Xúc động với mong ước của những “chiến sĩ cõng chữ” vùng cao nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Nguyệt Minh Chủ nhật, ngày 20/11/2022 19:30 PM (GMT+7)
Mỗi lần đi khảo sát hay khánh thành điểm trường đều mang đến cho PV Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt cảm xúc vui mừng đan xen cảm phục. Chúng tôi vui bởi có thêm một điểm trường mới khang trang và cảm phục vì sự vất vả, hy sinh của những “chiến sĩ cõng chữ” không quản ngại khó khăn ở vùng cao vì sự nghiệp “trồng người”.
Bình luận 0


Những người truyền lửa, mang con chữ trên non cao Bắc Kạn - Dân Việt. Video: Chiến Hoàng

Gian nan chặng đường “cõng chữ” lên bản

Sáng sớm ngày đầu thu tháng 9/2022, chúng tôi có mặt tại huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) để di chuyển đến xã Bằng Thành làm lễ khánh thành “Điểm trường mơ ước” Bản Mạn, thuộc Trường Mầm non Bằng Thành. Sau hơn 10 tiếng đồng hồ ngồi xe từ Hà Nội đến Bắc Kạn, chúng tôi vẫn chưa kịp quen với không khí lạnh có chút buốt giá bởi sương mù nơi đây.

Tôi được phân công đi trước đoàn từ thiện của Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt để ghi nhận hình ảnh tại điểm trường trước giờ lễ khánh thành diễn ra. Mặc tạm chiếc áo khoác mỏng, tôi theo cô Tấm - giáo mầm non Trường Mần non Bằng Thành vào bản. 

Xúc động với mong ước của những “chiến sĩ cõng chữ” vùng cao nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11  - Ảnh 2.

Đoạn đường đi trao tặng giếng nước tại nhà bán trú của Trường THCS Nam Sơn đầy bùn đất, đã có thành viên trong đoàn từ thiện của Báo NTNN/ Điện tử Dân Việt trượt ngã do đường dốc và trơn trượt. Ảnh: Nguyệt Minh

Dáng người nhỏ nhắn ngồi trên chiếc xe máy, cô Tấm cười tươi nói với tôi: “Chúng ta còn 20km nữa sẽ đến điểm Trường Mầm non Bản Mạn. Với quãng đường này, chúng ta di chuyển mất cả tiếng đồng hồ. Nếu trời mưa, xích xe bị quấn thì có lẽ chúng ta phải mất đến 2 tiếng đồng hồ mới vào được đến bản”.

Ngồi sau xe cô Tấm khi càng đi lên cao, tôi càng cảm nhận rõ cái lạnh thấu xương dù thời điểm này chưa phải mùa đông giá rét kèm theo những cơn mưa phùn khiến con đường đèo thêm trơn trượt. Cô Tấm tâm sự: “May mắn đường vào bản đã được sửa so với trước đây là con đường đất đá khi di chuyển sẽ nguy hiểm hơn nhiều”. 

Dù vậy để vượt 20km đường đèo nếu không phải là cô giáo vùng cao vững vàng tay lái thì những người như tôi khó lòng vào bản được. Quãng đường khó nhằn với những khúc cua, con dốc uốn lượn nhưng cô giáo vùng cao vẫn làm chủ tay lái và tốc độ. Cô Tấm kể: “Bố mẹ tôi cũng từng rất lo lắng, muốn tôi đổi nghề vì quãng đường đi làm xa, nguy hiểm mà con gái tay lái không vững. Tuy nhiên, vì tôi đam mê nghề giáo viên nên tôi cố gắng vượt qua những khó khăn này”.

Cô Tấm hài hước cho biết thêm, thời điểm mới về công tác tại Trường Mầm non Bằng Thành, cô đã “vồ” không biết bao nhiêu "con ếch béo ngậy”. Sẹo chồng sẹo cũng không đếm nổi vì chặng đường đi làm của giáo viên cắm bản như cô Tấm không hề bằng phẳng, dễ dàng. 

Xúc động với mong ước của những “chiến sĩ cõng chữ” vùng cao nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11  - Ảnh 3.

Chặng đường đến lễ khởi công “Điểm trường mơ ước” Bản Chang (xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) đầy thử thách khiến thầy cô và cả đoàn báo NTNN/ Điện tử Dân Việt thấm mệt.

Chặng đường khó nhằn như thử thách lòng yêu nghề của “chiến sĩ cõng chữ" vùng cao như cô Tấm khiến tôi nhớ đến con đường vào thăm điểm Trường MN - TH Bản Giàng (xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, Lào Cai) vào tháng 4 năm nay. Ngồi sau tay lái của một thầy giáo, tôi cố gắng bám chặt vào xe không chỉ bằng 2 tay mà dồn sức lực của cả cơ thể để trụ được trên chiếc xe. Tôi không ngừng cầu mong sự bình an cho tôi và thầy giáo chở tôi đến với điểm trường mỗi khi bánh xe trượt trên sỏi đá.

Quãng đường khó đi là thế nhưng những giáo viên cắm bản không nghỉ dạy một buổi nào dù bị ốm hay có việc đột xuất. Bởi vì chỉ có 1 giáo viên trong điểm trường, mỗi điểm trường lại cách xa nhau hàng chục cây số. Khi giáo viên nghỉ đột xuất thì không ai dạy thay và thầy cô cũng không đành lòng để học sinh đến lớp mà không có giáo viên giảng dạy.

Cầu nối vẽ lên những điểm trường mới

Hành trình gieo mầm con chữ của những “người lái đò”, “chiến sĩ cõng chữ” vùng cao không chỉ là khó khăn vì quãng đường đến trường mà còn đầy rẫy những thử thách khác. Cô Phạm Thị Bé - giáo viên cắm bản tại điểm Trường Mầm non Khu Cơn (xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) bày tỏ: “Nhiều điểm trường vùng cao còn thiếu thốn đủ thứ. Tại điểm trường tôi dạy trước đây không có phòng học nên chúng tôi phải đi mượn phòng học cũ của trường Tiểu học. Vì vậy phòng học đi mượn không đủ chất lượng, tổ mối mọc đầy trong lớp. Sau mỗi cơn mưa, những mảng sơn, vữa trên tường cũng thi nhau bong tróc”.

Xúc động với mong ước của những “chiến sĩ cõng chữ” vùng cao nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11  - Ảnh 4.

“Điểm trường mơ ước” Bản Chang sau khi được xây dựng lại đã trở nên kiên cố, khang trang, là điểm tựa vững chắc cho thầy cô và học sinh nơi đây.

Có những ngày trời mưa to, trong lớp bị dột, học sinh vì sợ hãi lại ôm chầm lấy cô Bé. Những lúc đó, cô Bé chỉ biết an ủi, động viên để các em học sinh lấy lại bình tĩnh. Trong lòng cô Bé vẫn luôn đau đáu, làm sao để có một lớp học mới, đủ an toàn để che mưa che nắng cho các em học sinh của mình.

Nhờ sự kết nối của Báo NTNN/Điện tử Dân Việt, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng “Điểm trường mơ ước” Khu Cơn. Ngày 26/10/2022, điểm trường mầm non đã được khánh thành và đưa vào hoạt động với tổng kinh phí lên đến gần 1 tỷ đồng. 

Có lớp học mới khang trang, cô Bé vui mừng chia sẻ: “Khi thấy lớp mới, sân trường mới, phòng ăn mới và nhiều hạng mục khác được đầu tư xây dựng khiến cô trò chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Đối với một cô giáo cắm bản như tôi, món quà ý nghĩa nhất dịp 20/11 chính là nhìn thấy các em học sinh của mình được học tập, vui chơi trong một mái trường kiên cố”.

Để thực hiện thành công những chương trình từ thiện của Báo tại các điểm trường khó khăn nơi vùng cao, một trong những cầu nối quan trọng là chính những giáo viên - “chiến sĩ cõng chữ” đầy tâm huyết nơi đây.

Xúc động với mong ước của những “chiến sĩ cõng chữ” vùng cao nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11  - Ảnh 5.

Cô giáo “Điểm trường mơ ước” Bản Mạn đang rửa mặt cho học sinh ân cần, tận tâm như chính con ruột của mình. Đối với những giáo viên vùng cao xa xôi, niềm hạnh phúc lớn nhất nhân ngày 20/11 là nhìn thấy học sinh của mình ngày càng tiến bộ. Ảnh: Nguyệt Minh

Chia sẻ về mong muốn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Triệu Thị Diễm - giáo viên “Điểm trường mơ ước thôn Bản Mạn” bày tỏ: “Có một lớp học khang trang, các bậc phụ huynh cũng yên tâm đưa con mình tới trường. Một lớp học đủ sĩ số, những nụ cười hạnh phúc của các em học sinh đã là niềm hạnh phúc lớn với chúng tôi nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. 

Hiện tại vẫn còn rất nhiều giáo viên vùng cao đang phải cắm bản tại những điểm trường thiếu thốn về điều kiện vật chất, những lớp học không đủ an toàn cho học sinh. Tôi mong rằng, ngày càng nhiều những “Điểm trường mơ ước” được xây lên, để giáo viên chúng tôi yên tâm mang con chữ đến cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số”.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Báo NTNN/ Điện tử Dân Việt xin gửi lời chúc đến các thầy cô giáo luôn dồi dào sức khỏe, luôn tràn đầy nhiệt huyết để tiếp tục cống hiến vì sự nghiệp “trồng người”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem