Chiếc bánh tét ba nhân độc đáo ở Vĩnh Long

Bài và ảnh: Nhất Huỳnh Chủ nhật, ngày 15/02/2015 15:00 PM (GMT+7)
Không biết tự khi nào, người dân Nam Bộ nói chung cũng như miền Tây nói riêng cứ tết đến, xuân về thì gói bánh tét bằng gạo lúa để cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên.
Bình luận 0
Bánh tét ở Nam Bộ rất đa dạng, phong phú, đủ màu sắc. Ra Phú Quốc thì có bánh tét mật cật với đòn bánh có hình tam giác và khi cắt bánh ra, bánh có màu xanh nhẹ nhàng mà nhiều người gọi là màu xanh ngọc bích khá bắt mắt. Đến Cần Thơ có lá cẩm đẹp mê hồn với nhân vàng ươm kết hợp với màu hồng của thịt, màu đỏ của lạp xưởng. Xuống Trà Vinh thì bánh tét Trà Cuôn với hương vị độc đáo vang danh khắp miệt vườn sông nước. Bây giờ, quê tôi huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) góp vào danh sách ấy với loại bánh tét độc đáo, không lẫn vào đâu được đó là bánh tét ba nhưn (chuối, đậu, mỡ).
img
Những khoanh bánh tét với ba nhưn (nhân) chuối, đậu, mỡ (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Người dân ở quê tôi gói bánh tét từ rất sớm, nếu gia đình nào chuyên nghề làm bánh tét, sẽ gói bánh vào độ khoảng 26, 27 Tết Âm lịch để đến ngày 28, 29 Tết bánh tét đã có mặt khắp các chợ để phục vu nhu cầu mua sắm tết hoặc tặng biếu người thân. Riêng gia đình nào khéo tay hoặc hai ba nhà hùn hạp với nhau gói bánh tét ba nhưn ăn tết thì sẽ chuẩn bị gói và nấu bánh Tét trong 2 ngày (29 và 30 tết) để kịp bánh chín và đón giao thừa. Từ sáng sớm mọi người đã chia nhau công việc của mình, người khéo tay nhất sẽ lo việc xào nếp, làm nhân, những người còn lại kẻ lau lá, xé lạt, người chuẩn bị nồi nước thật to để nấu bánh.

Để có được đòn bánh tét ba nhưn độc đáo ấy, người dân quê tôi chọn loại nếp ngon và dẻo, các công đoạn như vo nếp, gút nước, để ráo vẫn làm bình thường tuy nhiên khi xào nếp thì người ta cho thêm nước cốt dừa pha mỡ hành. Đậu xanh cà ngâm nở mềm, đãi sạch vỏ. Mỡ heo cắt từng sợi vuông dài theo chiều dài đòn bánh sẽ gói. Người ta chọn chuối xiêm vừa chín tới, lột bỏ vỏ, cắt đôi bề dọc, ướp muối đường cho thấm. Lá chuối thì cẩn thận xé từng miếng vừa gói, phải lau dầu cho bóng và trơn, để khi bánh chín nếp không dính vào lá. Trải nếp lên mặt lá chuối rồi đặt một nửa trái chuối xiêm, sau đó trải lớp đậu xanh, tiếp theo đặt sợi mỡ heo. Sau cùng gói gọn chiếc bánh thành một đòn dài, cột lại bằng dây lát hoặc dây ni lông. Bánh tét ba nhưn cũng được nấu như các loại bánh tét khác.
img
Hai đòn bánh tét ba nhưn đã nấu chín (Ảnh: Nhất Huỳnh)

 Ai đã từng ngồi canh giữ nồi nước thì chắc không thể quên được hình ảnh bập bùng của lò nấu bằng củi với âm thanh tí tách, cái háo hức mong đợi khi bánh được vớt khỏi nồi nước luộc và cái hơi nóng tỏa ra làm ấm cả gian nhà bếp. Đó là cảm giác của ngày tết sắp về ở từng gia đình. Độ chừng 3 đến 4 tiếng, người ta vớt bánh ra khỏi nồi nước, treo thành từng xâu trên cái đòn dài của nhà bếp để bánh ráo nước và tránh sự dòm ngó của lũ mèo, chuột.

Sáng 30 cúng rước ông bà, họ cắt bánh thành từng khoanh rồi đặt vào đĩa để cúng. Bánh cúng xong thì con cháu mới được ăn. Khi ăn, ta cảm nhận được hương vị đậm đà, khó quên, không lẫn với các loại bánh tét khác do sự hòa quyện của ba nhưn: mùi thơm dẹo quẹo của nếp chín, vị béo bùi của đậu xanh cà và vị ngọt lịm của chuối xiêm chín đậm đà.

Ngày Xuân, mọi thành viên trong gia đình về đoàn tụ và được thưởng thức những khoanh bánh tét thơm ngon mới thấy hết giá trị của không khí gia đình truyền thống và ý nghĩa Tết cổ truyền của dân tộc. Với người dân Vũng Liêm, bánh tét ba nhưn là tượng trưng cho sự ấm no từ đời này qua đời khác.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem