Chuyện gì cũng có mặt trái
Kết quả thống kê qua nhiều đợt tầm soát bệnh tiểu đường cho hàng ngàn người ở TP. HCM cho thấy có nhiều điểm nghịch lý. Chương trình tầm soát, như tên gọi, là nhằm phát hiện bệnh cho người chưa biết, nhưng gần 2/3 số người tham gia lại là người đã bị bệnh tiểu đường, một số không ít trong đó thậm chí đã được điều trị từ nhiều năm! Thế thì tại sao họ lại đo đường huyết trong chương trình gọi là tầm soát?
Lý do đầu tiên không ngờ là hơn phân nửa trong số họ từ lâu không hề kiểm soát lượng đường trong máu! Với số bệnh nhân này có lẽ bệnh tiểu đường là bệnh nhẹ như cảm cúm nên thỉnh thoảng có đo đường huyết nhân lúc thuận tiện là chuyện hợp lý! Nhưng nếu chỉ trách người bệnh thì phần nào quá phiến diện. Họ có thái độ thờ ơ như thế vì họ không mấy khi được thầy thuốc nhắc nhở về tầm quan trọng của việc kiểm soát đường huyết.
Tệ hơn nữa là một số không ít tham gia chương trình đo đường huyết, không vì lý do miễn phí, mà vì họ biết rõ hơn ai hết là lượng đường trong máu của mình khó có trị số khả quan, do họ đã không tuân thủ lời dặn dò của thầy thuốc cũng như theo đuổi liệu pháp với tinh thần kỷ luật cao. Chính vì thế mà họ không muốn đo đường huyết với thầy thuốc đang điều trị để tránh cảnh khó ăn khó nói! Với số bệnh nhân này, đường huyết nếu không đo xem như ổn định!
Không khó kiểm soát!
Ngày nào còn người tiếc 3 tô phở thì bệnh tiểu đường tiếp tục là đại họa của thế kỷ 21!
Và việc đó lúc nào cũng rất quan trọng trong việc phát hiện đường huyết tăng hay giảm. Đo lúc đói hay đo buổi sáng sớm lúc chưa ăn vẫn có thể tăng cao, cho dù đường huyết vào đêm hôm trước thậm chí bình thường, vì nhiều lý do như: tuyến thượng thận hoạt động cường điệu trong đêm trước đó vì bệnh nhân thức khuya, làm việc căng thẳng hay mất ngủ; bệnh nhân trước đó nhiều ngày uống thuốc cảm, thuốc kháng viêm thuộc loại corticosteroid, hay thuốc ngừa thai…; bệnh nhân đang bị dị ứng, đặc biệt là dị ứng thực phẩm; bệnh nhân đang có thai hay mắc bệnh nội tiết, chẳng hạn do rối loạn chức năng tuyến giáp.
Vì thế, nhất là trong trường hợp nghi ngờ, nhiều thầy thuốc thường cho xét nghiệm đường huyết hai giờ sau khi ăn, thậm chí sau khi ăn ngọt. Ở người bình thường, đường huyết cho dù ăn ngọt bao nhiêu vẫn trở lại bình thường. Ở người tiểu đường tiến trình này tất nhiên chậm hơn nhưng lượng đường trong máu sau khi ăn hai giờ không cao hơn 150mg nếu được điều trị hiệu quả.
Chính xác hơn nữa là một loại xét nghiệm khác, tuy tốn kém hơn, nhưng với độ chính xác hầu như tối đa, xét nghiệm mang tên HbA1c. Dựa vào đặc điểm là huyết cầu tố loại A1c có đặc tính kết dính lượng đường trong máu trong suốt quá trình tồn tại của huyết cầu, nghĩa là tròm trèm 100 ngày, nên thầy thuốc có thể đánh giá diễn tiến của bệnh tiểu đường trong nhiều tuần trước đó thông qua tỷ lệ huyết cầu tố có dính chất đường. Tỷ lệ này càng cao chứng tỏ đường huyết trong 2-3 tháng trước đó hoặc đã liên tục tăng cao nhiều ngày, hoặc đã dao động bất thường. Cả hai trường hợp đều bất lợi cho người bệnh tiểu đường vì dễ sinh biến chứng.
Phí tổn cho một lần xét nghiệm HbA1c không cao hơn giá của 3 tô phở thông thường. Liệu có nên nhịn 3 tô phở trong 6 tháng để kịp thời phát hiện bệnh tiểu đường?
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.