Tăng lương cơ sở, tăng mức đóng BHXH
Nghị định 72/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.7.2018 quy định tăng mức lương cơ sở dành cho cán bộ, công chức, viên chức và người làm trong lực lượng vũ trang nhân dân. Theo đó, mức lương cơ sở sẽ được tăng từ mức 1,3 triệu đồng/tháng lên mức 1,39 triệu đồng/tháng.
Mức lương cơ sở mới được dùng làm căn cứ để tính các khoản lương và phí sau đây: tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Quy định mới về tiền lương, BHXH sẽ có hiệu lực từ 1.7.2018
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2018/NĐ-CP với nội dung tăng thêm 6,92% lương hưu, trợ cấp từ ngày 1.7.2018. Cụ thể sẽ tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Mức lương cơ sở tăng lên dẫn đến mức tiền lương tối đa đóng BHXH cũng sẽ tăng theo, mức tối đa cụ thể là 27.800.000 đồng, mức hiện hành là 26.000.000 đồng.
Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực
Luạt tiếp cận thông tin 2016 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay (1.7.2018) nhằm quy định các nội dung về việc tiếp cận thông tin của công dân. Trong đó, việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân được quy định cụ thể như sau.
Đối với thông tin phức tạp, không có sẵn, thời hạn chậm nhất để cung cấp thông tin cho công dân là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Cơ quan yêu cầu phải có văn bản thông báo cho công dân đến trụ sở để đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu…
Trường hợp cần thêm thời gian để xem xét, tìm kiếm thông tin thì có thể gia hạn, nhưng tối đa không quá 10 ngày làm việc.
Riêng với các thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay thì công dân được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc yêu cầu cung cấp ngay bản sao, bản chụp tài liệu.
Thiệt hại không thuộc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước chính thức áp dụng từ ngày 1.7.2018. Trong đó, có những trường hợp thiệt hại nhưng Nhà nước không bồi thường.
Đó là thiệt hại xảy ra do lỗi hoàn toàn của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép.
Thiệt hại xảy ra trong hoàn cảnh người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn, trừ thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.
Người khuyết tật được ưu tiên cung cấp thông tin
Ngày 23.1.2018, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin. Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận thông tin qua các hình thức sau: các hình thức cung cấp thông tin phù hợp với khả năng tiếp cận của người yêu cầu cung cấp thông tin; bố trí thiết bị nghe, nhìn và các thiết bị phụ trợ phù hợp với dạng và mức độ khuyết tật của người yêu cầu cung cấp thông tin;
Bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn và giúp đỡ người khuyết tật gặp khó khăn trong việc điền Phiếu, ký Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin.
Doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được buôn bán vũ khí
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 79/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Ảnh minh họa
Theo đó, cho phép tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được kinh doanh vũ khí với điều kiện: tổ chức, doanh nghiệp đó được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an giao kế hoạch hoặc nhiệm vụ kinh doanh vũ khí.
Các tổ chức này phải bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.
Kho, nơi cất giữ, phương tiện vận chuyển phục vụ hoạt động kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật.
Người quản lý được huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố trong quá trình hoạt động kinh doanh.
PV (Tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.