Sử gia Stanley Karnow và con gái
Catherine Karnow tại Bức tường Việt Nam, Washington DC, tháng 7, 2009. Ảnh:
Bill Madison.
“Tôi không hỏi ông tại sao ông muốn lên Điện Biên một tuần trước lễ kỷ niệm. Tôi chỉ đoán rằng ông muốn trải nghiệm dịp kỷ niệm một cách đơn giản, muốn tự mình quan sát, gặp được nhiều người ở đó. Tôi nhìn thấy một sự đơn giản, sự thuần khiết trong chuyến thăm đó”
Ông bố - nhà báo, sử gia người Mỹ Stanley Karnow, đến Việt Nam từ những ngày đầu cuộc chiến – đã viết cuốn sách và làm bộ phim tài liệu nổi tiếng: “Việt Nam – một thiên lịch sử truyền hình”. Cô con gái – nhà nhiếp ảnh Catherine Karnow, đến Việt Nam năm 1990, tiếp nối bằng hơn 20 năm chụp ảnh Việt Nam và là nhân chứng trong hai chuyến đi quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đấy là vì họ đã tìm thấy, và tin, những giá trị sâu sắc của lịch sử, văn hóa Việt Nam, và sự nhân văn, thông tuệ của những con người như Tướng Giáp.
“Ngọn núi lửa phủ tuyết”
Stanley
Karnow đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1959 để đưa tin về hai người Mỹ đầu tiên
thiệt mạng ở Việt Nam. Lúc đó, ông không biết rằng, ông sẽ đưa tin về cuộc
chiến tranh suốt 15 năm trời với hàng chục nghìn lính Mỹ tử trận, và tiếp tục
trở thành nhà sử học nghiên cứu Việt Nam cho tới 4 thập niên sau đó.
Báo chí Mỹ viết về ông: Lúc đầu Karnow đến
Việt Nam với quan điểm ủng hộ cuộc chiến của Mỹ, nhưng ông đã thay đổi khi tận
mắt chứng kiến cuộc chiến đó và gặp gỡ những người dân Việt Nam. Cuốn sử thi
“Việt Nam – một thiên lịch sử” của ông được xuất bản năm 1983, bán được hàng
triệu bản. Khác với nhiều cuốn sách thời bất giờ của Mỹ viết về cuộc chiến ở
Việt Nam, Karnow đưa ra cái nhìn nhiều chiều, trong đó có cả góc nhìn từ lịch
sử và văn hóa Việt. Tiếp đó, bộ phim truyền hình 13 tập “Việt Nam – một thiên
sử truyền hình” được phát sóng lần đầu năm 1983 cũng trở thành một trong những
phim tài liệu được xem nhiều nhất trong lịch sử.
Tướng Giáp và Catherine Karnow,
tháng 4. 1994, khi tướng giáp mời Catherine đi cùng tới Điện Biên Phủ. Ảnh: Võ
Điện Biên.
Stanley Karnow gặp gỡ phỏng vấn Đại tướng
Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên năm 1990. Sau cuộc gặp đó, ông viết về Tướng Giáp
trên tờ New York Times số ra ngày 24.6.1990. “Là một nhà chiến lược dũng cảm,
một tư duy logic thông thái, một nhà tổ chức không mệt mỏi, Tướng Giáp đã chiến
đấu hơn 30 năm, xây dựng những đội quân du kích áo vải thành một trong những
quân đội hiệu quả nhất thế giới… Người Pháp gọi ông là “ngọn núi lửa phủ tuyết”
- sự bùng nổ ẩn giấu dưới lớp băng bên
ngoài. Giờ ở tuổi gần 80, ông vẫn toát ra sức sống của người trí thức, một sự
quyết liệt đã đưa ông vào lịch sử và làm ông trở thành huyền thoại”.
Trong cuộc gặp đó, Karnow ấn tượng bởi
những tư tưởng của vị tướng đã đánh bại quân đội mạnh nhất thế giới: “Có những
thời khắc khó khăn khiến chúng tôi không biết tiếp tục như thế nào. Nhưng không
bao giờ chúng tôi bi quan. Không bao giờ!
Chúng tôi đã phát động một cuộc chiến
tranh nhân dân. Vũ khí phức tạp của Mỹ, các thiết bị điện tử đã không có ích
gì. Trong chiến tranh chỉ cần hai yếu tố: Con người và vũ khí. Cuối cùng thì
con người là yếu tố quyết định. Con người! Con người! Con người!
… Xuyên suốt lịch sử, hệ tư tưởng lớn nhất
của chúng tôi, tình cảm lớn nhất của chúng tôi, là lòng yêu nước”.
Và Tướng Giáp đã chia sẻ với Karnow một
tâm nguyện: “Nếu tôi không trở thành một người lính, thì tôi vẫn là thầy giáo,
có thể là thầy giáo dạy triết hoặc dạy sử…
Hãy ghi nhớ, tôi là vị tướng chiến đấu vì
hòa bình, nhưng không phải hòa bình bằng mọi giá”.
Chân dung Tướng Giáp tháng 7.1990. Ảnh:
Catherine Karnow.
Một sự thuần khiết
Cuộc gặp gỡ đó khởi đầu tình bạn bền vững
giữa gia đình Karnow với gia định “vị tướng của hòa bình”. Stanley Karnow đã
giới thiệu con gái mình – phóng viên ảnh Catherine Karnow, với gia đình Tướng
Giáp.
Nhớ về cuộc gặp đầu tiên từ năm 1990 ấy,
Catherine cũng có những ấn tượng y như ông bố về vị tướng Việt Nam: “Khi gặp
ông, tôi thực sự cảm thấy mình đang đứng trước một con người kiệt xuất. Tôi có
thể cảm nhận được sự thông thái của ông trong bất kỳ cuộc trò chuyện nào. Ông
là người lịch sự, luôn tôn trọng và quan tâm tới người khác”. Kể từ đó, rất
nhiều hình ảnh của Đại tướng được Catherine ghi lại.
Và điều đặc biệt: Catherine là phóng viên
nước ngoài duy nhất được Đại tướng đồng ý để đi cùng ông trở về thăm Điện Biên
Phủ nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên. Catherine cũng không ngờ
rằng, khi Tướng Giáp qua đời, bà lại một lần nữa chứng kiến lịch sử, khi là
phóng viên nước ngoài duy nhất đi cùng gia đình Đại tướng trên chuyến bay đưa
ông tới nơi yên nghỉ cuối cùng từ Hà Nội về Quảng Bình.
Người dân Mường Phăng chào đón Tướng Giáp, tháng 5. 1994, khi ông trở lại đây lần đầu tiên kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Catherine Karnow.
“Năm 1994, tôi thấy người dân ở Điện Biên,
đặc biệt là ở Mường Phăng, quá đỗi vui mừng khi ông trở lại. Gương mặt họ sáng
bừng lên trong những bức ảnh tôi chụp. Hàng trăm người chờ đón ông, thuộc nhiều
sắc tộc khác nhau, từ những người đã chiến đấu ở Điện Biên Phủ 40 năm trước đến
những đứa trẻ nhỏ. Tôi không hỏi ông tại sao ông muốn lên Điện Biên một tuần
trước lễ kỷ niệm. Tôi chỉ đoán rằng ông muốn trải nghiệm dịp kỷ niệm một cách
đơn giản, muốn tự mình quan sát, gặp được nhiều người ở đó. Tôi nhìn thấy một
sự đơn giản, sự thuần khiết trong chuyến thăm đó…”.
Quá thân thiết với gia đình Tướng Giáp, 20
năm sau, lúc nghe tim Đại tướng mất, cảm giác đầu tiên của Catherine là rất
buồn, “giống như khi nghe một người bạn than thiết của bố mình mất vậy”. Lúc đó
bà không nhìn sự việc như một sự kiện lịch sử của Việt Nam dưới góc độ nhà báo,
bà nhìn với tư cách một con người: “Tôi nghĩ về vợ con ông, gia đình ông. Tôi
không hề nghĩ rằng đó là một sự kiện lớn, như cách nhiều người có thể nghĩ khi
ông mất”.
Chỉ trong vài ba ngày, Catherine phải thu
xếp mọi việc để tới Hà Nội. Bà chụp rất nhiều ảnh Hà Nội trong những ngày diễn
ra lễ tang Đại tướng. Nhưng khoảnh khắc xúc động nhất với bà, là khi bà đến
viếng Đại tướng: “Dù từng nhiều lần gặp những người than của ông, nhưng tôi
chưa từng nghĩ sẽ gặp họ trong hoàn cảnh này. Sự xúc động dâng trào và nước mắt
cứ thế chảy xuống. Một người trong gia đình nắm lấy tay tôi, chúng tôi nhìn
thẳng vào mắt nhau, và một cảm xúc giống nhau, nước mắt chân trân. Chỉ trong khoảnh khắc. Nhưng là một
khoảnh khắc thật lớn lao”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp sử gia
Stanley Karnow. Ảnh: Tư liệu của gia đình ông Stanley Karnow.
Tình yêu, tính bằng thế hệ
24 năm chụp ảnh Việt Nam, một ngày tháng
10.2013, ở Hà Nội, bà lục lại kho ảnh để tìm ảnh Tướng Giáp, chính Catherine
cũng kinh ngạc bởi số lượng ảnh bà chụp và những nơi bà từng đến. Trong nhiều
năm theo đuổi nhiều đề tài về Việt Nam: Câu chuyện di sản chiến tranh, câu
chuyện Việt kiều, sự trở lại của cựu binh Mỹ, những thay đổi của Việt Nam, từ
chuyện các cô gái bị bán qua biên giới, đến chuyện những người giàu mới phất,
các nghệ sĩ trẻ của Hà Nội… “Việt Nam đã thay đổi quá nhiều, quá nhanh. Một câu
chuyện không hề đơn giản và luôn luôn hấp dẫn. Chụp nhiều như thế, nhưng những
gì tôi biết về Việt Nam mới chỉ bằng một hạt gạo. Vẫn còn quá nhiều thứ tôi
muốn tìm hiểu”.
“Đôi lúc tôi tự hỏi, tôi có dành thời gian
cả đời mình để tìm hiểu Việt Nam hay không, tại sao luôn là Việt Nam. Có lúc
tôi cũng nghĩ nên dành thời gian cho các nước khác. Nhưng Việt Nam cuốn hút tôi
trở lại. Dù tôi không hiểu ngôn ngữ, nhưng Việt Nam đã quá then thiết với tôi
rồi… Tôi nhớ từng góc phố mà tôi từng chụp. Dù ở Hà Nội, TPHCM, hay Huế. Tôi đi nhiều, nhưng chỉ có vài nơi
trên thế giới là có được ký ức sâu đậm như thế. Những bức ảnh tôi yêu thích
nhất là tôi chụp ở đây”.
Những năm 1990, Catherine tình cờ chụp
được bức ảnh một thầy giáo dạy nhạc, trong một ngôi nhà nhỏ, chơi guitar chỉ
còn một dây. Bức ảnh, với bà, là vẻ đẹp của Việt Nam trong thời lỳ đó, vẻ đẹp
và sự khắc khổ mà đến giờ bà vẫn không thực sự hiểu, cho dù bà đã xem lại hàng
nghìn lần.
Và lý do thứ hai mà Catherine luôn bị cuốn
hút trở về Việt nam, là chính bởi cái họ Karnow. Catherine đã khóc khi nhắc tới
bố, tới sự kết nối kỳ lạ của gia đình bà với Việt Nam: “Đó là tình yêu và lòng
tự hào về bố tôi. Chụp ảnh là cách tôi đang tiếp nối công việc của bố mình,
điều tôi nghĩ sẽ khiến ông tự hào. Mỗi chuyến đến Việt Nam tôi đều gọi điện về
cho ông. Khi ông mất (ngày 27.1.2013), tôi đang ở Sài Gòn. Tôi đối diện với nỗi
đau đó một mình. Nhưng khi tin ông mất lan ra, những bức thư, những lời chia
buồn, động viên từ những người bạn Việt Nam đổ tới, tôi biết rằng thật thích
hợp và có ý nghĩa khi tôi có mặt ở Sài Gòn lúc đó. Tôi sẽ luôn có lý do khi đến
Sài Gòn vào tháng Giêng. Tôi muốn quay lại nơi ông từng đến, nơi mà với tôi,
ông vẫn còn đang sống…”.
Catherine Karnow trước chân dung
Tướng Giáp tại nhà ông ở Hà Nội, năm 2011.
Mỹ Hằng
Lao Động (Theo Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.