Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Hội Nông dân Quảng Nam mạnh dạn nhận phần việc hiệu quả
Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Hội Nông dân Quảng Nam mạnh dạn nhận phần việc phù hợp, hiệu quả
Trương Hồng - Trần Hậu
Thứ ba, ngày 29/08/2023 11:22 AM (GMT+7)
Ngày 29/8, dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên ban Chấp hành Trung Ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có những phát biểu chỉ đạo quan trọng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, những năm qua, Quảng Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự lãnh đạo đúng hướng của đảng, sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Quảng Nam có nhiều bước đột phá phát triển
Đồng chí Lương Quốc Đoàn đánh giá cao và chúc mừng những thành quả đạt được của đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Đồng thời, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn chân thành cảm ơn các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và dành sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Hội Nông dân Quảng Nam đã củng cố, nâng cao vị thế
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự chủ động, nỗ lực cố gắng của cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội VIII Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã đề ra.
"Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu đều vượt so với nghị quyết đề ra. Các phong trào thi đua yêu nước được duy trì và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, chi hội, tổ hội nông dẫn nghề nghiệp, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân; các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, tương thân, tương ái, được nông dân trong tỉnh hưởng ứng tích cực.
Với kết quả đầy nỗ lực đó, Hội Nông dân tỉnh đã được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục; nhiều cá nhân, tập thể vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Hội tặng Bằng khen.
Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chúc mừng, ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích trong công tác Hội và phong trào nông dân mà Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ qua", Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh thêm, hiện nay, trong khi nông nghiệp được coi là lợi thế góp phần quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân thì đời sống của cư dân nông thôn ở một số nơi trong tỉnh còn nhiều khó khăn, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, kết quả xóa đói giảm nghèo ở nông thôn chưa bền vững; nông dân vẫn khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa, vốn, khoa học kỹ thuật, pháp luật...
"Vai trò chủ thể và trách nhiệm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới chưa được phát huy đầy đủ, chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn còn thấp, phần lớn nông dân chưa được đào tạo nghề, năng suất lao động thấp, tỷ lệ thiếu việc làm cao.
Người nông dân luôn đứng ở vị trí yếu thế trong quan hệ sản xuất, vai trò quyết định trong chuỗi sản xuất chưa được khẳng định; sản xuất nông nghiệp còn nhiều thách thức, mức độ rủi ro cao; giá cả vật tư đầu vào cho nông nghiệp tăng nhanh hơn giá nông sản gây nhiều khó khăn cho nông dân trong việc bảo đảm cuộc sống và mở rộng sản xuất", Chủ tịch Lương Quốc Đoàn chia sẻ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đổi mới cách thức sản xuất trong nông dân còn chậm, năng suất, chất lượng, giá trị nhiều mặt hàng nông sản còn thấp; "liên kết 4 nhà" chưa chặt chẽ; tỷ lệ cơ giới hóa, ứng dụng khoa học trong sản xuất và chế biến nông sản còn thấp; xu thế gia công trong nông nghiệp ngày càng rõ; phát triển nông thôn thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế; môi trường ô nhiễm, thiên tại còn hiện hữu.
Các vấn đề về việc làm và thu nhập, đất đai, dân chủ ở cơ sở có lúc, có nơi đã trở thành tâm trạng, gây tâm lý bức xúc cho người nông dân. Kinh tế nông nghiệp chưa định hình rõ, sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn là nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch; hợp tác, liên kết trong chuỗi sản xuất còn rời rạc, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa.
Việc sản xuất còn tự phát, nông dân không dù năng lực dự báo thị trường dẫn đến tình trạng được mùa, rớt giá. Vấn đề chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa, chất lượng, mẫu mã nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường hiện đang là thách thức lớn nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Lương Quốc Đoàn gợi mở 5 vấn đề quan trọng
Tại đại hội, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên ban Chấp hành Trung Ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam gợi mở một số vấn đề, nội dung nhằm thúc đẩy công tác Hội và phong trào nông dân, giúp cả thiện đời sống nông dân cả nước nói chung và nông dân tỉnh Quảng Nam nói riêng.
Một là: Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, hiệu quả; tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Hội, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Phát huy hiệu quả các kênh tuyên truyền; ứng dụng nền tảng mạng xã hội, hình thành các nhóm hội viên nòng cốt tham gia các diễn đàn mạng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và truyền tải thông điệp tích cực đến đông đảo hội viên, nông dân; phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ báo cáo viên; định kỳ tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận; da dạng hóa và nâng cao tính hấp dẫn, thuyết phục trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị gắn với các hoạt động thiết thực của tổ chức Hội.
Hai là: Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là cấp cơ sở, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao chất lượng hội viên, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hội viên; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức sinh hoạt ở cơ sở.
Nâng cao tính chủ động, sáng tạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp trong tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, phát huy vai trò là cầu nối với doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước; gắn bó mật thiết với nông dân, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, bức xúc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, hoạt động của Ủy ban kiểm tra, nhất là UBKT cấp huyện. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng, thực hiện đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, công bằng, kịp thời, đúng người, đúng thành tích; quan tâm chú trọng khen thưởng cho cán bộ cơ sở, chi, tổ Hội và hội viên nông dân tiêu biểu.
Các cấp Hội trong tỉnh chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy quan tâm công tác cán bộ, bố trí cán bộ là cấp ủy viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, am hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn bó, tâm huyết, trưởng thành từ phong trào để giữ vị trí người đứng đầu Hội Nông dân các cấp, giới thiệu tham gia các cơ quan dân cử cùng cấp; tạo điều kiện cho cán bộ Hội được trưởng thành ở các môi trường công tác đảng, chính quyền.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đánh giá cán bộ Hội các cấp; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền quan tâm có cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ cơ sở Hội, chi Hội phù hợp với điều kiện của địa phương; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho các cấp Hội đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong các hoạt động chuyển đổi số, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ. Tập trung phát triển mạnh chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ của nông dân. Đa dạng hóa hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Ba là: Phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tuyên truyền, vận động nông dân tham gia hưởng ứng và tăng số lượng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng,vật nuôi phù hợp; chuyển những diện tích sản xuất hiệu quả thấp, sang hiệu quả kinh tế cao hơn; sản xuất theo quy hoạch của địa phương; khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế; thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, sang sản xuất hàng hóa; tập trung, chuyên canh, quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số; liên kết quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý... giúp nông dân yên tâm hơn trong đầu tư mở rộng sản xuất.
Mạnh dạn đảm nhận những công trình, phần việc phù hợp, thiết thực, hiệu quả ở nông thôn; nhân rộng các tuyến đường "Nông dân tự quản"; thực hiện tốt mô hình "Nông dân phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn"; tham gia thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển kinh tế miền núi; huy động các nguồn lực, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững ở các huyện miền núi cao.
Hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát triển chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; tăng cường liên kết với các công ty, doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm; thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; duy trì và phát triển các làng nghề, ngành, nghề nông thôn gắn với du lịch cộng đồng, sinh thái; nhân rộng các mô hình về liên kết chuỗi sản xuất; tập trung đất đai, xây dựng cánh đồng lớn; mở rộng các mô hình kinh tế tập thể; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Bốn là: Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng "Cửa hàng nông sản sạch", trung tâm OCOP; hỗ trợ, tăng cường kết nối trực tuyến trên Internet, chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng; phát triển thương mại điện tử, tư vấn, hỗ trợ kết nối thị trường; tổ chức các hội chợ, phiên chợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản; bảo hộ thương hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức tốt các hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp cho nông dân; tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân.
Nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân thông qua việc nâng cao chất lượng hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, phát huy hiệu quả chương trình phối hợp với các Ngân hàng trong công tác tạo nguồn vốn vay cho hội viên, nông dân đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân, vận động nông dân hưởng ứng chủ trương giải phóng, bàn giao mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án; tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xây dựng đội ngũ hòa giải viên cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đông người; củng cố, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên ở cơ sở.
Tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh cho hội viên, nông dân; hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn; sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; kết hợp giữa khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại với truyền thống, kinh nghiệm của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp.
Năm là: Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức và liên kết, hợp tác với các giai tầng khác.
Các cấp Hội trong tỉnh cần thực hiện tốt vai trò đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng các văn kiện, nghị quyết của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; chủ động tham gia đối với các nội dung quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chức năng, nhiệm vụ của Hội.
Đổi mới việc tập hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nông dân theo hướng đi sâu, đi sát, khơi dậy ý thức làm chủ của hội viên, nông dân; tổ chức Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần tổ chức hiệu quả các cuộc đối thoại trực tiếp, các hình thức diễn đàn, tiếp xúc có tổ chức để lắng nghe ý kiến của hội viên, nông dân; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, nhất là các nội dung liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.