Chính quyền Quy Nhơn muốn phát triển kinh tế đêm

Dũ Tuấn Thứ sáu, ngày 17/11/2023 11:55 AM (GMT+7)
Quy Nhơn - Thành phố biển của Bình Định, muốn quy hoạch phố đi bộ với cảnh quan kiến trúc độc đáo, tầm cỡ khu vực, làm điểm nhấn phát triển kinh tế đêm.
Bình luận 0

Phố đi bộ Quy Nhơn, điểm nhấn trong du lịch kinh tế đêm

Nội dung trên được đề cập trong Kế hoạch khai thác lợi thế, dư địa để phát triển TP.Quy Nhơn đến năm 2025, tầm nhìn 2030 vừa được lãnh đạo chính quyền TP.Quy Nhơn (do Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Toàn ký), gửi đến UBND tỉnh Bình Định, Thành uỷ Quy Nhơn.

Để có phố đi bộ quy mô khu vực, tiến tới quy mô quốc tế, TP.Quy Nhơn sẽ thuê đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để thiết kế cảnh quan kiến trúc tuyến phố độc đáo theo hướng hiện đại kết hợp với văn hóa truyền thống.

Khi phố đã hình thành, địa phương và người dân sẽ tổ chức các hoạt động dịch vụ, du lịch kinh tế đêm bên trong.

Chính quyền Quy Nhơn muốn phát triển kinh tế đêm - Ảnh 1.

Quy Nhơn lung linh về đêm, nơi đây không khí trong lành, cuộc sống khá nhẹ nhàng. Ảnh: Dũng Nhân.

Ngoài ra, Quy Nhơn sẽ nâng cấp Phố Văn hóa – Nghệ thuật Lê Đức Thọ thông qua việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư và tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, dịch vụ ăn uống vui chơi, giải trí phục vụ phát triển du lịch.

Đồng thời, di dời và nâng cấp chợ Đêm Quy Nhơn; nâng cấp các Phố ẩm thực Ngô Văn Sở, Phan Bội Châu, Hoa Lư; chọn điểm mới phù hợp cho Phố ẩm thực xe lưu động để hình thành chuỗi chợ đêm, phố ẩm thực phục vụ du lịch. Phát triển các dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch về đêm tại các địa phương phát triển mạnh du lịch cộng đồng.

Lãnh đạo TP.Quy Nhơn cho biết, trong đó, định hình và xây dựng kế hoạch điểm tổ chức các hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí, điểm tập trung phục vụ ẩm thực và bán hàng đặc sản, lưu niệm phục vụ du lịch tại xã Nhơn Lý và nhân rộng mô hình này sang các địa phương khác.

Chính quyền Quy Nhơn muốn phát triển kinh tế đêm - Ảnh 2.

Đầm Thị Nại không gian xanh ở Quy Nhơn. Ảnh: Dũng Nhân.

Khai thác các bãi biển Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Bãi Xép - Ghềnh Ráng phục vụ tổ chức các dịch vụ du lịch trên bãi biển như: dịch vụ picnic, lều bạt du lịch cho khách thuê qua đêm trên bãi biển; dịch vụ giải khát và tổ chức sự kiện, văn hóa, văn nghệ (bài chòi, hò bả trạo, hò đối đáp...) du lịch bãi biển; các dịch vụ du lịch khác như: câu mực đêm, trải nghiệm làm ngư dân để xây dựng tour du lịch cộng đồng.

Hoạt động kinh tế ban đêm tại Quy Nhơn đã diễn ra với các loại hình như: các tuyến phố ẩm thực trên các tuyến đường: Ngô Văn Sở, Phan Bội Châu, Hoa Lư, điểm bán hàng xe lưu động Lê Thánh Tôn, Điểm Phục vụ giải khát tại bãi biển Sea Sand; Phố Văn hóa - Nghệ thuật trên đường Lê Đức Thọ, Chợ Đêm Quy Nhơn.

Còn có một số hoạt động, dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí thuộc diện phát triển kinh tế ban đêm như: siêu thị, quán bar, Sur bar, karaoke, nhà hàng, quán ăn... trên đường Xuân Diệu, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Trung Tín, Võ Thị Yến.

Chính quyền Quy Nhơn muốn phát triển kinh tế đêm - Ảnh 3.

Bờ biển Quy Nhơn dài 5km, có độ cong "vầng trăng khuyết" tuyệt đẹp. Ảnh: Dũng Nhân.

Quy Nhơn - trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Quy Nhơn sẽ xây dựng thêm nhà vệ sinh cộng cộng, quy hoạch các bãi tắm biển, đầu tư các khu tắm tráng nước ngọt khu vực ven biển, phục vụ cho người dân và du khách.

Cùng với đó, tăng cường quản lý, thực hiện kêu gọi đầu tư các bãi biển, quản lý bãi biển thuộc thành phố theo quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, đảm bảo các bãi biển vận hành văn minh, trật tự, an toàn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất trật tự, ùn tắc giao thông, đảm bảo lòng lề đường được thông thoáng.

Chính quyền Quy Nhơn muốn phát triển kinh tế đêm - Ảnh 4.

Tọa lạc bên cửa biển Quy Nhơn, nằm trên đồi Hải Minh thuộc bán đảo Phương Mai, tượng đài Trần Hưng Đạo là niềm tự hào của người dân nơi đây, một địa danh văn hóa, tâm linh nổi tiếng của thành phố. Ảnh: Dũng Nhân.

Đặc biệt, ngăn chặn và xử lý dứt điểm các đối tượng đeo bám, chèo kéo gây phiền hà cho khách du lịch. Không để người lang thang, ăn xin gây phiền hà cho khách du lịch, có biện pháp hỗ trợ phù hợp đối với trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Quy Nhơn được đánh giá là có nhiều tiềm năng khai thác du lịch, với lợi thế là đô thị biển, bờ biển trải dài 42km, có đầm Thị Nại chảy qua giữa lòng thành phố, bán đảo Phương Mai nằm trên tuyến du lịch Quốc gia Phương Mai – Núi Bà.

Địa hình đa dạng về cảnh quan địa lý, có nhiều danh lam thắng cảnh, bãi biển, vũng, vịnh đẹp, đồi, núi đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch như: danh lam thắng Quốc gia Ghềnh Ráng - Tiên Sa, các điểm du lịch nổi tiếng Eo Gió, Kỳ Co, Hải Giang, các khu bảo tồn biển (Bãi Dứa – Nhơn Lý, Hòn Khô – Nhơn Hải, Hòn Nhàn - Ghềnh Ráng, Bãi Trước - Nhơn Châu)...

Chính quyền Quy Nhơn muốn phát triển kinh tế đêm - Ảnh 5.

Quy Nhơn hướng đến là nơi đáng sống đáng đến, ở tỉnh này bệnh nhân chạy thận có nhà lưu trú, đối tượng yếu thế, người nghèo, thu nhập thấp sở hữu căn hộ. Ảnh: Dũng Nhân.

Sở hữu lịch sử, văn hóa lâu đời và đặc trưng được tiếp thu kế thừa văn hóa Chăm pa; với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đậm nét (Võ Cổ truyền Bình Định, trống trận Tây Sơn, Bài Chòi, Hò Bả trạo, văn hóa kiến trúc làng chài còn gìn giữ tốt...).

Những năm gần đây, nổi lên Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành được vinh dự là nơi các nhà khoa học đạt giải Nobel, huy chương Field đến nhiều nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và là địa điểm tổ chức các hội thảo khoa học uy tín của quốc tế, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch khám phá khoa học.

Chính quyền Quy Nhơn muốn phát triển kinh tế đêm - Ảnh 6.

Đến Quy Nhơn, không chỉ ăn, chơi, ngủ mà còn trải nghiệm khoa học tri thức; hưởng thụ giá trị cuộc sống "thanh bình, nhẹ nhàng, thư thái và hạnh phúc". Ảnh: Dũng Nhân.

Quy Nhơn cũng trở thành điểm đến ấn tượng của các công ty công nghệ cao, cũng như các nhà khoa học, kỹ sư công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI)... thu hút nhiều công ty công nghệ, những nhà đầu tư lớn.

Trong đó, có các dự án của Công ty TMA Bình Định, Trung tâm công nghệ AI do Tập đoàn FPT đầu tư tại khu đô thị Long Vân.

Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành hình thành với mục tiêu trở thành điểm đến của các nhà khoa học thế giới, góp phần đưa Quy Nhơn trở thành một trung tâm khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem