 ha (trong đó Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định) thực hiện 1 mô hình/2 ha; Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tây Sơn thực hiện 1 mô hình/1 ha). Cả 2 mô hình đều đưa vào sản xuất giống mè mới V36, bộ giống mới do Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ lai tạo.

Tổng kết mô hình tồng mè, theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Tây Sơn, giống mè V36 cho thấy các ưu điểm: Giống ngắn ngày, cây có khả năng chịu hạn cao và chống chịu sâu bệnh khá. 

Cùng với đó, việc áp dụng cùng quy trình sản xuất giúp cây phát triển đồng đều, năng suất đạt 13 tạ/ha, cao hơn ruộng mè ngoài mô hình 4 tạ/ha.  

Thêm nữa, cây mè có khả năng thích ứng được với các vùng đất khô, nên có thể thâm canh hoặc luân canh xen vụ rất tốt.

Thứ cây tốt um ra loại hạt ăn tốt cho sức khỏe, nông dân Bình Định trồng tốn ít hơn mà lãi nhiều hơn - Ảnh 1.

Mô hình thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi trong vụ Hè Thu năm 2023 ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: T.D

Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN Thượng Giang (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), cho biết, các xã viên HTX trồng 15 ha mè. 

Trước đây bà con trồng theo kiểu cũ, sử dụng các giống cũ nên năng suất và sản lượng thấp. Từ mô hình do Trung tâm Khuyến nông tổ chức với bộ giống V36, năng suất tăng lên thấy rõ, HTX tổ chức mua hết toàn bộ lượng mè V36 đã thu hoạch để chế biến ép dầu mè phục vụ thị trường.

Theo ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, hằng năm nông dân trong huyện trồng 500 ha mè, năng suất bình quân khoảng 9 tạ/ha. 

Nhiều năm qua, tuy huyện cũng như bà con có nhiều nỗ lực để nâng cao năng suất cây mè nhưng chưa được như kỳ vọng. Thêm vào đó, do chất lượng giống thấp nên cây mè khó phát triển về diện tích. 

Nhưng tại vụ Hè Thu năm nay, huyện triển khai được các mô hình thâm canh cây mè ở các vùng đất chuyển đổi, vùng thiếu nước, đặc biệt là nhờ có thêm bộ giống mới, năng suất và sản lượng tăng lên rất nhiều, bà con rất phấn khởi.

Ước tính trên cùng 1 ha đất canh tác theo định hướng phải chuyển đổi, so với các cây trồng khác, cây mè đầu tư ít hơn, sử dụng lượng nước ít hơn, thu nhập tăng lên 2 - 3 lần so với cây lúa. 

Mô hình trồng mè khi triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài ra còn góp phần cải tạo đất, hạn chế được việc bỏ hoang đất do thiếu nước tưới. 

Hiện, Tây Sơn đang phát triển các sản phẩm chế biến từ cây mè, trong đó đã có sản phẩm dầu mè của HTXNN Thượng Giang được người dân ưa chuộng. Đây là một cơ hội để người dân mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất, góp phần tăng thu nhập.

Thu Dịu (Báo Bình Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem