Mới đây chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ông Lê Minh Quốc đã có Giấy uỷ quyền cho Thành viên HĐQT Ngô Thanh Tùng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.
Chân dung người nắm quyền Chủ tịch Eximbank thay ông Lê Minh Quốc
Giấy quỷ quyền nêu rõ, “"Bên được ủy quyền thay mặt và nhân danh Bên ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị ("HĐQT"), bao gồm nhưng không giới hạn các công việc sau đây:
1.1 Triệu tập và chủ tọa cuộc họp HĐQT
1.2 Quyết định lấy ý kiến các thành viên HĐQT bằng văn bản
1.3 Chuẩn bị nội dung, tài liệu, chương trình phục vụ cuộc họp HĐQT hoặc để lấy ý kiến của các thành viên HĐQT bằng văn bản
1.4 Thảo luận và biểu quyết đối với các vấn đề được đưa ra theo nội dung và chương trình của các cuộc họp HĐQT, trả lời Phiếu lấy ý kiến thành viên HĐQT bằng văn bản bao gồm đưa ra ý kiến, quyết định và thực hiện quyền biểu quyết của Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT
1.5 Ký Biên bản họp HĐQT; ký tên trên Phiếu lấy ý kiến thành viên HĐQT bằng văn bản; lập và ký tên trên các văn bản, giấy tờ có liên quan tại các cuộc họp HĐQT
1.6 Thay mặt HĐQT ký các nghi quyết, quyết định của HĐQT”.
Chủ tịch Eximbank Lê Minh Quốc (phải) đã ủy quyền cho ông Ngô Thanh Tùng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT.
Được biết, ông Ngô Thanh Tùng chính thức tham gia vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 kể từ ngày 15/12/2015, trong Đại hội bất thường làm tốn nhiều giấy mực của báo giới khi đó. Theo đề cử, ông Tùng đại diện cho một nhóm cổ đông nắm 10,194% cổ phần Eximbank.
Doanh nhân sinh năm 1969 có bằng Cử nhân Luật và là Thạc sỹ Luật tại Mỹ, từng đảm nhiệm các chức vụ như: Cố vấn pháp luật, giám đốc điều hành Văn phòng luật sư Hồng Đức, Thành viên Đoàn luật sư Tp. HCM - Liên đoàn luật sư Tp. HCM, cùng nhiều vị trí cấp cao tại một số doanh nghiệp và tổ chức khác.
Đáng chú ý, ông Lê Minh Quốc và ông Ngô Thanh Tùng đều đã từng là những nhân sự chủ chốt của CTCP Âu Lạc (Âu Lạc) của bà Ngô Thu Thúy, với vai trò là Thành viên HĐQT.
Ông Quốc đã thôi nhiệm chức vụ này tại Âu Lạc kể từ ngày 16.6.2016. Tương tự, ông Tùng cũng đã rút khỏi công ty này.
Việc ông Lê Minh Quốc ủy quyền cho ông Ngô Thanh Tùng diễn ra khi phiên ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 vào sáng 26.4 vừa qua của Eximbank đã không thể tiến hành, vì không đủ túc số. Phiên Đại hội lần 2 sẽ được tổ chức trong thời hạn 30 ngày. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, cuộc chiến quyền lực tại Eximbank giữa ông Lê Minh Quốc và tân Chủ tịch HĐQT Lương Thị Cẩm Tú (được bầu từ ngày 22.3) vẫn chưa thể có hồi kết.
Ngày 22.3, Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank đã tổ chức họp phiên để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp (Điều 53) và theo điều lệ Eximbank (Điều 44).
Đồng thời, số lượng thành viên HĐQT tham dự phiên họp ngày 22.3 và các phiên họp trước đó đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó có sự đồng thuận của 2 thành viên hội đồng quản trị đại diện cho cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), cổ đông chiến lược của Eximbank.
Sau cuộc họp, được sự tín nhiệm và thống nhất cao của HĐQT, Eximbank đã ra Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc – Thành viên HĐQT độc lập.
Ngày 27/3, Toà án nhân dân TP.HCM đã ban hành quyết định số 92/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT của HĐQT Eximbank.
Tòa cũng cho biết đã thụ lý hồ sơ vụ án dân sự của nguyên đơn Lê Minh Quốc yêu cầu hủy Nghị quyết số 112 của HĐQT Eximbank được ban hành ngày 22.3.
Cũng phải nói thêm rằng, cuộc tranh giành quyền lực hiện tại giữa bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Lê Minh Quốc cũng được ngầm hiểu là cuộc chiến quyền lực hai nhóm cổ đông nhiều ảnh hưởng là nhóm cổ đông có liên hệ với NamABank và nhóm cổ đông có liên hệ với CTCP Âu Lạc và một cổ đông là đại gia lớn trong lĩnh vực tiêu dùng tại Hà Nội. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, những giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB rất lớn trên thị trường chứng khoán đang cho thấy sự rút thoái vốn của nhóm nhà đầu tư liên quan tới NamABank, cụ thể là ông Nguyễn Quốc Toàn, con trai bà Tư Hường. Cũng có thể, quyền lực của tân chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú tại Eximbank cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Lợi nhuận quý I.2019 giảm 37,5%
Sự bất đồng, thậm chí là mâu thuẫn gay gắt giữa các nhóm cổ đông đã thổi bùng lên cuộc chiến quyền lực trong nội bộ Eximbank, kéo Eximbank từng giữ vị trí số 1 trong nhóm ngân hàng TMCP Việt Nam chìm sâu vào khủng hoảng và đánh mất vị thế.
Trong khi câu chuyện nhân sự cấp cao chưa có hồi kết, Eximbank cũng bất ngờ công bố lợi nhuận trước thuế quý I.2019 sụt giảm 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 350 tỷ đồng. Sự sụt giảm lợi nhuận này chủ yếu đến từ chênh lệch ở khoản mục thu nhập góp vốn mua cổ phần.
Cụ thể, Eximbank ghi nhận thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần quý I.2019 chỉ đạt 1,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2018 đạt tới 521,5 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do trong quý I.2018, Eximbank đã bán hết số cổ phiếu đầu tư vào 1 tổ chức tín dụng khác dẫn đến tăng thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần. Bước sang năm 2019, khoản thu nhập “bất thường” này đã không còn phát sinh.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng kém khả quan hơn khi mang lại 23 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi từ hoạt động khác giảm 19%, chỉ đạt 38 tỷ đồng.
Ngược lại, thu nhập lãi thuần tăng 24,3%, đạt 829 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ có lãi 79 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2018. Hoạt động mua bán chứng khoán có lãi 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2018 bị lỗ 24 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động tăng 6,1% lên mức 674 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Eximbank đạt 343 tỷ đồng, giảm 51,8% so với quý I.2018.
Mặc dù được hoàn nhập dự phòng 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ phải trích lập tới 152 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế quý I.2019 của Eximbank vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 281 tỷ đồng, giảm 36,7% so cùng kỳ.
Tính đến thời điểm 31.3.2019, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Eximbank cũng tăng từ mức 1,85% đầu năm lên 1,88%. Ngoài ra, Eximbank cũng còn 5.462 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 2.129 tỷ đồng
Tính đến cuối tháng 3.2019, tổng tài sản của Eximbank đạt 150.715 tỷ đồng, giảm 1,3% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,9% xuống mức 99.944 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 2,8% đạt 122.019 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.