Thuở ấy, tôi ngây thơ chưa biết lo nghĩ gì; chỉ biết khi cúng xong có chén chè ăn ngon miệng là đủ!. Sau nầy, lớn lên, tôi có những suy nghĩ, thắc mắc về tên gọi của món chè dung dị, dễ thương đã hằn in trong ký ức tuổi thơ để nhờ những “bậc cao minh” chỉ giáo. Có người nói: “Hồi đó, ở miệt Sài Gòn (?!) có một phụ nữ không rõ tên, chỉ biết “thứ ba”, bán loại chè rất đặc biệt, mọi người ăn cảm thấy lạ miệng, vì thế gọi luôn là “chè bà ba”, riết rồi thành quen!.
Lại cũng có người cho biết: “Chè bà ba là loại chè đặc trưng của người Nam bộ qua hình ảnh người phụ nữ duyên dáng mặc chiếc áo bà ba, thế thôi!”. Riêng ba tôi lại nói: “Chè bà ba là chè bà ba!. Suy nghĩ chi cho mệt, đôi khi làm mất đi tính chất phác và dân dã vốn có của nó!”. Thôi thì, chúng ta cứ hiểu: “Đây là một loại chè thập cẩm gồm các loại rau, củ, quả…dùng để cúng và để ăn của người dân miền Tây Nam bộ”.
Chè bà ba.
Chè bà ba tuy bình dị như thế, nhưng để có được chén chè thơm ngon, người nội trợ đảm đang ở nơi đây phải tốn nhiều công sức, và tuyệt đối không thêm những nguyên liệu khác vào làm mất đi hương vị cố hữu của nó. Ngày nay, có nhiều điểm bán ghi bảng tên là “chè bà ba”, nhưng thật ra là “chè thưng”, vì họ đã “biến tấu”thêm những nguyên liệu khô khác vào như: táo tàu, hạt sen, nhãn nhục, phổi tai…Chế biến món chè bà ba truyền thống phải có những nguyên liệu tươi cơ bản như: dừa (dừa khô lẫn dừa nạo), khoai lang bí, khoai mì, khoai môn (khoai sáp), đậu xanh, lá dứa, bột năng, đường cát (số lượng nhiều ít, tùy theo người ăn).
Vì có nhiều công đoạn, nên trước hết, má tôi phân công các anh chị tôi mỗi người giúp một tay. Đầu tiên, má ngâm đậu xanh (khoảng 200 gram) trước một đêm cho mềm đãi vỏ, nấu chín. Má phân công anh Tư tôi ra vườn hái vài trái dừa khô và dừa nạo, một nắm lá dứa.
Dừa khô, được anh nạo sẵn để ra thau, vắt lấy nước cốt (chừng 1 chén), nước dão (khoảng1/3 nồi). Dừa tươi (dừa nạo) lấy nước đổ vào nồi. Cái dừa tươi, nạo thành sợi như con bánh canh để sẵn ra tô. Lá dứa đâm nhuyễn lấy nước để ra chén. Má phân công chị Hai tôi lột khoai mì (khoảng 400 gram) rửa sạch, mài nhuyễn, nhồi với một ít nước lạnh bỏ vào vải the vắt ráo. Sau đó, cho một ít nước lá dứa vào vò thành từng viên nhỏ cỡ đầu ngón tay luộc chín, vớt ra thả vào nước lạnh cho các viên đừng dính với nhau. Còn chị Ba rửa khoai lang bí và khoai môn (khoảng 400 gram) gọt vỏ, xắt thành từng miếng vuông (như con cờ).
Riêng bột năng (khoảng 100 gram), má nhồi với nước ấm thành một cục dẻo cán mỏng, xắt thành sợi (như con bánh canh) luộc trần để sẵn ra tô. Tiếp đến, má cho nước dão và nước dừa tươi (1/2 nồi), một ít muối vào nồi rồi thả tuần tự các nguyên liệu vào nấu sôi liu riu (thứ nào chín lâu để vào trước, tránh bị nhừ mất ngon!) như: khoai môn, bột năng xắt sợi, cái dừa nạo, khoai lang bí, viên khoai mì luộc, đậu xanh đãi vỏ (đã nấu chín), và cuối cùng là đường cát (khoảng 700 gram). Nêm nếm vừa khẩu vị, chờ nước sôi bùng là nhắc xuống, múc ra chén và dâng lên bàn thờ để cúng!...
Ba tôi giờ đã xa khuất, má tôi cùng gia đình đã rời quê lên thành phố. Dù có bận trăm công nghìn việc, cứ mỗi năm vào đêm giao thừa, má tôi đều làm món chè truyền thống nầy để cúng ông bà. Còn gì ấm cúng và hạnh phúc cho bằng trong ngày Tết cả nhà sum họp đầy đủ; sau khi cúng xong được thưởng thức chén chè bà ba tỏa hương thơm ngát!.Vị ngọt, bùi của khoai lang, khoai mì, khoai môn… lẫn vị dai, giòn của bột năng, dừa nạo, béo thơm của nước cốt dừa… tạo thành một “hợp khúc dân dã thuần khiết” khó quên và gợi nhớ quê nhà da diết!...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.