Cây sai quả nhờ thay đổi cách bón phân

Thứ tư, ngày 29/12/2010 13:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thành lập năm 2007, qua 3 năm chú trọng sản xuất rau ăn trái (khổ qua, dưa leo, bầu và ớt), Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn Nhuận Đức (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm về quy trình bón phân cho rau ăn trái.
Bình luận 0
img
Chất lượng rau quả tăng cao nhờ bón phân đúng cách.

Trước đây, cách bón truyền thống vừa tốn phân mà năng suất và chất lượng thấp. Từ khi áp dụng cách bón phân mới, năng suất và chất lượng rau của HTX tăng lên rõ rệt.

Ông Bùi Văn Hẩu - tổ trưởng HTX rau an toàn Nhuận Đức cho biết, qua theo dõi thực tế canh tác rau ăn trái của các hộ dân tại xã Nhuận Đức, cho thấy cách bón phân không hợp lý là nguyên nhân làm năng suất giảm. Cụ thể, bón không cân đối giữa các loại phân (gồm đạm, lân và kali), thứ hai, không chú trọng bổ sung các nguyên tố vi lượng (magiê, canxi…), chỉ bón lót và bón thúc nên hiệu quả của phân bón giảm, từ đó năng suất và chất lượng cũng giảm theo.

Để khắc phục, ông Hẩu khuyến cáo bà con nên chia ra làm 5 giai đoạn bón (5 lần bón/vụ).

Số lượng phân sử dụng cho 1.000m2 đất trồng và cách bón phân như sau: 50kg vôi, 1.000kg phân chuồng, 12,5kg urê, 64kg NPK 16-16-8 và 21kg kali.

Ở giai đoạn bón lót, sử dụng toàn bộ 50kg vôi và 1.000kg phân chuồng bón khắp luống trồng. Tương tự, sử dụng 30kg NPK trộn đều với 11kg kali bón đều khắp các luống (không cần bón urê).

Giai đoạn bón thúc: Giai đoạn này được chia làm 4 lần bón, cụ thể: 10 ngày sau khi trồng chỉ sử dụng duy nhất 5,5 kg urê pha loãng với nước tưới khắp các luống cây trồng; giai đoạn 20 và 30 ngày sau trồng sử dụng 17kg NPK và 5kg kali/lần pha với nước tưới cho cây; giai đoạn 40 ngày sau trồng sử dụng 7kg urê pha với nước tưới đều khắp luống cây trồng.

Ngoài ra, bà con nên bổ sung thêm các chế phẩm vi sinh cho cây trồng như: Phân vi sinh từ chế phẩm gốc rạ; chất vi sinh phân giải lân cố định trong đất; phân vi sinh EM; phân giàu canxi…

Đối với phân vi sinh từ chế phẩm gốc rạ, có thể tưới hoặc dùng bình bơm phun vào đất vào các thời kỳ trước khi trồng, 15 ngày sau khi trồng, 28 ngày sau khi trồng (lúc chiều mát). Nồng độ sử dụng 100 gam thuốc pha với 100 lít nước sử dụng cho 1.000m2 đất trồng.

Đối với chất vi sinh phân giải lân cố định trong đất, sử dụng như chế phẩm gốc rạ. Nồng độ 200gam pha với 100 lít nước sử dụng cho 1.000m2 đất.

Đối với phân vi sinh EM, dùng bình bơm phun lên lá vào thời kỳ 10-14 ngày, 20-24 ngày và 30-34 ngày sau khi trồng, phun vào lúc chiều mát. Nồng độ sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Đối với phân giàu canxi, dùng bình bơm phun qua lá ở các giai đoạn 10 và 15 ngày sau khi trồng. Nồng độ và liều lượng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem