Cha con đi khai hoang mở trang trại chuối triệu đô

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 02/06/2023 14:00 PM (GMT+7)
Tại xã Lương An Trà (Tri Tôn, An Giang), người ta gọi “trại chuối Sáu Đức” là “trại chuối triệu đô”. Bởi mỗi lần xuất khẩu chuối là trại chuối thu lời nhiều tỷ đồng.
Bình luận 0
Cha con đi khai hoang mở trang trại chuối triệu đô - Ảnh 1.

Tôi biết anh Nguyễn Hoàng Anh (xã Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang), chủ nhân trại trồng chuối xuất khẩu Sáu Đức, khoảng 20 năm trước. Đó là khoảng thời gian anh Hoàng Anh cùng cha mình - ông Sáu Đức (Nguyễn Lợi Đức) đi khai hoang trong vùng Tứ giác Long Xuyên.

Cha con đi khai hoang mở trang trại chuối triệu đô - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hoàng Anh ( xã Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang), chủ nhân trại trồng chuối xuất khẩu. Ảnh: Trần Đáng

Cha con đi khai hoang trồng chuối xuất khẩu

Lần này tôi trở lại xã Lương An Trà cũng ngót nghét 20 năm. 20 năm trước, nơi đây là vùng đất khai hoang của tỉnh An Giang. Chính quyền tỉnh An Giang đã vận động nhân dân vào đây khai hoang mở đất, trong đó có gia đình anh Nguyễn Hoàng Anh.

Nhớ lần ấy, trong cơn mưa xối xả, tôi vượt con đường Tám Ngàn đầy "ổ gà, ổ voi" vào gặp ông Sáu Đức. Sau những năm tháng đói khát khai hoang, thời điểm tôi gặp, ông Sáu Đức đã là "chúa đất miền Tây" với trong tay hơn 1.000 mẫu ruộng.

Ông Sáu Đức kể, năm 1997, ông vào đây khai hoang mở đất. Lúc đó, vùng này đất hoang hóa mênh mông. Bà con đi kinh tế mới đến đây nhận đất để khai hoang trồng lúa 10 người thì hết 9 người thất bại. Không chịu nổi cáí cơ cực, cái đói bà con chán nản bỏ đất đi tứ tán.

Để tính chuyện làm ăn lớn, ông Sáu Đức lội vào sâu trong đồng bưng mua những khoảnh đất lớn khai hoang với giá 700.000 đồng/công (1.000m2). Quan niệm của Sáu Đức là, đã làm nông thì phải làm kiểu nông trang mới phát triển kinh tế được.

Có được đất, ông Sáu Đức sắm ngay chiếc máy cày cũ của Liên Xô, rồi thuê nhân công đốt cỏ, nhổ gốc tràm, ban gò, lấp lung… chuẩn bị trồng lúa.

"Cực chẳng khác con trâu. Tờ mờ sáng, tôi phải mò ra đồng, tối mù tối mịt mới về đến nhà. Chiếc máy cày cũ còn xục xịch hư lên, hư xuống chứ tui không cho phép mình được ngã bệnh. Mất 7-8 năm đầu tư đất hoang hóa tốn biết bao công sức, tiền của mới thành đất thuộc", ông Sáu Đức thổ lộ.

Có thể nói, thời điểm ấy, ông Sáu Đức là một trong những nông dân đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ cơ giới hóa đồng ruộng với máy cấy, gặt đập liên hợp, sạ hàng, cày xới, sấy, san đất bằng tia laser… Hoàng loạt mẫu ruộng được ông Sáu Đức đưa vào trồng lúa giống để xuất khẩu sang Nhật thu lời về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Cha con đi khai hoang mở trang trại chuối triệu đô - Ảnh 2.

Trồng chuối xuất khẩu cho lợi nhuận tốt hơn trồng lúa gấp nhiều lần. Ảnh: Trần Đáng

Trong công cuộc khai hoang mở đất thành công của ông Sáu Đức có không ít công sức của anh Hoàng Anh. Hai cha con kẻ trước, người sau cứ biến dần đất hoang hóa, phèn chua vùng Tứ giác Long Xuyên thành bờ xôi, ruộng mật.

Mở trại trồng chuối xuất khẩu

Những năm tháng "lên hương" với việc trồng lúa giống xuất khẩu rồi cũng qua. "Trồng lúa vất vả quá, nhưng giá lúa lại ngày càng bấp bênh, đồng lời không còn hấp dẫn. Cha con tôi tính nếu trồng chuối xuất khẩu đồng lời hấp dẫn hơn trồng lúa nhiều", anh Hoàng Anh thổ lộ.

Thế là, hơn 10 năm trước cho con anh Hoàng Anh mạnh dạn chuyển 120ha trồng lúa giống ở xã Vĩnh Gia (Tri Tôn, An Giang) sang trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu. Để chủ động đầu ra, ông Sáu Đức liên kết với Công ty Chuối Việt ở TP.HCM để được hỗ trợ kỹ thuật trồng chuối. Và chính công ty này bao tiêu sản phẩm "chuối Sáu Đức". 

Để trồng chuối đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của nhà xuất khẩu và thị trường nhập khẩu, ông Sáu Đức nuôi hơn 600 con bò để lấy phân bón chuối. Thời điểm ấy, mỗi trái chuối Nam Mỹ từ trại trồng chuối của cha con anh Hoàng Anh xuất sang Nhật có giá 4 USD.

"Thu nhập từ trồng chuối xuất khẩu cao gấp nhiều lần so với trồng lúa", anh Hoàng Anh chia sẻ.

Hoàng Anh bộc bạch, kỹ thuật trồng chuối xuất khẩu cha con anh học từ "trường học" như các kỹ sư Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho đến "trường đời". Nhưng để có thành công như hôm nay, cha con anh đã phải "lên bờ xuống ruộng" bởi thiếu kinh nghiệm.

Clip: Anh Nguyễn Hoàng Anh ( xã Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang), chia sẻ kinh nghiệm trồng chuối xuất khẩu. Clip: Trần Đáng

"Lúc vườn chuối dư đạm, lúc thiếu canxi, clo… Có lần "rớt nước mắt" chặt bỏ cả vườn chuối, mất hàng tỷ đồng", anh Hoàng Anh chia sẻ. 

Tuy nhiên, 3 năm trước, trại trồng chuối xuất khẩu này đã được chuyển giao cho một doanh nghiệp khác. Nguyên nhân, theo anh Hoàng Anh, hiệu quả sử dụng đất của trại trồng chuối xuất khẩu này chưa tốt.

"Theo tính toán, để chuyển chuối từ vườn về nơi sơ chế phải đào kênh rộng 5m để vừa cho chẹt di chuyển. Làm vậy là không ổn, dẫn đến mất diện tích đất. Từ diện tích 120ha, khi đào kênh để vận chuyển chuối diện tích trồng chuối chỉ còn 70ha", anh Hoàng Anh cho biết.

Sau khi bán trại trồng chuối xuất khẩu này, cha con anh Hoàng Anh lấy 65ha đất ruộng ở xã Lương An Trà để xây dựng trại trồng chuối xuất khẩu khác.

Hôm chúng tôi đến, trên cánh đồng chuối rộng mênh mông có 120.00 cây chuối đang cho thu hoạch trái vụ thứ 2. Anh Hoàng Anh chia đồng chuối này ra 4 khu để trồng chuối xuất khẩu cuốn chiếu nhằm thuận lợi cho việc thu hoạch chuối quanh năm.

Khoảng 2 tháng nay, anh Hoàng Anh đã cho thu hoạch và bán khoảng 20 tấn chuối cho một doanh nghiệp Hàn Quốc.

Theo anh Hoàng Anh, về kỹ thuật trồng chuối xuất khẩu không khó, nhưng tiền đầu tư rất tốn kém. Để có vườn trồng chuối xuất khẩu này anh đã đầu tư hết 32 tỷ đồng. Đấy là chưa kể 65ha tiền đất. 

Theo đó, 65ha đất trồng chuối đang được trang bị hệ thống tưới tự động. Để vận chuyển chuối thu hoạch về nơi sơ chế, đóng gói, anh Hoàng anh cho lắp đặt hệ thống vận chuyển bằng cáp treo thay vì đào kênh vận chuyển chuối bằng chẹt. Bênh cạnh đó, anh Hoàng Anh đầu tư nhà sơ chế, kho lạnh…

Anh Hoàng Anh cho biết, toàn bộ giống chuối cấy mô đều phải nhập khẩu. Chuối được trồng với phương pháp hữu cơ để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các thị trường khó tính.

Theo đó, sau khi đào hố, nhân công phải bón lót phân chuồng trước khi cho cây giống cây mô xuống trồng. Trong quá trình trồng chuối xuất khẩu, chủ yếu phân bón được dùng cũng là phân hữu cơ. Thuốc diệt bọ trĩ cũng là thuốc vi sinh. 

Cha con đi khai hoang mở trang trại chuối triệu đô - Ảnh 5.

Để trồng chuối xuất khẩu anh Hoàng Anh nuôi bò lấy phân làm phân hữu cơ. Ảnh: Trần Đáng

Từ khi đặt giống chuối xuống trồng đến khi thu hoạch chuối là 10 tháng. Tuy nhiên, từ khi thu hoạch lứa chuối đầu đến thu hoạch lứa thứ 2 chỉ mất 2 tháng.

Theo anh Hoàng Anh, khi cây chuối chưa trổ buồng, nông dân trồng chuối sẽ tỉa hết cây con, chỉ giữ cây mẹ. Sau khi thu hoạch chuối, nông dân chặt bỏ cây mẹ và chỉ giữ lại 1 cây con để tiếp tục thu hoạch trái.

khi chuối có trái, nhân công phải đi lặt bỏ bông, chèn nải, bao buồng, che nắng để giữ trái đẹp… Mỗi buồng chuối chỉ giữ 7 – 8 nải chuối.

Ngoài ra, nhân công chăm sóc vườn còn phải đi rọc lá chuối già bỏ đi, làm vệ sinh vườn, chằng dây, chặt bỏ cây chuối con…

"Khi thấy vườn chuối giảm sút năng suất, chất lượng (thường trồng chuối 5 - 6 năm) nông dân sẽ phá bỏ vườn trồng lại vườn mới", anh Hoàng Anh chia sẻ.

Anh Hoàng Anh cho biết, giống chuối Nam Mỹ thích nghi khá tốt vùng đất phèn Tứ giác Long Xuyên. Chuối cho năng suất thu hoạch 30 – 40 tấn chuối/công.

Từ đầu năm 2023, "trại chuối Sáu Đức" đã ký hợp đồng cung cấp chuối trái cho một doanh nghiệp để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Giá chuối xuất khẩu là 14.500 đồng/kg.

Anh Hoàng Anh nhận định, trồng chuối xuất khẩu cho giá trị kinh tế rất cao. Như vụ thu hoạch năm 2020, anh thu lời về khoảng 18 tỷ đồng.

Theo anh Hoàng Anh, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp tìm đến "trại chuối Sáu Đức" đặt hàng, nhưng trang trại không có chuối để bán.

"Gia đình tôi đang định mở rộng diện tích trồng chuối xuất khẩu thêm 20ha nữa", anh Hoàng Anh thổ lộ.

Cha con đi khai hoang mở trang trại chuối triệu đô - Ảnh 6.

Trại trồng chuối xuất khẩu của anh Hoàng Anh rộng bát ngát. Ảnh: Trần Đáng

Chúng tôi rời trại chuối Sáu Đức khi nắng đã ngả vàng. Cái chợ nhỏ của xã Lương An Trà ngày còn khai hoang lèo tèo vài sạp bán cá đồng giờ xôm tụ kẻ mua, người bán. Cặp con kênh nội đồng, mấy năm nay xuất hiện ngôi biệt thự to đùng của gia đình anh Hoàng Anh. Con đường Tám Ngàn ngày nào đầy ổ gà, ổ voi giờ đã được tráng nhựa phẳng phiu…

Trên vùng Tứ giác Long Xuyên hôm nay, nhờ phù sa từ dòng kênh "ông Kiệt" đã biến vùng đất phèn hoang hóa khi xưa thành "bờ xôi ruộng mật", và xuất hiện những thanh niên tỷ phú vùng bưng như anh Hoàng Anh...

Cha con đi khai hoang mở trang trại chuối triệu đô - Ảnh 7.

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem