Khó đâu, gỡ đó! Với cách làm lấy chi bộ làm trọng tâm, sau 2 năm, ấp Hưng Phú đã công bố xóa 100% hộ nghèo (giai đoạn 2006-2010).
|
Ông Nguyễn Hoàng Gia -Bí thư Đảng ủy thị trấn (thứ hai tứ trái sang) thăm hỏi và chúc mừng ông Ân - một hộ dân vừa thoát nghèo, vươn lên khấm khá. |
Câu chuyện của Chi bộ ấp Hưng Phú tuy rất “thường nhật” và giản đơn, nhưng toát lên bài học quý giá về phát huy vai trò nòng cốt, nhân tố tích cực của đảng viên cơ sở trong thời kỳ mới!
Năm 2006, sau khi phúc tra theo tiêu chí của Trung ương ban hành, toàn bộ khu vực ấp Hưng Phú có đến 43 trên tổng số 170 hộ dân rơi vào “chuẩn nghèo”. Tỉ lệ này cũng tương ứng tỉ lệ hơn 32% hộ nghèo của toàn thị trấn Cây Dương.
Đầu năm 2007, Đảng ủy thị trấn đã mạnh dạn trình đề án lên Huyện ủy trong việc triển khai thí điểm “xóa hộ nghèo” ở Hưng Phú. Chương trình này có điểm đặc biệt là Chi bộ ấp sẽ là trọng tâm, chứ không chỉ “khoán” hết cho ban chỉ đạo và cán bộ xóa đói, giảm nghèo. Nội dung quan trọng nhất là xác định mỗi cán bộ đảng viên ở ấp thí điểm và mỗi đoàn thể cơ sở đều được giao nhận nhiệm vụ nắm bắt tâm tư nguyện vọng, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân thoát nghèo. Chương trình được Huyện ủy thông qua và lập tức tìm được sự ủng hộ từ phía Hội Nông dân huyện cũng như các ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân.
Ông Nguyễn Hoàng Gia – Bí thư Đảng ủy thị trấn, nhận xét: “Sự đồng thuận đã được tạo ra ngay từ bước khởi đầu và mỗi đảng viên đều nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc gần dân, hiểu dân và giúp dân. Đó là điều quan trọng nhất và tâm đắc nhất của chúng tôi khi triển khai mô hình này!”.
Theo phân công của chi bộ, mỗi đảng viên được giao trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể, đảm nhiệm hỗ trợ hơn 10 hộ thoát nghèo. Ban đầu, các đảng viên đi thu thập thông tin, ghi nhận nguyên nhân nghèo khó và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân về những khó khăn và nhu cầu được hỗ trợ. Sau đó, một thống kê kiểu “cây nhà lá vườn” được lọc ra, báo cáo lên Ban chỉ đạo Xóa đói, giảm nghèo và Đảng ủy thị trấn.
Trong báo cáo đó, có thông tin điều kiện sống thực tế của từng hộ, nguyên nhân “vướng nghèo” và nhu cầu hỗ trợ cụ thể, như: Hộ nào cần vay vốn làm ăn buôn bán, hộ nào cần học nghề, hộ nào thiếu kiến thức cần chuyển giao kỹ thuật trồng trọt – chăn nuôi… từ đó để có cách hỗ trợ phù hợp, giám sát kiểm tra liên tục, mắc đâu gỡ đó.
Ông Nguyễn Văn Thuận – Phó Chủ tịch UBND thị trấn, Trưởng BCĐ Xóa đói, giảm nghèo nhận xét: “Trong giai đoạn 2007-2009, mỗi năm chúng tôi bảo lãnh cho vay từ 450 - 500 triệu đồng và vốn đều sử dụng hiệu quả, hoàn trả đúng hạn. Từ xóa nhà tre lá tạm, đến nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế - giáo dục… Chỉ sau 1 năm triển khai, đời sống các hộ nghèo đã thay đổi hẳn…”.
Từ những nỗ lực vượt khó của các hộ dân, cách nghĩ, cách làm hay của Đảng ủy, UBND thị trấn và sự mạnh dạn xông xáo của Chi bộ ấp Hưng Phú, cuối năm 2008 đã có trên 80 hộ nghèo tự nguyện đăng ký rút tên khỏi “danh sách nghèo” và đời sống họ đã vươn lên khấm khá. Đến cuối năm 2009, sau khi bình xét thì toàn bộ hộ nghèo của ấp này đã vượt nghèo ngoạn mục, thậm chí vượt luôn cả chuẩn nghèo mới trong giai đoạn 2010-1015. Quan trọng là cũng từ 2008 đến nay, ấp Hưng Phú không có hộ nào “tái nghèo”.
Quốc Huy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.