Thầy giáo thương binh một đời "trồng người"

Thứ hai, ngày 08/08/2022 06:22 AM (GMT+7)
Năm 18 tuổi, ông Trần Quang Liệu đã phải bỏ lại chiến trường B1 khốc liệt (tỉnh Bình Định) một con mắt. Ông về quê nhà thực hiện ước mơ trở thành một thầy giáo dạy Toán.
Bình luận 0

Một mắt bỏ lại chiến trường

Ông Trần Quang Liệu (sinh năm 1954, tổ 19, phường Sài Đồng, quận Long Biên, TP. Hà Nội) là thương binh hạng 1/4 với một con mắt mãi mãi gửi lại nơi chiến trường.

Một nửa khuôn mặt của ông Liệu bị khuyết, nổi bật lên với chiếc mắt giả trắng đục, to tròn. Ông sống cùng vợ là bà Nguyễn Thị Liễu, một cán bộ quân nhu đã nghỉ hưu thuộc Tổng cục hậu cần. Khuôn mặt bà Liễu cũng đầy những dấu vết của chiến tranh.

Đó là năm 1971, chàng thanh niên quê lúa Thái Bình khi đó 17 tuổi, lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Năm ấy, ông Liệu cũng vừa học hết phổ thông, nổi tiếng là học giỏi khắp vùng.

Chiến sĩ Trần Quang Liệu gia nhập Trung đoàn 5, Sư đoàn 350, Quân khu 3. Con đường hành quân bằng tàu hỏa vào đến Quảng Bình, lại tiếp tục đi bộ đến đóng quân tại chiến trường B1, tỉnh Bình Định.

Thầy giáo thương binh một đời "trồng người" - Ảnh 1.

Ông Trần Quang Liệu cũng là một trong 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc được tuyên dương năm 2019.

Năm 1972, khói lửa chiến tranh bao trùm cả nước. Tại chiến trường miền Nam, ông Liệu và đồng đội giao tranh ác liệt với kẻ địch. Đồng đội hi sinh tương đối, còn chiến sĩ Trần Quang Liệu bị một mảnh pháo găm vào nửa bên mặt. Ông ngất đi khi đang được đồng đội băng bó vết thương. Đồng đội nhờ người dân khiêng ông đến bệnh viện cấp cứu.

"Lúc tỉnh dậy, một nửa bên mặt trái của tôi không còn xương gò má, đôi mắt trái cũng mất đi. Có thể nói là khuôn mặt hoàn toàn biến dạng. Tôi vô cùng đau đớn nhưng vẫn còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã hi sinh ở chiến trường", ông Liệu chia sẻ.

Ông Liệu được đưa vào điều trị trong một bệnh viện giữa rừng núi. Thời chiến thiếu thốn, ông chỉ được tiêm 5 mũi kháng sinh, rồi bôi thuốc đỏ, rửa nước muối, ăn cơm chan nước muối nên vết thương lâu phục hồi. "Nhưng sức thanh niên nên vẫn cầm cự được".

Năm 1973, thương binh Trần Quang Liệu được chuyển về bệnh viện ngoài Bắc. Ông đi bộ hành quân qua hơn 10 doanh trại, đến Kon Tum, thương binh được xe vận tải chở ra Bắc.

Ông Liệu kể: "Ngồi trên thùng xe vận tải nhảy chồm chồm trên đường Trường Sơn khổ lắm, tôi phải lót bao tải để ngồi. Đi được mấy hôm thì về đến Quảng Bình, tôi trông thấy các ông già vác cày cuốc ngoài đồng về, đứa bé cưỡi trâu bò mà mừng quá. Lâu ngày tôi không có tình cảm gia đình, nên tôi cứ tưởng tượng rồi gọi toáng lên "bố ơi, con về rồi, em ơi, anh về rồi đây".

Thầy giáo thương binh một đời "trồng người" - Ảnh 2.

Ông Liệu cùng vợ ôn lại những bài báo, bằng khen của ông.

Đến ngày 27/1/1973, nghe đài nói Hiệp định Paris đã được ký kết, ông Liệu vui mừng. Ông đã nghĩ đến việc về quê vác cuốc, vác cày làm nông. Nhưng trở về quê hương, vì vết thương quá nặng, ông không thể giúp gì cho gia đình. Nhiều người nói ra nói vào, trẻ con trong làng trêu đùa làm ông trở nên mặc cảm.

Rất may, ông được tạo điều kiện gửi đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để chỉnh hình khuôn mặt. Tại đây, ông được lấy lại phần nào khuôn mặt của mình. Các bác sĩ tạo cho ông một hố mắt giả để ghép con mắt giả, cấy lông mày, sửa lại bên má.

Kỳ tích đỗ đại học và một đời "trồng người"

Lấy lại tự tin, ông Liệu nhen nhóm ước mơ được đi thi đại học thì bị nhiều người cũng cho rằng việc ông đi thi đại học là hoang đường và liền gạt đi: "Anh không khỏe mạnh, làm sao mà đi học được".

Ông Liệu tìm đến bác sĩ phẫu thuật của mình, là Thiếu tướng, GS. TSKH Nguyễn Huy Phan để ngỏ ý định về nhà ôn thi đại học, ông được Thiếu tướng ủng hộ ngay.

Năm 1975, ông Liệu chuẩn bị hành trang đi thi đại học. Ông về nhà tìm lại được mấy quyển sách giáo khoa đã cũ, đến cơ sở giáo dục tổ chức riêng cho thương binh. Ông Liệu có tố chất ở các môn tự nhiên, lại từng là học sinh giỏi Toán đi thi toàn miền Bắc. Ông bắt nhịp trở lại rất nhanh sau 5 năm không "đèn sách". Ông học ngày, học đêm, ôn lại cả chương trình học trong một tháng để kịp kỳ thi.

Thầy giáo thương binh một đời "trồng người" - Ảnh 3.

Gia tài của ông Liệu là những tấm bằng khen, giấy khen do Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khen tặng.

Năm ấy, thí sinh Trần Quang Liệu đỗ vào khoa Toán khóa 20 - Trường Đại học Tổng hợp. Ông vẫn nhớ đó là ngày 26/11/1975, ông đi tìm khoa Toán mà không thấy tên mình. Hóa ra ông được xếp vào khoa Kinh tế chính trị theo chủ trương của Đảng cần những người ưu tú như ông.

Học được 10 buổi, cảm thấy không phù hợp, ông quyết định xin sang khoa Toán như nguyện vọng ban đầu. Thầy chủ nhiệm khoa Kinh tế chính trị khuyên ông suy nghĩ lại. Nhưng ông Liệu vẫn kiên định mục tiêu học Toán, dù trước đó, thầy giáo ở khoa Toán cảnh báo "học toán khó lắm, đời sống khó khăn thì khoa sẽ giúp đỡ, nhưng trong học tập thì không bao giờ dù là thương binh".

Thầy giáo thương binh một đời "trồng người" - Ảnh 4.

Thầy Liệu tự sáng tác những bài thơ để tri ân mái trường và học trò.

Sau gần 5 năm học đại học, ra trường ông Trần Quang Liệu được phân công giảng dạy môn Toán tại Trường Kinh tế - Kỹ thuật Hải Hưng, sau đó chuyển công tác về Trường phổ thông cấp I, II May 10 và nghỉ hưu tại Trường cấp II Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) ở tuổi 55.

Thầy giáo Liệu nhiều năm liền được bầu là giáo viên xuất sắc, nhận bằng khen của tỉnh. Thầy đào tạo cho Trường phổ thông cấp I, II May 10, Trường THCS Thượng Thanh nhiều thế hệ học sinh giỏi môn Toán. Ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm, thầy Liệu lại được nhà trường mời nói chuyện với học sinh. Thầy được nêu thành một tấm gương vươn lên trong học tập và công tác.

"Tôi càng đi dạy càng cảm thấy yêu nghề dạy học. Đó vẫn là sự lựa chọn đúng đắn của tôi. Đi dạy học hay lắm. Nhiều khi mình phải thay đổi cách truyền đạt linh hoạt cho các em hiểu. Không phải giảng bài nào cũng như bài nào, các em sẽ chán ngay, nên tự mình phải thay đổi hàng ngày.

Ngày ấy học sinh cấp 2 nghịch ngợm lắm, nhiều khi thầy cô lo không trị nổi học trò. Dạy cũng phải quát tháo, nhưng mà mình nhìn học sinh mình rất thương yêu, chỉ mong cho các em học tốt thôi", thầy Liệu chia sẻ.

Mùa xuân năm 2009, thầy Liệu nghỉ hưu, trong lòng còn bâng khuâng nỗi nhớ trường lớp. Được nhiều học sinh và phụ huynh ủng hộ, thầy tiếp tục nhận dạy kèm học sinh tại nhà. Nhiều người lao động xa quê không có điều kiện cho con em đến lớp học thêm, đều đến nhà nhờ thầy dạy thêm.

Những đứa trẻ đến nhà ông không chỉ được học Toán, mà còn được nghe những câu chuyện về cuộc đời mình. Học Toán xong, bọn trẻ xin ông đọc thơ cho nghe. Đó là những bài thơ ông viết về học trò, mái trường và một thời chiến đấu trong khói lửa chiến tranh.

* Bài có sự biên tập ở title

Quang Trường (Dân Trí) (Báo Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem