An Giang: Đưa nghề về với đồng bào Khmer

Thứ sáu, ngày 06/12/2013 08:54 AM (GMT+7)
Tính đến cuối tháng 10.2013, huyện Tịnh Biên có 2.050 lao động người dân tộc Khmer được học nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án 25 của UBND tỉnh An Giang.
Bình luận 0
Dạy theo nhu cầu người học

Được thành lập vào năm 2008, Trung tâm Dạy nghề huyện Tịnh Biên (nay là Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Tịnh Biên) đã góp phần đáng kể vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số An Giang.

Ông Huỳnh Văn Tiền - Giám đốc trung tâm cho biết: Từ năm 2010 đến nay, trung tâm đã đào tạo được hơn 4.500 học viên, tỷ lệ học viên là người dân tộc Khmer tham gia học nghề hàng năm chiếm 35 – 55%. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, trung tâm đã đào tạo hơn 620 học viên, trong đó có 245 học viên là người Khmer. “Một vấn đề đặt ra là chúng tôi không bao giờ áp đặt bất kỳ một ngành học nào mà căn cứ vào nhu cầu người học, họ thấy nghề gì thiết thực thì đăng ký. Như vậy mới đảm bảo hiệu quả của việc dạy và học…”.

Nông dân Khmer huyện Tịnh Biên áp dụng kiến thức đã học vào trồng sắn.
Nông dân Khmer huyện Tịnh Biên áp dụng kiến thức đã học vào trồng sắn.

Thực tế cho thấy, các ngành nghề thu hút nhiều lao động là người dân tộc Khmer tham gia học là kỹ thuật chăn nuôi bò, heo, nuôi lươn, trồng lúa, cùng một số loại rau màu… Theo bà Nguyễn Thị Bảo Trân - Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, tại các xã, thị trấn đã có một số mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm đang rất hiệu quả, khả năng nhân rộng các mô hình nông nghiệp có nuôi gà thả vườn, nuôi lươn, rắn hổ hèo, trồng nấm; mô hình phi nông nghiệp có chế biến đường thốt nốt, dệt thổ cẩm, may công nghiệp, bó chổi cọng dừa, đan giỏ bằng dây nylon…

“Để phát huy tối đa hiệu quả công tác dạy nghề cho đồng bào Khmer, chúng tôi chủ động thực hiện các mô hình liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ký kết đào tạo nghề, giải quyết việc làm sau khi kết thúc khoá học cho bà con” – bà Trân cho biết thêm.

Hơn 1.870 lao động được dạy nghề

"Ở Tịnh Biên, dạy nghề cho người Khmer chưa phải là hết, mà phải phát huy vai trò của đoàn thể trong việc vận động, tiếp thêm “lửa” cho bà con thực hiện những gì đã học thì mới gọi là dạy nghề thành công”.

Ông Huỳnh Văn Tiền

Ông Lê Văn Hạnh - Chủ tịch Hội ND huyện Tịnh Biên đã nêu một điển hình cụ thể là ông Nguyễn Văn Đen (ấp Phú Nhất, xã An Phú) canh tác 10ha lúa 2 vụ, nhờ có học nghề, biết tính toán làm ăn mà hiện nay ông Đen đã có 2 chiếc máy gặt đập liên hợp và 1 chiếc máy cày làm dịch vụ.

Mỗi năm tổng thu nhập lên đến trên 1,540 tỷ đồng. “Bằng cách nêu điển hình và kết hợp với vận động của các đoàn thể, cán bộ xã ấp thì mới vận động được bà con Khmer, nhất là những hộ nghèo, họ chỉ học khi thấy việc học có “thu lời liền sau đó”, nên phải chỉ cho họ những điển hình để họ thấy” – ông Hạnh nhấn mạnh.

Bằng những cách làm như vậy cùng với việc thực hiện theo Đề án 25 của tỉnh, huyện Tịnh Biên đã đào tạo nghề cho hơn 1.870 lao động diện hộ nghèo trong cộng đồng người Khmer, với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Công tác đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số đã và đang góp phần giảm bớt khó khăn, tăng thêm thu nhập cho dân nghèo ở vùng nông thôn miền núi Tịnh Biên.
Trọng Bình (Trọng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem