Chỉ số hạnh phúc của người lao động ở Việt Nam chỉ đạt 6,9/10 điểm

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 03/03/2023 19:37 PM (GMT+7)
Báo cáo nghiên cứu của Viện Công nhân Công đoàn cho thấy chỉ số hạnh phúc của công nhân lao động là 6,9/10 điểm. Tiêu chí khiến lao động hạnh phúc nhất không phải là vấn đề vật chất, tiền lương mà chính là mức độ hài lòng về quan hệ gia đình – xã hội.
Bình luận 0

Nhóm công chức, viên chức không có tích lũy cao hơn công nhân lao động, chỉ số hạnh phúc thấp 

Chiều nay (3/3) Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức Tọa đàm Chỉ số hài lòng về cuộc sống (hạnh phúc) của đoàn viên công đoàn và vấn đề đặt ra.

Ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho biết khảo sát được thực hiện trên hơn 6.000 công nhân, lao động, cán bộ công chức, viên chức ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trong cả nước.

Nghiên cứu cho thấy, tổng số năm bình quân người lao động (NLĐ) làm việc là 12 năm, nhưng tích lũy của người lao động Việt không cao.

Chỉ có 46,3% lao động có sở hữu cá nhân. Trong đó, có 58% người lao động có nhà ở (công nhân lao động có sở hữu nhà đất thấp nhất trong tổng số này với hơn 17%). Tỷ lệ lao động có xe mô tô, xe gắn máy là 87,9%.

chỉ số hạnh phúc

Ông Trần Thanh Hải - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Đáng lưu ý trong số này có 60,1% NLĐ không có bất kỳ khoản tiền tích luỹ hay vốn đầu tư (tiền tiết kiệm, vàng bạc, đá quý, cổ phần, cổ phiếu, vốn đầu tư… quy được ra tiền) và chỉ có 39,9% NLĐ có tiền tích luỹ, song mức tích luỹ rất thấp. Mức tích lũy đủ chi tiêu dưới 1 tháng là 10,5%, đủ chi tiêu 1 – 3 tháng là 15,4% và đủ chi tiêu trên 3 tháng chỉ là 14%. Trong đó, có tới 62% và 61% cán bộ, công chức, viên chức không có tích lũy, còn nhóm công nhân lao động không có tích lũy là 58,8%.

Điều này cho thấy tiền lương, thu nhập của công chức, viên chức chưa đủ trang trải cuộc sống, nên tỷ lệ không có tích lũy cao hơn nhóm công nhân, lao động.

"Mặc dù đã có không ít NLĐ phải đi làm thêm ở ngoài, song do tiền lương thu nhập thấp lại không có tích luỹ nên có đến 43,8% đoàn viên thuộc tình trạng đang có vay nợ, trong đó 15,9% có vay nợ và rất khó để trả hết nợ theo hạn. Tỷ lệ này cao nhất ở cán bộ công chức với hơn 58%, tiếp đó là viên chức 51%", ông Tiến nói.

chỉ số hạnh phúc

Ông Vũ Minh Tiến cho biết, dù đi làm tới 12 năm nhưng hơn 60% công chức, viên chức không có tích lũy. Ảnh: NH

Theo ông Tiến, báo cáo đánh giá mức độ hài lòng về cuộc sống (chỉ số hạnh phúc) trên của đoàn viên năm 2022 được khảo sát dựa trên 3 yếu tố: Mức độ hài lòng về các yếu tố kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên; mức độ hài lòng về quan hệ gia đình – xã hội; mức độ hài lòng về đời sống cá nhân.

Chỉ số hạnh phúc của người lao động chỉ đạt thang điểm trung bình khá, 6,9/10 điểm

Kết quả cho thấy chỉ số hạnh phúc của người lao động ở Việt Nam được tính dựa trên thang điểm 10. Theo đó chỉ số hạnh phúc chung của người lao động trong báo cáo đạt 6,9/10, tăng so với năm 2020 nhưng không nhiều (6,54/10 điểm). Cụ thể chỉ số hạnh phúc ở từng đối tượng người lao động có sự khác biệt. Trong đó, có 6,92/10 cán bộ công chức thấy hạnh phúc, viên chức là hơn 6,9/10; và 6,89% công nhân lao động là thấy hạnh phúc.

Trong số 3 chỉ số trên thì chỉ số mức độ hạnh phúc của lao động về mức độ hài lòng về quan hệ gia đình - xã hội là cao nhất với 7,45/10. Tiếp đó là mức độ hài lòng về đời sống cá nhân với hơn 6,9/10. Mức độ hài lòng về các yếu tố kinh tế, vật chất, môi trường tự nhiên thấp nhất chỉ với 6,36/10.  Điều này cũng đồng nghĩa với việc người lao động không cảm thấy hạnh phúc về các khoản thu nhập, tiền lương và thấy rằng những khoản thu nhập này chưa đảm bảo cho họ có một cuộc sống thoải mái.

Thông qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận những mong muốn của người lao động về việc được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có môi trường làm việc tốt, không bị xúc phạm. Đồng thời họ mong được tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; mong Nhà nước kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu, tiền lương cơ sở; mong muốn có đời sống văn hóa tinh thần tốt...

chỉ số hạnh phúc

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động chia sẻ quan điểm về báo cáo. Ảnh: NH

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá cao báo cáo nghiên cứu nhưng ông Quảng cho rằng, cần có nghiên cứu cụ thể hơn, rõ ràng hơn để các kết quả có thể ứng dụng để kiến nghị, điều chỉnh chính sách.

Kết luận buổi tọa đàm, ông Trần Thanh Hải - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Viện Công nhân công đoàn tổng hợp lại báo cáo. Đồng thời xác định 2 vấn đề: Một là độ tin cậy, hai là tiếp tục hoàn thiện để đề xuất cho các báo cáo sau, có thể công bố định kỳ, có thể là 5 năm một lần.

"Đây là vấn đề rất quan trọng, đã đến lúc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có nghiên cứu chiến lược hơn, bởi lẽ đây không phải là khảo sát thành tích mà là khảo sát chỉ số hạnh phúc của đoàn viên, từ đó giúp đoàn viên, lao động cảm thấy hạnh phúc. Làm thế nào để sau 5 năm nhìn lại người lao động phải hạnh phúc hơn, có niềm tin về tương lai hơn. Ai cũng mong muốn có cuộc sống hạnh phúc hơn. Sống mà không cảm thấy hạnh phúc thì con người sẽ như thế nào?", ông Hải nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem