Người thầy giáo luôn vì người nghèo

Thứ tư, ngày 10/08/2022 06:10 AM (GMT+7)
Ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, thỉnh thoảng người ta lại bắt gặp hình ảnh thú vị.
Bình luận 0

Một người đàn ông tuổi 40, khuôn mặt khôi ngô, quần tây áo sơ mi "đóng thùng" bảnh bao đi... bán vé số. Buôn bán lịch thiệp, không nài nỉ, không chèo kéo nhưng được rất nhiều người mua ủng hộ. Đó là thầy Nguyễn Nhựt Tân, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Phong Điền 1.

"A lô! Dạ, cho tôi hỏi thầy Tân đang nghe máy phải không vậy?". Sau tiếng trả lời rằng "Phải, thầy Tân đây", người đàn bà giọng già nua rưng rức kể về cảnh đời khốn khổ của bà và đứa cháu nhỏ. Thầy trấn an bà và hứa sẽ đến tận nhà để giúp đỡ vào sáng hôm sau. Quay sang tôi, thầy Tân nói: "Thêm một mảnh đời cần giúp đỡ. Tôi sẽ cùng anh chị trong nhóm xác minh kỹ và tìm cách giúp họ".

Những cuộc điện thoại như vậy không phải xa lạ với thầy, bởi từ lâu, nhiều người xem thầy Tân và nhóm thiện nguyện "Từ Tâm" như một địa chỉ nhân đạo, luôn sẵn lòng che chở và bao bọc những phận đời trước sóng gió truân chuyên.

Hôm tôi gặp thầy đi bán vé số để hỗ trợ một hoàn cảnh thương tâm. Thầy nhẩm tính tờ vé số đã bán, tiền khách gửi phụ thêm và tiền lời vé số là bao nhiêu... Thầy tính toán, nâng niu từng đồng, thầy vui khi cộng ra số tiền đã kha khá.

Hình ảnh chỉn chu của thầy Tân khiến tôi băn khoăn nhiều câu hỏi: Học trò và phụ huynh liệu có "nghĩ khác" về thầy; liệu thầy có mắc cỡ khi bán vé số; liệu rồi giữa chuyện bán-mua, có khách hàng nào lấy quyền "thượng đế" làm thầy cảm thấy chạnh lòng... Như đọc được suy nghĩ của tôi, thầy Tân cười hiền: "Tôi không mắc cỡ mà còn tự hào về việc mình làm. Có sao đâu, giáo viên, bán vé số hay làm bất cứ nghề gì, miễn là mình làm một cách đàng hoàng và sống tử tế...".

Người thầy giáo luôn vì người nghèo - Ảnh 1.

Trong giờ lên lớp, thầy Tân luôn mẫu mực, hết lòng yêu thương học trò.

Thầy cho biết, từ bé, gia đình nghèo, lại đông anh em nên để mua được quyển tập trắng hay cây bút đi học là điều rất khó. Khi đó, thầy chủ nhiệm có chủ trương khen thưởng những học trò học giỏi trong lớp, em nào đứng từ thứ tư trở lên sẽ được thưởng quyển tập, bút bi.

Chính những phần thưởng đó đã giúp thầy cố gắng phấn đấu vươn lên thứ hạng cao. Vì vậy, khi đứng trên bục giảng, thầy Tân đã học theo, nhân rộng cách làm của thầy chủ nhiệm xưa. Thấy học sinh vì hoàn cảnh gia đình mà lỡ dở chuyện học, nhiều hoàn cảnh gia đình éo le, thầy càng cố gắng hỗ trợ học trò của mình.

"Năm 2008, tôi về giảng dạy môn Mỹ thuật tại Trường Tiểu học thị trấn Phong Điền 1. Khi đó, chứng kiến nhiều em nhà quá nghèo, không có tiền nộp học, mua sách vở, tôi vừa động viên, vừa giúp đỡ các em trong khả năng có thể", thầy Tân nhớ lại.

Nhìn học trò phấn khởi, có thêm động lực học tập, thầy Tân chợt nghĩ, có lẽ không chỉ trường mình mà nhiều trường khác cũng còn những em học sinh hoàn cảnh khó khăn. Nhưng ngặt nỗi, đồng lương giáo viên của thầy quá ít ỏi, muốn giúp được nhiều em cũng "lực bất tòng tâm".

Biết đến nhóm "Từ Tâm" và bén duyên từ những lần cùng cô Bích Nhi và các đồng nghiệp làm thiện nguyện, thầy Tân trở thành thành viên đắc lực của nhóm và mải mê theo những bước chân gieo mầm yêu thương. "Càng làm từ thiện, tôi càng thấy còn nhiều hoàn cảnh éo le. Nếu chỉ kêu gọi vận động mãi thì cũng không được. Vậy là tôi nghĩ ra cách đi bán vé số để có thêm nhiều tiền. Nhiều người không hiểu, cho rằng tôi đi bán vé số là để lợi dụng nhưng tôi mặc kệ. Chỉ cần giúp được các em học sinh và người nghèo là tôi vui rồi!", thầy Tân cười.

Cũng từ những đồng tiền lời ít ỏi của việc bán vé số mà nhiều mảnh đời khó khăn được giúp đỡ, nhiều học sinh không phải bỏ dở việc học. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Thiện (50 tuổi, ngụ tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền), một người chuyên mưu sinh bằng nghề bán vé số bị mắc bệnh nặng, gia đình không có tiền chạy chữa, thầy Tân liền đứng ra giúp đỡ. Kể lại câu chuyện với lòng biết ơn, bà Thiện chia sẻ: "Chồng tôi ai thuê gì làm đó, lắm khi nhiều ngày liên tiếp không có ai thuê. Còn tôi tật nguyền từ nhỏ, không làm được việc nặng, chỉ có thể đi bán vé số.

Thời điểm ấy, trong nhà tôi không có một đồng, vay mượn hàng xóm láng giềng cũng không được. Thấy gia cảnh tôi khó khăn, thầy Tân giúp đỡ chúng tôi tiền để đi trị bệnh. Trị bệnh xong, còn dư chút tiền, tôi mua chiếc xuồng nhỏ để chồng đi giăng lưới, bắt cá kiếm thêm thu nhập. Hễ có ai cho gạo là thầy đem về tặng chúng tôi".

Ngoài bán vé số lấy tiền giúp học sinh và những mảnh đời khó khăn, thầy Tân còn làm nhiều "nghề" khác như vá, lấp ổ gà dọc các tuyến đường ở địa phương hay phát thuốc xông miễn phí cho bà con để phòng, chống dịch Covid-19. Một nghĩa cử khác đáng trân trọng là thầy Tân còn chạy xe ôm từ thiện.

Gần đây, ngày nào thầy cũng chở một người bị tai nạn, đau ở chân đến bệnh viện huyện để tập vật lý trị liệu. Xe gắn máy của thầy Tân lúc nào cũng có nón bảo hiểm dự bị, trên đường đi dạy về hoặc đi đâu, thấy có người đi bộ, thầy mời lên xe đưa đến đúng nơi, đưa về đúng chỗ.

Nhận xét về thầy Tân, ông Nguyễn Văn Sang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền cho biết: "Thầy Tân không chỉ vững vàng về chuyên môn, yêu nghề mến trẻ mà trong thời gian qua, thầy đã vận động hỗ trợ, giúp đỡ khoảng 200 người dân và 300 học sinh với số tiền gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, trong đợt dịch Covid-19 năm 2021, thầy còn xông xáo tham gia hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm đến các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn TP Cần Thơ".

Cô Lâm Bích Nhi, trưởng nhóm thiện nguyện "Từ Tâm" cho biết: "Thầy Tân rất nhiệt tình với công tác thiện nguyện. Cùng với nhóm, thầy Tân đã giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, cần sự hỗ trợ. Do phần nhiều thành viên trong nhóm đều là giáo viên, hiểu đặc thù công việc của nhau nên đã phối hợp nhịp nhàng trong việc làm thiện nguyện".

Ghi nhận những đóng góp và tấm lòng của thầy giáo Nguyễn Nhựt Tân, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ đã đến Trường Tiểu học thị trấn Phong Ðiền 1 động viên, khích lệ và trao giấy khen tặng thầy. Ông Bình nhấn mạnh: "Thầy Nguyễn Nhựt Tân là một trong những tấm gương người tốt-việc tốt tiêu biểu của ngành giáo dục và địa phương.

Nghĩa cử của thầy Tân đã làm đẹp thêm hình ảnh người giáo viên trong xã hội hiện nay. Sở sẽ luôn ủng hộ, đồng hành với thầy trong thời gian tới, đồng thời dành những hỗ trợ tích cực và hiệu quả để thầy có thêm điều kiện hoàn thành tốt công việc, tiếp tục làm công tác thiện nguyện".

Xúc động trước sự quan tâm của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ khi được nhận giấy khen, thầy Nguyễn Nhựt Tân cho biết: "Tôi đến với công việc thiện nguyện như một cái duyên, lại được sự ủng hộ của bà con, đồng nghiệp nên tôi đã gắn bó với việc làm ý nghĩa này và sẽ tiếp tục trong thời gian tới".

40 tuổi, vẫn chưa lập gia đình, thầy Tân luôn nhiệt huyết với công việc thiện nguyện. Thầy không chỉ là "người lái đò" chở học trò đến bến bờ tri thức mà còn là một "nhà nông" mẫn cán gieo hạt yêu thương, ươm mầm nhân ái...

* Bài có sự biên tập ở title

ĐĂNG QUỲNH ( Theo QĐND) (Quân đội nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem