Chàng trai trẻ mang sứ mệnh đặc biệt

Thứ năm, ngày 11/08/2022 19:07 PM (GMT+7)
Nhằm bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, anh Lê Quyết Thắng và các cộng sự của mình đã phục chế miễn phí hơn 200 bức ảnh quý giá để làm “cầu nối” đưa họ về đoàn tụ bên gia đình.
Bình luận 0

Xuất phát từ lòng khắc ghi, đền đáp công ơn

Anh Lê Quyết Thắng (sinh năm 1991, quê ở tỉnh Nghệ An) hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Công việc chính của anh Thắng là thiết kế nội thất, nhưng hễ cứ có thời gian rảnh là lại phục chế ảnh cho thân nhân người đã khuất qua các bức ảnh đoàn viên và những tấm ảnh cũ kỹ.

Bắt đầu từ những dòng tin nhắn bày tỏ nguyện vọng từ thân nhân được phục chế bức ảnh của bố là liệt sĩ hy sinh năm 1972, các chàng trai trong nhóm của anh Thắng đã nhận lời ngay. Khi phục dựng xong, anh đăng bức ảnh này lên mạng xã hội. Câu chuyện về bức ảnh được lan truyền nhanh chóng và cứ như vậy hàng trăm tin nhắn của người nhà liệt sĩ đổ về, mong mỏi phục hồi tấm ảnh duy nhất mà các liệt sĩ để lại.

Khi chia sẻ được ý tưởng này, anh nhận được sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình từ những người đam mê nhiếp ảnh cùng học trò của mình. Ngày 20/6/2022, nhóm "Team Lee" được thành lập gồm 6 chàng trai trẻ, dự án chính thức được giới thiệu đến công chúng. Mặc dù mỗi người trong nhóm đều có công việc riêng nhưng hằng ngày anh Thắng vẫn cùng cả nhóm tranh thủ sắp xếp thời gian để tập hợp, cùng nhau thực hiện phục chế ảnh. Cứ như thường lệ, khoảng 8 giờ tối là nhóm lại ngồi cùng bàn bạc và bắt tay phân công công việc cụ thể cho từng thành viên. Công việc kéo dài từ 20 giờ hôm trước đến 3, 4 giờ sáng hôm sau.

Chàng trai trẻ mang sứ mệnh “đặc biệt” - Ảnh 1.

Hơn 200 bức ảnh được phục dựng miễn phí giống như những "cây cầu nối liền", đưa các anh hùng liệt sĩ trở về với người thân. Ảnh nhân vật cung cấp

Lê Quyết Thắng chia sẻ: "Thấu hiểu với mong mỏi của người thân các liệt sĩ, mỗi thành viên trong nhóm của anh đều tận tâm tận lực, hỗ trợ nhiều nhất có thể. Điều mà mỗi thành viên mong muốn nhất đó chính là được thấy nụ cười của những người ở lại, hoàn thành giúp họ những ước nguyện đoàn tụ qua những bức ảnh đoàn viên".

Theo anh Thắng, mỗi bức ảnh mất khoảng 6 tiếng để hoàn thành, nhưng có những bức ảnh phải đến 2-3 ngày. Khó khăn của phục chế ảnh đó là hầu hết các bức ảnh đều chụp cách đây mấy chục năm, nước ảnh ố mờ, bay màu. Quan trọng nhất là đôi mắt, đôi mắt phải toát lên được thần thái nhất. Có nhiều bức ảnh được vẽ lại theo trí nhớ người thân nên để phục chế lại phải mất nhiều thời gian, phải cẩn thận chỉnh sửa từng chi tiết. Vì thế, anh Thắng cùng các cộng sự của mình phải vừa kết hợp giữa chỉnh sửa và vẽ lại những đường nét quan trọng.

Chàng trai trẻ mang sứ mệnh “đặc biệt” - Ảnh 2.

Lê Quyết Thắng (ngồi ngoài cùng bên phải) cùng nhóm cộng sự Team Lee tới trao ảnh phục chế sau khi hoàn thành di ảnh và lắng nghe câu chuyện từ gia đình liệt sĩ. Ảnh nhân vật cung cấp

"Việc phục chế ảnh chính là khắc ghi, đền đáp công ơn liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng. Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã góp phần mang lại độc lập, tự do cho dân tộc. Thế hệ trẻ phải đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ…", Lê Quyết Thắng tâm sự.

Kể về kỷ niệm nhớ nhất trong những lần đến tận nhà các gia đình liệt sĩ để trao ảnh, anh Thắng nghẹn ngào nói: "Mình nhớ nhất đó là một người con xin nhờ phục chế lại bức ảnh duy nhất mà cha để lại trước khi đi chiến trường miền Nam. Bức ảnh đã làm mình nổi da gà khi những chi tiết đã mất hết, đến đôi mắt cũng không còn và người liệt sĩ ấy tuổi còn rất trẻ. Lần đó, nhóm đã phải nói chuyện với gia đình nhiều lần, nghe họ tả về đôi mắt, tính cách rồi vẽ lại đôi mắt, làm lão hóa khuôn mặt. Khi bức ảnh hoàn thành, nhóm đã đưa tới tận nhà để trao tặng thì một người cháu nhìn bức ảnh và bật khóc nói: "Bác ơi, đúng là bác đây rồi, bác đã về nhà rồi". Cảm xúc, niềm hạnh phúc và cả những giọt nước mắt của gia đình liệt sĩ ấy là động lực để nhóm hoàn thành hơn 200 bức ảnh tiếp theo".

Chàng trai trẻ mang sứ mệnh “đặc biệt” - Ảnh 3.

Chân dung một liệt sĩ trước và sau khi được êkíp của Lê Quyết Thắng phục chế lại từ bức ảnh duy nhất-kỷ vật hiếm hoi của liệt sĩ. Ảnh nhân vật cung cấp

Cho đến nay, những lời nhờ phục chế ảnh liệt sĩ vẫn tiếp tục được gửi tới nhóm của anh Quyết Thắng. "Con số 200 ảnh trên hàng nghìn lời nhờ khiến chúng tôi thực sự xúc động. Con số 200 đó vẫn còn quá nhỏ bé. Chính vì thế, nhóm sẽ vẫn tiếp tục thực hiện dự án này. Nếu vẫn còn lời nhờ, chúng tôi vẫn sẽ phục chế những bức ảnh liệt sĩ, đưa họ trở về bên gia đình", anh Thắng nói.

Sứ mệnh "kết nối" những mảnh ghép

Thấu hiểu nỗi lòng nhiều người không kịp có bức ảnh đoàn viên với người thân khi họ mãi mãi ra đi, Lê Quyết Thắng còn dành thời gian chỉnh sửa, ghép ảnh tặng gần 600 ảnh cho những gia đình không có dịp đoàn tụ. Với anh Thắng, giá trị lớn nhất mà bản thân nhận được qua công việc này chính là niềm hạnh phúc khi có thể giúp thật nhiều gia đình phần nào xóa nhòa cảm giác mất mát và những tiếc nuối khi không có những khoảnh khắc đoàn viên.

Còn nhớ Đại úy Phạm Công Huy, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an Thành phố Hà Nội, hy sinh tháng 1/2020 ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Lúc đó, con gái của đồng chí mới 6 tháng tuổi và cả gia đình chưa có 1 tấm ảnh chụp chung. Biết đến dự án vô cùng có ý nghĩa của nhóm anh Quyết Thắng, chị Như Quỳnh (vợ của Đại úy Phạm Công Huy) đã được nhóm giúp đỡ để có thể tặng gia đình một tấm ảnh đủ ba người, vơi bớt đi phần nào nỗi đau của người ở lại.

Chàng trai trẻ mang sứ mệnh “đặc biệt” - Ảnh 4.

Bức ảnh gia đình liệt sĩ Phạm Công Huy sau khi được Lê Quyết Thắng và các cộng sự của mình chỉnh sửa, ghép tặng. Ảnh nhân vật cung cấp

Ngày đến thắp hương và trao ảnh cho gia đình, anh Thắng như chết lặng bởi: "Hôm đó, bé Bún (con Đại úy Phạm Công Huy) đang mệt, tay cắm dây truyền nước nhưng vẫn đứng cạnh ảnh tạo dáng. Như thường lệ, cô bé chỉ tay gọi bố, gọi mẹ rồi bê tấm ảnh đi đi lại lại quanh nhà. "Mẹ ơi, bố bế con này", cô bé tíu tít khoe. Vợ và mẹ Đại úy Phạm Công Huy vô cùng xúc động. Nhìn đôi mắt đượm buồn của họ với sự tiếc nuối, ước đại úy vẫn còn đây, che chở cho gia đình…".

Mặc dù anh Thắng quan niệm đây là công việc thực hiện trên nỗi đau của người khác, nhưng khi làm nó bằng cả trái tim thì ta sẽ biến đau thương trở thành một phần dấu ấn trong cuộc đời mỗi con người. Niềm hạnh phúc lớn nhất của anh có lẽ không phải là nhận được nhiều yêu cầu hay những lời tán thưởng, mà là được chứng kiến cảm xúc của những người con, người vợ hay bất cứ một ai đã quá lâu không còn được nhìn thấy hình bóng người thân trong gia đình.

Có những giọt nước mắt hạnh phúc, có lời cảm ơn chân thành, có cả những tiếng nấc nghẹn không nói thành lời nhưng anh hiểu rằng, đó chính là sự ghi nhận lớn nhất để tiếp thêm nguồn động lực cho công việc mà anh và các cộng sự đang theo đuổi. Sứ mệnh "kết nối" những mảnh ghép là thế nhưng thông điệp mà Lê Quyết Thắng muốn nhắn nhủ tới mọi người là hãy sống chậm lại và yêu thương gia đình nhiều hơn nữa. Nếu có điều kiện thì đừng quên chụp thật nhiều những bức ảnh đẹp cùng với họ để có cái gọi là kỷ niệm…

* Bài có sự biên tập ở title

HỒNG PHÚC (Quân đội nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem