Cha mẹ có việc, con có tri thức

Thứ tư, ngày 18/04/2012 10:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tuy vốn vay không nhiều, nhưng nhiều hộ ND ở Long An không chỉ hết nghèo mà còn có của ăn của để, yên tâm nuôi con học đại học.
Bình luận 0

Ông Trần Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Hội ND phường Tân Khánh, TP. Tân An giới thiệu với chúng tôi gia cảnh của một số hộ thành viên trong tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) do Hội ND quản lý đã đổi đời từ vốn vay ưu đãi.

img
Được vay vốn ưu đãi, chị Dương Thị Nga thuê 1.500m2 đất trồng màu, mỗi tháng thu về 8 triệu đồng.

Hết cảnh đi làm mướn

“Nếu không được nguồn vốn, vợ chồng tôi phải làm mướn quanh năm” - chị Trương Thị Nga ở khu phố Nhơn Hậu 2, phường Tân Khánh tâm sự.

Gia đình chị Nga không có đất canh tác, nhà bị giải tỏa giao mặt bằng cho chính quyền mở đường giao thông nông thôn. Số tiền đền bù chỉ đủ mua nền thổ cư cất nhà mới, trong khi chồng chị Nga bị sỏi mật phải cắt bỏ, sức càng ngày càng yếu.

Năm 2011, được tổ TKVV do anh Đoàn Minh Hùng làm Tổ trưởng giới thiệu, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH TP.Tân An cho chị vay 20 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm (GQVL) để chị mua bàn ghế, chén đĩa, nhà bạt… mở dịch vụ phục vụ ma chay, cưới hỏi…“Từ khi mở dịch vụ, không chỉ gia đình tôi có việc làm thường xuyên, với lợi nhuận từ 2-4 triệu đồng/tháng. Từ dịch vụ này tôi còn giúp một số hộ trong chi hội có thêm việc làm” - chị Nga tâm sự.

Ở chi hội khu phố Thủ Tửu 1, gia đình chị Dương Thị Nga có 1.800m2 đất mỗi năm thu chưa nổi 3 tấn lúa. Xong mùa, vợ chồng chị đi khắp nơi tìm việc làm nuôi con học hành. Năm 2011, chị Nga được tổ TKVV do anh Văn Thanh Hải làm Tổ trưởng đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) cho vay 20 triệu đồng vốn GQVL để chị thuê 1.500m2 đất lúa chuyển sang trồng màu. Nhờ luân canh kết hợp xen canh đậu bắp, khổ qua, dưa leo mỗi tháng vợ chồng chị thu 8 triệu đồng. “Vợ chồng tôi làm không hết việc, nên đến vụ phải thuê người thu hoạch giao cho lái ngay tại ruộng” - chị Nga tiết lộ.

“Nhờ vốn GQVL, gia đình chị Đinh Thị Thúy Hằng nuôi 500 con gà đẻ lấy trứng, anh Văn Công Mến mở cơ sở mộc, anh Nguyễn Văn Được nuôi bò sinh sản nay đều đã có thu nhập ổn định”- ông Văn Thanh Hải cho biết.

Nuôi con học đại học

Không có ruộng, cuộc sống của 5 nhân khẩu trong gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Nguyên ở khu phố Thủ Tửu 2 chỉ trông vào quán giải khát bé xíu. Năm 2007, con chị đậu đại học, vợ chồng chị xoay xở mãi mới vay được 5 triệu đồng cho con đóng tiền học. “Mừng hết biết, năm thứ 2 tôi được Ngân hàng CSXH cho vay vốn học sinh, sinh viên cho tới ngày cháu ra trường tổng số tiền 24,6 triệu đồng”- chị Nguyên nói. Năm 2011 con chị ra trường, có việc làm với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Tiết kiệm chi tiêu, con chị giúp ba mẹ trả nợ ngân hàng trước thời hạn.

“Đến 31.3.2012 dư nợ tín dụng của Ngân hàng CSXH toàn tỉnh Long An là 1.779,65 tỷ đồng với 170.039 đối tượng vay. Riêng phường Tân Khánh có gần 3,5 tỷ đồng cho 257 hộ vay”.

Cũng như con chị Nguyên, cháu Lê Thị Hồng Anh con gái của vợ chồng chị Trương Thị Nga ở khu phố Nhơn Hậu 2 cũng đã học xong hệ Cao đẳng của Trường đại học Kinh tế công nghiệp Long An nhờ được vay vốn. Năm 2011, cháu Hồng Anh ra trường và đã có việc làm với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng. Chị Nga tâm sự: “Con tôi đã đi làm rồi, tôi sẽ tiết kiệm để trả nợ ngân hàng”.

Chị Võ Thị Bùi - Tổ trưởng tổ TKVV khu phố Thủ Tửu 2 phường Tân Khánh cho biết: “Đến 31.3.2012 dư nợ tín dụng mà 35 thành viên trong tổ vay thực hiện 3 chương trình là 451 triệu đồng, trong đó dư nợ học sinh, sinh viên 80% với 23/35 hộ vay. Bà con coi chương trình này như phao cứu sinh đưa con vào đại học”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem