Truyền thuyết những chiếc cốc độc nhất vô nhị thế giới
Chiêm ngưỡng báu vật quốc gia độc nhất vô nhị, xa xỉ nhất thế giới, giá trị lên tới trăm triệu đô
Thứ bảy, ngày 19/12/2020 13:33 PM (GMT+7)
Vào thời cổ đại, công cụ sản xuất của con người còn thô sơ, tay nghề cũng không tinh xảo nhưng một số loại cốc được người xưa dùng để uống nước lại tinh tế ngoài sức tưởng tượng của con người. Hãy cùng chiêm ngưỡng những chiếc cốc cổ vật văn hóa cấp quốc gia này để thấy cổ nhân tài giỏi cỡ nào.
Đôi khi, nhân lực và vật lực đã bỏ ra để làm ra một chiếc cốc có thể khiến bạn phải kinh ngạc. Ví dụ, chiếc cốc pha lê thời Chiến quốc do Bảo tàng Hàng Châu sưu tầm này được làm hoàn toàn bằng pha lê tự nhiên chất lượng cao. Nó được khai quật tại làng Thạch Đường (Shitang), thị trấn Bán Sơn (Banshan), thành phố Hàng Châu vào tháng 10 năm 1990. Nó được đưa vào danh sách cổ vật văn hóa bị cấm ra nước ngoài triển lãm vào năm 2002, và là cổ vật văn hóa cấp quốc gia của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Theo ước tính của các chuyên gia, các thợ thủ công lành nghề sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mới có thể làm được chiếc cốc pha lê tại thời kỳ Chiến Quốc. Trong lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc, chiếc cốc pha lê lớn như vậy là một sản phẩm độc nhất, có thể gọi là một trong những bảo vật quốc gia vô cùng quý giá. Hãy tưởng tượng xem, tầng lớp người nào có thể uống nước bằng loại cốc này vào thời điểm đó? Ít nhất đó phải là hoàng đế, quý tộc, hoàng tử và vua chúa …mới có thể sử dụng một chiếc cốc đắt giá như vậy.
Ấn tượng của hầu hết mọi người về thời kỳ đồ đá là họ vừa từ giã cuộc sống nguyên thủy. Tuy nhiên, chiếc cốc một quai bằng gốm đen được khai quật từ Di tích Văn hóa Long Sơn trong Bảo tàng Sơn Đông đã có cách đây ít nhất hơn 4.000 năm và là một cổ vật văn hóa quý giá của thời đại đồ đá mới. Chiếc cốc một quai bằng gốm đen này có bề ngoài khá hiện đại cao cấp nếu xét về tính thẩm mỹ thiết kế. Có thể thấy, hơn 4000 năm trước những người làm ra chiếc cốc đã chu đáo thêm vào một chiếc quai, điều rất hiếm thấy ở thời cổ đại. Chiếc cốc được làm cẩn thận như vậy không khác gì những bậc thầy gốm sứ ở thời hiện đại, thậm chí có thể được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật.
Tần Thủy Hoàng vốn vẫn luôn được coi là thiên cổ nhất đế, bởi vậy mà chắc chắn chiếc cốc ông dùng đương nhiên cũng sẽ rất cao quý. Tuy nhiên, do lăng Tần Thủy Hoàng đang được bảo vệ và không có kế hoạch khai quật quy mô lớn nên người ta vẫn chưa có nhiều thông tin về chúng. Tuy nhiên, một chiếc cốc bằng ngọc bích có chân và vân mây đã được tìm thấy tại địa điểm của Cung điện A Phòng vào năm đó, và hiện nó được lưu giữ trong Bảo tàng Tây An. Chiếc cốc này được tạo khuôn và chạm khắc hoàn toàn từ một khối ngọc bích nguyên khối rất đẹp, trên thân cốc cũng được chạm khắc tinh xảo.
Chiếc cốc pha lê trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Afghanistan là sản phẩm của thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, và có tính thủ công cao hơn nhiều so với chiếc cốc pha lê vào thời Chiến quốc. Bề mặt chiếc cốc không chỉ có hoa văn phức tạp mà còn có hình dáng những chiếc lá sinh động. Kết cấu của pha lê cứng và giòn, và nó chắc chắn phải được tạo ra từ một nghệ nhân có tay nghề cực kỳ khéo léo mới có thể chạm khắc một hoa văn như vậy trên đó. Về mặt kỹ thuật mà nói, chiếc cốc pha lê này còn tốt hơn cả chiếc cốc pha lê thời Chiến Quốc. Tuy nhiên, nếu xét đến việc chiếc cốc Pha lê thời Chiến quốc có sớm hơn hàng trăm năm thì nó vẫn đứng đầu về độ quý giá.
Tuy là kẻ gian hùng nổi tiếng trong lịch sử nhưng Tào Tháo cũng nổi tiếng với cuộc sống tiết kiệm. Hầu hết các lăng tẩm cổ xưa đều được xây dựng rất xa hoa, nhưng lăng tẩm của Tào Tháo lại rất đơn giản. Tuy nhiên, dù Tào Tháo sống đời thanh đạm nhưng sau này, cuộc sống của chắt nội là Tào Phương lại dần trở nên xa hoa. Chiếc cốc bạch ngọc của Tào Phương khi tám tuổi trong bộ sưu tập cổ vật ở Bảo tàng Lạc Dương là minh chứng đúng nhất cho điều này. Chiếc cốc bạch ngọc này có màu trắng trong suốt, có hình tròn và kèm chân đỡ.
Tại cuộc đấu giá năm 2014, nhà sưu tập đồ cổ Lưu Ích Khiêm – một đại gia giàu thứ 30 ở trung quốc (theo bình chọn của New Fortune 2013) ở Thượng Hải đã mua một chiếc chén hoa văn con gà của vua Thành Hóa (hoàng đế thứ 9 của nhà Minh) với giá giao dịch là 281.240.000 đô la Hồng Kông (~ 34 – 35 ngàn đô mỹ). Theo vị đại gia này cho hay, chiếc cốc trị giá 281 triệu đô la Hồng Kông này "cực kỳ nhẵn mịn, bóng bẩy và rất nhẹ nhàng mềm mại, không từ ngữ nào có thể diễn tả được."
Rất nhiều người thắc mắc, làm thế nào một chiếc cốc nhỏ như vậy có thể có giá trị khó tin như thế? Câu trả lời là bởi vì nó không phải là đồ sứ cổ thông thường, nó là một bảo vật trong vô số đồ sứ. Trong"Minh sử" ký, có đoạn ghi chép về việc tạo ra các sản phẩm gốm sứ, để tạo ra một món đồ sứ quý giá, người ta không tiếc làm hàng chục, hàng trăm chiếc, loại tốt nhất sẽ được dâng lên triều đình, hàng thứ cấp đều bị đập vỡ. Với những tiêu chuẩn cao và yêu cầu khắt khe như vậy, tất nhiên, tất cả các công đoạn đều phải tỉ mỉ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.