Chiến sự Nga-Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 13: Rưng rưng ăn bát cơm Việt giữa lòng Châu Âu

Đỗ Thị Hoa Lý từ Dormund viết riêng cho Dân Việt Thứ năm, ngày 17/03/2022 20:40 PM (GMT+7)
"Suốt từ hôm 1/3 là ngày cất bước ra đi khỏi Ukraine chỉ toàn ăn bánh mì, giò và đồ hộp khô khan, may lắm thì được một chút rau xào nóng. Từ hôm mùng 2 tới hôm nay mới được ăn bát cơm Việt Nam...", trích nhật ký chiến sự Nga-Ukraine phần 13 của nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý.
Bình luận 0
Ngày 16/3
9h57' tôi gọi cho cô bạn hỏi tình hình ra sao. Bạn cho biết 2 mẹ con sang đến Ba Lan thì con gái ở lại làm việc cùng cơ quan của con bé đã chuyển chế độ hoạt động từ Ukraine sang Ba Lan, bạn đi tiếp sang Đức hiện ở trại cách Berlin khoảng 150 cây số. Bạn kể, ở đó rất đông người tị nạn: người Việt Nam, người Ukraine, người da đen, các quốc gia khác. Cuộc sống thiếu thốn, ăn uống kham khổ suốt ngày nhai bánh mì tượt hết cả lợi... Suốt từ hôm 1/3 là ngày cất bước ra đi toàn ăn bánh mì, giò và đồ hộp khô khan, may lắm thì được một chút rau xào nóng.
Đang nói chuyện bạn bảo "Thế nhé, mình bận chút". Một hồi sau tôi đi ăn về nhắn lại "Đã ăn chưa?" vậy là nhận được những dòng chữ khiến tôi xúc động, thương bạn và cảm kích tấm lòng của các tình nguyện viên người Việt tại Đức:
- Mình vừa đi nhận cơm hộp từ thiện người ta mang đến tận trại.
- Vậy là tốt quá rồi. Cơm từ thiện chắc nóng và ngon lắm?
- Từ hôm mùng 2 tới hôm nay mới được ăn bát cơm Việt Nam..., bỏ bữa trưa của trại, tối lại gặm bánh mì.
Rồi bạn gửi cho tôi những hình ảnh phát cơm từ thiện rất xúc động, chan chứa tình nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn.
Chiến sự Nga-Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 13: Rưng rưng ăn bát cơm Việt giữa lòng châu Âu - Ảnh 1.

Nhà ăn hôm nay đông hơn mọi ngày vì người tị nạn từ Ukraine tiếp tục đến Đức.

 

Cuộc chiến này đã khiến bao người lâm vào cảnh ngộ không mong muốn. Cuộc sống trước kia ở Ukraine dẫu có vất vả hay khổ cực một chút nhưng an yên biết bao. Càng thấm thía hơn giá trị của hòa bình!

Cất bước ra đi vơ vội được mấy bộ quần áo, chút đồ ăn tạm cho gia đình, trôi nổi trên con đường vô định, một phương trời xa lạ. Cuộc sống phụ thuộc tất cả vào lòng tốt, sự cưu mang bảo bọc của các nước sở tại. Giờ đây nước Đức đã quá tải, không thể chu cấp đầy đủ cho tất cả mọi người cũng là điều dễ hiểu. Đến giờ phút này tôi vẫn thấy mình thật may mắn đã đến được nơi an toàn, đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, của chính phủ Ba Lan, Đức, của các tình nguyện viên các nước trên những con đường tôi đã đi qua. 

Và, hơn hết tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới bạn đọc của báo Dân Việt! Khi nhận được những thông tin từ tòa soạn tôi rất xúc động trước sự quan tâm, tình cảm của bạn đọc đối với dân tộc Ukraine, với người Việt tại Ukraine và cá nhân tôi! Tôi luôn tự nhủ, mình không được phép gục ngã trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Hiện tại, chúng tôi được tin sẽ học tiếng Đức từ 3-4 tháng sau đó sẽ tính tiếp. Được như vậy là quá tốt trong hoàn cảnh này, tôi chỉ mong sao mình có thể tiếp cận được ngôn ngữ mới và cầu nguyện cho hòa bình của Ukraine.
Thứ Năm, 17/3
Hôm nay, trại của chúng tôi lại đón nhận thêm công dân từ Ukraine di tản sang. Đó là người mẹ và cậu con trai chừng 8-9 tuổi cùng cô con gái nhỏ xíu đến từ thành phố Kramatorsk. Các nhân viên nhà ăn phải kê thêm bàn ghế mới đủ chỗ ngồi cho mọi người. Nhìn các bà mẹ bận rộn lo cho các con nhỏ mà lòng tôi trào lên nỗi xót xa, thương cảm!
Cuộc chiến tranh nào cũng vậy. Cũng những đau thương, mất mát, những "cuộc chia ly màu đỏ". Các ông bố ở lại cầm súng giữ quê hương, các bà mẹ bồng bế, dắt díu con thơ đi di tản là một hình ảnh quen thuộc trên khắp các nhà ga, bến tàu trên khắp Châu Âu...
Tại Ukraine, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt, nhiều khu dân cư bị bắn phá, máu vẫn chảy, lửa vẫn cháy, bom vẫn nổ trên khắp quê hương thứ hai của chúng tôi. Nhưng tình yêu vẫn còn mãi. Trong cuộc chiến này vẫn có những giây phút lãng mạn. Các chiến sỹ thủy quân lục chiến Ukraine, tại thành phố Odessa anh hùng, đã tổ chức lễ thành hôn với những cô gái yêu thương của mình. Những đám cưới vẫn diễn ra dưới hầm trú ẩn của nhiều nơi trên khắp đất nước.
Bên cạnh đó là tinh thần dân tộc, tình yêu Tổ Quốc trong tim mỗi công dân Ukraine. Một học sinh lớp 5 xin được tham gia vào đội ngũ bảo vệ quê hương, những người cha, người chồng, người anh... gạt nước mắt chia tay gia đình, vợ con để chiến đấu cho Ukraine... Hàng trăm em bé được sinh ra dưới hầm trú ẩn, những góc thiết kế dành làm khu vui chơi cho trẻ em dưới các bến tàu điện ngầm... Những tiếng hát, tiếng đàn vang lên giữa tiếng bom gầm, đạn rú..


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem