Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Công an đánh người buộc phải xử nặng

Thành An Thứ hai, ngày 15/08/2022 16:28 PM (GMT+7)
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình nói: "Đánh nhau bên ngoài là chuyện bình thường nhưng công an đánh người thì đấy là hành vi vi phạm nặng, phải xử nghiêm. Đây là trách nhiệm của cơ quan tư pháp".
Bình luận 0

Ngày 15/8, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Cân nhắc bổ sung thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND các cấp

Tại buổi làm việc, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc.

Đồng thời, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.

Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý.

Việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Công an đánh người buộc phải xử nặng - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Ảnh: QH.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, qua quá trình tích cực phối hợp, đến nay, những nội dung lớn của dự thảo pháp lệnh đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, đạt sự đồng thuận cao giữa cơ quan trình dự án với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan.

Tuy nhiên, trong số các vấn đề cụ thể, Ủy ban Tư pháp còn có ý kiến khác nhau về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp. Đa số ý kiến thống nhất với cơ quan soạn thảo, đề nghị không quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bổ sung đồng thời thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND các cấp đối với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Công an đánh người buộc phải xử nặng - Ảnh 2.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: QH

Lý giải việc mức xử phạt cao hơn so với các lĩnh vực khác, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình nói: "Đánh nhau bên ngoài là chuyện bình thường nhưng ông công an đánh người thì đấy là hành vi quá nặng, buộc phải xử nặng. Đây là trách nhiệm của cơ quan tư pháp".

"Hay trường hợp làm hồ sơ giấy tờ giả, trong trường hợp bình thường thì xử lý nhẹ hơn. Nếu cơ quan tố tụng mà làm sai hồ sơ giấy tờ thì đây là liên quan đến công quyền, đến sinh mạng của người ta cho nên các vi phạm phải xử nặng hơn nhiều so với thông thường, cả về hành chính", ông Bình nói thêm.

Theo ông Bình, việc đưa thông tin sai lệch trên báo thì là vi phạm bình thường nhưng đưa tin sai lệch mà ảnh hưởng đến bản chất vụ án thì phải xử lý nặng hơn. Các mức phạt được thiết kế ở khung tối đa trong luật, chứ không vượt quá thẩm quyền luật cho phép.

Nhà báo, luật sư sẽ bị phạt nặng nếu có hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Theo dự thảo Pháp lệnh, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng, của tổ chức đến 80 triệu đồng.

Liên quan đến hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc, khoản 1 Điều 20 quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với người nào bằng ảnh hưởng của mình có hành vi tác động dưới bất kỳ hình thức nào đối với thẩm phán, thành viên hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ án hành chính; vụ việc dân sự;

Khoản 3 điều này quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1.

Liên quan đến hành vi đưa tin sai sự thật, dự thảo Pháp lệnh quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đồng đối với Nhà báo, Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của Tòa án.

Điều 23 dự thảo Pháp lệnh quy định: Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng;

Mức phạt này cũng áp dụng cho hành vi nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem