Nhân viên văn phòng chia sẻ bí quyết tiêu Tết tiết kiệm để không bị "cháy túi" sau Tết

Nhật Hà Thứ sáu, ngày 06/01/2023 10:10 AM (GMT+7)
Cứ mỗi dịp Tết đến, các cá nhân hay mỗi gia đình đều tất bật, thậm chí có người đau đầu vì hàng trăm thứ cần sắm sửa và các khoản chi cho biếu Tết, lì xì, vui chơi… Nếu không có kế hoạch mua sắm, chi tiêu hợp lý, bạn rất dễ bị “cháy túi” sau Tết.
Bình luận 0

Chị Phan Lê Minh Ngọc (30 tuổi, hiện đang làm nhân viên văn phòng ở Hà Nội, cũng là mẹ của một cậu con trai 3 tuổi) cho biết, trước Tết khoảng 2 tuần chị đều lên kế hoạch chi tiêu Tết. 

Với Ngọc, việc lên kế hoạch chi tiêu Tết, ghi chép các khoản chi cẩn thận cụ thể giúp cô dễ kiểm soát và tránh tình trạng "vung tay quá trán" thích gì mua đó. "Làm vậy khi cần xem lại cũng tiện để rút kinh nghiệm xem đã tiêu gì, có khoản nào đáng lẽ không cần phải chi hay không", Ngọc nói.

Nhân viên văn phòng chia sẻ bí quyết tiêu Tết tiết kiệm, để không bị "cháy túi" sau Tết - Ảnh 1.

Nên cân nhắc lì xì ai, bao nhiêu cho phù hợp. Ảnh: NVCC

Ngọc cũng không mua quá nhiều đồ Tết, chỉ mua mặt hàng cần thiết, "Mình thường có thói quen mua nhiều đồ về tích trữ với suy nghĩ "mua một lần đỡ phải đi nhiều" hoặc sợ Tết cháy hàng. Tuy nhiên, đa phần các chợ, cửa hàng đều mở bán hàng ngày, có nơi chỉ đóng cửa mùng 1 Tết nên mình không nhất thiết phải mua tích trữ. Vì có thể mua nhiều không dùng hết hoặc đồ không còn tươi ngon, chất lượng", nữ nhân viên văn phòng bổ sung.

Bên cạnh đó, Ngọc ưu tiên mua đồ ở chợ hơn siêu thị vì dễ mặc cả, nhiều sản phẩm lựa chọn và giá cả bình dân hơn. Với quần áo cũng vậy, chị tận dụng lại quần áo cũ và biến tấu kết hợp khác đi cho thêm thơi trang.

Cuối cùng, để việc chi tiêu Tết được tiết kiệm, Ngọc hạn chế ăn uống, vui chơi bên ngoài Dịp Tết bởi các cửa hàng, quán ăn, khu vui chơi đều có tăng giá nhẹ nên việc ăn uống, tiệc tùng bên ngoài liên tục sẽ gây tốn kém.

Nhân viên văn phòng chia sẻ bí quyết tiêu Tết tiết kiệm, để không bị "cháy túi" sau Tết - Ảnh 2.

Nhân viên văn phòng chia sẻ bí quyết tiêu Tết tiết kiệm, để không bị "cháy túi" sau Tết - Ảnh 3.

Tự nấu thay vì ăn ngoài giúp chị Ngọc có một cái Tết tiết kiệm, ấm cúng. Ảnh: NVCC

"Mình thích mua đồ về nhà, tự nấu nướng, vừa tiết kiệm, vừa mang lại cảm giác ấm cúng. Tuy nhiên, tiết kiệm không có nghĩa là hà tiện. Những thứ cần thiết phải tiêu thì vẫn chi tiền, còn những thứ không cần thiết thì nên cân nhắc có nên mua hay không", Ngọc cho hay.

Anh Nguyễn Lam Sơn, 40 tuổi, quê Thái Bình, đang làm việc ở Hà Nội cho biết, do kinh tế gia đình anh chưa dư dả và thưởng Tết cũng được khoảng 3 triệu nên anh thường chi tiêu rất hợp lý với nhu cầu gia đình. Thường mỗi dịp Tết, hai vợ chồng anh sẽ chi tiêu Tết hết khoảng 6-8 triệu đồng. Trong đó, anh Sơn biếu bố mẹ hai bên, mỗi bên 2 triệu đồng và dành ra khoảng 2 triệu đồng để đi lại từ Hà Nội về quê cũng như từ bên nội sang bên ngoại (cách nhau 100km), lên Hà Nội. Hai vợ chồng anh bỏ ra khoảng 2 triệu đồng để mua sắm, chi tiêu khi về bên nội, ngoại.

"Riêng tiền lì xì, hai vợ chồng tôi đã dành ra khoảng 1 triệu nhưng gia đình tôi có 2 con nhỏ nên tôi thường sử dụng tiền của mình mừng tuổi ban đầu còn về sau mọi người mừng tuổi cho con, tôi lại sử dụng để mừng cho trẻ nhỏ khác", anh Sơn cho hay. 

Anh cũng chỉ mua sắm chi tiêu Tết những thứ cần thiết, không trang hoàng hoành tráng mà chỉ mua đủ dùng.

Nhân viên văn phòng chia sẻ bí quyết tiêu Tết tiết kiệm, để không bị "cháy túi" sau Tết - Ảnh 4.

Chân dung chị Lê Hằng. Ảnh: Nhật Hà

Cùng chung tiêu chí chi tiêu Tết tiết kiệm, chị Lê Hằng (44 tuổi, ở Hà Nội) cho hay, mua sắm Tết sớm (khoảng thời gian từ ngày 10 âm lịch - 17 âm lịch tháng chạp) cũng là một cách tiết kiệm hầu bao bởi càng gần Tết, nhu cầu mua sắm càng cao, hàng hóa hết càng nhanh, lẽ tất nhiên là vật giá sẽ leo thang, nhiều mặt hàng khan hiếm sẽ bị đẩy giá lên cao trong khi bạn bắt buộc phải có nó trong Tết nên cắn răng bỏ ra số tiền lớn để mua. 

Do đó, theo chị là nên sắm Tết sớm, hạn chế gần Tết mới bắt đầu mua bán, vừa không mua được hàng tốt, vừa tốn thêm một khoản không nhỏ do giá thành đắt đỏ.

Với kinh nghiệm của chị Hằng, chị thường mua những món đồ khô trước như: nấm hương, mộc nhĩ, măng, miến …  Tiếp theo chị sẽ lên danh mục đồ lễ cho gia tiên trong 3 ngày Tết, lễ Tất niên, lễ Tết ông Công ông Táo… Tết nội, Tết ngoại và những người trong danh sách mà cần có sự chu đáo.

Nhân viên văn phòng chia sẻ bí quyết tiêu Tết tiết kiệm, để không bị "cháy túi" sau Tết - Ảnh 5.

Cân nhắc mua quà Tết phù hợp, không mua nhiều tránh lãng phí. Ảnh: Nhật Hà

"Bạn có thể tự chọn đồ và đóng gói tuỳ theo túi tiền của mình chi cho khoản này là bao nhiêu thay vì mua sẵn những giỏ quà trông thì rất bắt mắt nhưng chất lượng thì không ai có thể khẳng định là ổn hay không", chị Hằng chia sẻ.

Sau những món đồ khô, quà Tết, đồ lễ, tiếp theo là đến thực phẩm. Theo chị Hằng, thịt cũng là một trong những thứ chúng ta phải mua để sử dụng trong mấy ngày Tết và cũng là những loại thực dễ tăng giá. Bạn có thể mua trước và chỉ cần bảo quản đúng cách thì mùi vị của thịt đông lạnh không thua gì thịt tươi.

Về trang phục mặc Tết, gia đình chị Hằng sẽ ngồi xem lại xem có thực sự nên mua hay không, chị sẽ ưu tiên áo Dài cho phụ nữ và vest cho đàn ông, nếu lạnh thì thêm chiếc măng tô và khăn. Như vậy thời trang sẽ không lỗi mốt và không phải đau đầu là mặc gì?

"Nhà cửa tôi sẽ thuê người dọn dẹp trọn gói trước ngày 20 âm lịch. Để họ không làm ẩu và đã có giá trọn gói. Hoặc mỗi ngày mình cùng gia đình dọn từng phòng và từng khu vực. Việc trang trí nhà cửa, bên cạnh cành đào, cây quất, thay vì cắm những loại hoa mắc tiền trong nhà tôi sẽ cắm những bó mùi già vừa thơm vừa độc đáo.

 Bạn hãy chịu khó lên chợ hoa mua hoa lay ơn, hay những hoa mình thích về sáng tạo theo cách của mình chứ không chạy theo số đông. Cuối cùng, nấu ăn ngày Tết cũng nên tính toán, chứ không nên nấu quá nhiều món, không ăn hết sẽ rất lãng phí", Chị Hằng nhắn nhủ.

Nhân viên văn phòng chia sẻ bí quyết tiêu Tết tiết kiệm, để không bị "cháy túi" sau Tết - Ảnh 6.

Chân dung anh Đặng Ngọc Thuỷ. Ảnh: NVCC

Anh Đặng Ngọc Thuỷ (28 tuổi, hiện đang công tác ở Hà Nội) cho hay, anh thường về quê đón Tết cùng gia đình, quê anh thuộc một huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang nên việc mua sắm Tết anh thấy cũng không quá tốn kém. 

Nhân viên văn phòng chia sẻ bí quyết tiêu Tết tiết kiệm, để không bị "cháy túi" sau Tết - Ảnh 7.

Nhân viên văn phòng chia sẻ bí quyết tiêu Tết tiết kiệm, để không bị "cháy túi" sau Tết - Ảnh 8.

Nhà Ngọc Thuỷ trồng rất nhiều loại hoa, nên ngày Tết gia đình anh không phải mua hoa ngoài chợ, mà chỉ cần ra vườn ngắt hoa vào trang trí nhà cửa, vừa tiết kiệm, lại vừa đẹp. Ảnh: NVCC

"Mọi nguyên liệu gói bánh thì nhà đã có sẵn, hoa đào và nhiều loại hoa khác gia đình cũng tự trồng được. Mình cũng không mua sắm quần áo mới mà chỉ chuẩn bị một khoản tiền để lì xì cho người thân, họ hàng. Với mình, tiền lì xì là nét văn hoá đẹp đầu năm nên mình sẽ chú ý tới độ tuổi và mối thân quen của người được lì xì để chuẩn bị phong bao lì xì cho phù hợp. 

Ví dụ, với các cụ cao tuổi và các bạn nhỏ, người thân trong gia đình mà mình ít gặp thì mình thường lì xì với mệnh giá khoảng 100 nghìn đồng, 50 nghìn đồng. Còn lại là 20 nghìn đồng. Sau 3 năm Covid, kinh tế của mình cũng như nhiều người gặp không ít khó khăn. Với cách chi tiêu hợp lý, sẽ giúp mình có một cái Tết tiết kiệm, ấm áp mà vẫn đủ đầy", Thuỷ bộc bạch. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem