Cây trồng biến đổi gen: Không đáng sợ, chỉ sợ không hiểu biết

Thứ hai, ngày 21/11/2011 17:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi Nhật Bản cho rằng phát hiện gạo trong sản phẩm bánh phở xuất khẩu của Việt Nam có chứa chất biến đổi gen (GMO), câu chuyện về quản lý, sử dụng các giống GMO nói chung, lúa gạo GMO nói riêng ở nước ta đang là vấn đề được dư luận quan tâm.
Bình luận 0
img
TS Lê Hưng Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam

Phóng viên NTNN đã phỏng vấn TS Lê Hưng Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam.

Cần kiểm soát chặt hơn

Sự kiện Nhật Bản cho rằng phát hiện bột gạo trong bánh phở của Việt Nam xuất khẩu có chứa chất biến đổi gen đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của chúng ta. Theo ông, liệu có thể bằng một con đường nào đó, giống lúa GMO đã bị nhiễm vào nước ta?

- Chứng minh gạo GMO là rất khó và tôi cũng không hiểu vì sao, vừa rồi Nhật Bản họ lại phát hiện và chứng minh được bánh phở của chúng ta có chứa GMO, còn ở nước ta lại bảo không có. Vì thế, có thể nói chứng minh sản phẩm có chứa GMO rất khó khăn, phức tạp phụ thuộc nhiều vào công nghệ, máy móc, rồi đến cách lấy mẫu, người phân tích.

Điều quan trọng là, chúng ta phải chứng minh được sản phẩm của mình không có GMO bằng cách gửi mẫu sang một nước thứ 3 để phân tích, còn nếu đây là vấn đề thuộc tranh chấp thương mại, thì phải đưa ra tòa án để giải quyết, vì vấn đề này ảnh hưởng đến quyền lợi của dân, cũng như việc xuất khẩu gạo của nước ta.

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo là không lớn, vì một công ty cũng không ảnh hưởng nhiều. Chúng ta xuất khẩu gạo tới hàng trăm nước, quan trọng là 6-7 triệu tấn gạo xuất khẩu của ta, còn vài chục tấn bánh phở không có gì đáng ngại. Nhưng chỉ có điều, Nhật là thị trường chất lượng cao, người tiêu dùng họ khó tính, nên chất lượng cần phải đảm bảo.

Dù vậy, theo tôi, qua sự việc của Công ty Bích Chi vừa rồi, chúng ta cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong thương mại, đó là sản phẩm phải rõ nguồn gốc xuất xứ, có văn hóa trong kinh doanh, thương mại, phải theo thông lệ quốc tế, để tránh xảy ra những tranh chấp tốn kém không đáng có.

Do rất khó xác định cây trồng GMO, nên có thời điểm đã rộ lên tin đồn, cây trồng GMO tràn ngập ở TP. Hồ Chí Minh và gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người dân. Cộng với sự việc bánh phở vừa rồi, phải chăng chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát, quản lý và phát hiện được sản phẩm GMO?

-Theo tôi, trình độ khoa học của mình phải vươn lên để chứng minh và kiểm soát được các sản phẩm GMO. Trước mắt, khi chưa kiểm soát được, thì phải yêu cầu chứng chỉ khi nhập khẩu giống GMO về, để cảnh báo cho dân, vì người dân có quyền biết điều này.

img
Việt Nam không sử dụng cây trồng chuyển gen đối với lúa.

Cũng có nhiều nước, họ không cấm được, thì họ bắt phải trình bày bằng cách ghi rõ sản phẩm GMO như kiểu niêm yết giá để dân lựa chọn, còn ở ta bảo ăn sản phẩm GMO an toàn thì cần phải chứng minh cụ thể cho người dân.

Nói như ông, việc chứng minh GMO là rất khó. Vậy cũng không loại trừ khả năng, có một số sản phẩm GMO đã được đưa vào nước ta, nhưng chúng ta không thể phát hiện được do công nghệ và cả hành lang pháp lý?

-Thực tế, chúng ta đã có đầy đủ hành lang pháp lý được quy định rõ từ Điều 65 đến Điều 68 của Luật Đa dạng sinh học năm 2008 hay Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Chính phủ cũng đã có Nghị định về quản lý cây trồng GMO. Còn xét về quy trình, Bộ NNPTNT phải khảo nghiệm, Bộ TNMT chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng GMO. Mục tiêu của chúng ta là phải đảm bảo về an toàn, đạo đức. Tuy nhiên, chúng ta chưa phát triển, nên chưa thể hình dung hết được sự phát triển cây trồng GMO như thế nào để quản lý cụ thể.

Còn về công nghệ, hiện Bộ NNPTNT đang tiến hành khảo nghiệm một số cây trồng GMO và đã giao cho một số công ty nước ngoài như Monsanto, Syngenta làm khảo nghiệm một số giống ngô, cái này chúng ta phải chờ thời gian để chứng minh tính an toàn sinh học của các sản phẩm đó.

Chưa nên với lúa; còn ngô, đậu tương thì làm

Trong thời gian gần đây, có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau về phát triển các giống cây trồng GMO như lúa, ngô, đậu tương và cho rằng, Việt Nam chưa nên phát triển sản phẩm GMO. Cá nhân ông, nhận định ra sao về vấn đề này?

-Đứng về số đông, bảo vệ quyền lợi của số đông, là một nước xuất khẩu gạo lớn với 6-7 triệu tấn/năm, cùng hàng chục triệu dân trồng lúa, trong khi đó dư luận lại chưa thống nhất đối với cây trồng GMO, có nơi còn cấm không cho xuất, nhập giống GMO, nếu chúng ta làm lúa GMO, mà bị các nước từ chối nhập khẩu thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của nước ta.

Cho nên, trước mắt chưa thể làm lúa GMO được, mà cần phải chờ sự đồng thuận, nghe ngóng thị trường, bởi nếu mình làm ngay, mà họ từ chối, thì mình phải đổ lúa xuống biển à. Nên tôi xin nhắc lại, lúa là chưa chứ không phải không nên làm, vì cần có khoa học chứng minh đã.

Còn đối với ngô và đậu tương thì nên làm, phát triển ngay, vì mình còn thiếu, giá lại cao, hơn nữa đây là những loại thức ăn được chế biến công nghiệp trước khi được tiêu hóa qua động thực vật, thủy sản, chúng ta không ăn trực tiếp, nên có thể trồng được. Tóm lại, những cây không ăn trực tiếp vào người, động vật, mà thông qua chế biến công nghiệp, thì có thể phát triển được.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, trong tương lai, chúng ta sẽ phải trồng và sử dụng cây trồng biến đổi gen do áp lực về dân số, riêng Việt Nam vẫn đang là một nước sản xuất lương thực lớn, theo ông có nhất thiết Việt Nam cũng phải phát triển cây trồng GMO?

-Tôi cho rằng, chưa thể nói trước được, nhưng đó là một xu thế, nhận thức của xã hội phải qua một quá trình, bây giờ với dân số, đất đai như thế này, chúng ta cho rằng chưa phải sử dụng cây trồng GMO, nhưng khi dân số tăng lên, quan điểm đó cũng sẽ phải thay đổi.

Thực tế, chúng ta đã ứng dụng công nghệ GMO vào cây ngô, đậu tương, thì cây lúa cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, khoa học cần chứng minh, vì đang có hai luồng dư luận khác nhau, nếu ăn gạo GMO không việc gì, khoa học cần chứng minh điều đó. Bây giờ, ngành y tế còn đang thay đổi cả tế bào gốc để chữa bệnh, thì hạt gạo GMO có gì ghê gớm, đáng sợ, chỉ có sợ là không hiểu biết.

Vậy phải chăng đã đến lúc, Việt Nam cũng phải thừa nhận và có lộ trình đến phát triển cây trồng GMO?

-Theo tôi, để quản lý các giống cây trồng GMO cần lưu ý một số vấn đề, đó là: Phải thừa nhận giống cây trồng GMO, chứ không có lý gì mình lại chối bỏ, cự tuyệt một thành tựu của khoa học về GMO. Cây trồng GMO là một trong 5 thành tựu lớn của thế kỷ XX, nên không thể chối bỏ được.

img Cây trồng GMO là một trong 5 thành tựu lớn của thế kỷ XX, nên không thể chối bỏ được. Nhưng khi phát triển GMO, Việt Nam có thể lựa chọn những gen phù hợp với điều kiện sinh thái, nông học, sản xuất của chúng ta, chứ không nhất thiết thế giới làm gì, mình làm đó. img

Nhưng khi phát triển GMO, mình có thể lựa chọn những gen phù hợp với điều kiện sinh thái, nông học, sản xuất của chúng ta, chứ không nhất thiết thế giới làm gì, mình làm đó. Biến đổi gen chính là linh hồn của công nghệ sinh học, vì có những giống giúp tăng năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh, hạn hán, từ đó mình chọn những giống phù hợp với mình, đặc biệt là giống chịu hạn.

Mặt khác, chúng ta cần có lộ trình để phát triển phù hợp, đồng thời tăng cường tuyên truyền về cây trồng GMO một cách khách quan, trung thực, vì thực tế hàng ngày, chúng ta tiêu thụ hàng triệu gen, trong đó gạo có 40.000 gen, chưa kể hàng triệu tấn ngô, đậu tương nhập khẩu cũng là GMO, mà chúng ta ăn có sao đâu.

Đặc biệt, chúng ta cần nhanh chóng làm chủ công nghệ, bởi theo kinh nghiệm của tôi, thông thường phải mất 10 năm, chúng ta mới có thể làm chủ và phổ cập được một công nghệ, bởi như cây trồng GMO, thế giới họ đã nghiên cứu về GMO từ những năm 80 của thế kỷ XX, mà đến tận bây giờ chúng ta vẫn cứ tranh luận mãi.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem