Vượt qua quá khứ lầm lỡ, vợ chồng nông dân Quảng Nam làm giàu với chăn nuôi tổng hợp
Vượt qua quá khứ lầm lỡ, vợ chồng nông dân Quảng Nam làm giàu với trang trại chăn nuôi tổng hợp
Trần Hậu - Tuyết Nhung
Chủ nhật, ngày 23/04/2023 08:00 AM (GMT+7)
Con đường dẫn vào trang trại của anh Nguyễn Duy Hải (42 tuổi, trú thôn Tân Thuận, xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) đầy sỏi đá, gập ghềnh như chính đoạn đường đời anh từng trải qua.
Một thời lầm lỡ ở chốn tù tội, nay anh đã trở thành tấm gương vượt khó, vươn lên làm giàu chân chính, góp sức mình dựng xây quê hương.
Nỗ lực làm lại cuộc đời
Dáng người khoẻ mạnh, làn da cháy nắng và nụ cười hiền hậu của anh Hải khiến chúng tôi không tin rằng anh là một người từng dính đến "cái chết trắng". Dẫu biết rằng, hành trình quay về nẻo thiện là chuỗi ngày khó khăn, vất vả nhưng anh luôn nỗ lực phấn đấu, giữ ý chí vươn lên mạnh mẽ để làm lại cuộc đời tươi sáng hơn.
Sinh ra trong gia đình có đông con, vì hoàn cảnh nên học hết lớp 6 thì anh Hải thôi học và làm đủ việc để có tiền phụ giúp gia đình. Năm 2001, như bao thanh niên khác, anh lập gia đình và cùng vợ là chị Trần Thị Hồng (45 tuổi) vào bãi vàng ở huyện Phước Sơn để mưu sinh nơi bến đò.
Năm 2004, trước những cám dỗ nơi bãi vàng, vợ chồng anh sa chân vào vòng lao lý vì tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Trả giá cho hành động lầm lỡ đó, anh Hải bị toà tuyên án 6 năm tù giam, chị Hồng 4 năm tù. Khi đó, con trai đầu lòng của anh chưa được 2 tuổi.
Kể về quá khứ, anh Hải tâm sự: "Năm 2010, tôi về quê với hai bàn tay trắng, gia đình nghèo khó, cuộc sống chạy cơm từng ngày. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng mình ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó, cố gắng lấy lại uy tín và niềm tin của mọi người để làm lại từ đầu.
Tôi làm "thợ đụng" để kiếm sống, việc gì cũng làm, không ngại khó, miễn là công việc chân chính. Để kinh tế ổn định hơn, vợ chồng tôi vào rẫy của gia đình để phát quang cây cối, dựng trại, dùng sức người cải tạo đất, nuôi gia súc, gia cầm và trồng rau màu".
Nhờ sự chăm chỉ và chịu thương chịu khó mà vợ chồng anh sớm gặt hái được những thành quả nhỏ. Nhìn lại gia cảnh còn nhiều khốn khó, thiếu trước hụt sau, vợ chồng anh lại càng nỗ lực hơn để vượt qua khó khăn.
Năm 2014, được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Hải vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hiệp Đức, cùng với số vốn tích góp, vợ chồng anh mở rộng diện tích đất canh tác, đầu tư thành trang trại chăn nuôi và trồng trọt theo mô hình vườn - ao - chuồng rộng hơn 5ha.
Từ hai bàn tay trắng, anh Hải đã "biến" vùng rừng núi khô cằn trơ sỏi đá, thành một trang trại quy mô lớn. Ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ ngày nào nay đã được anh xây dựng mới khang trang. Đó là sự cố gắng không ngừng nghỉ của vợ chồng anh Hải trên con đường hoàn lương.
Vượt khó làm giàu
Anh Hải cho hay, ở miền quê "chó ăn đá, gà ăn sỏi" này thì anh làm thuê, chăn nuôi, trồng trọt đắp đổi qua ngày. Khi có điều kiện để đầu tư mở rộng quy mô, anh phát triển sản xuất theo mô hình vườn – ao – chuồng, trồng rừng, lấy ngắn nuôi dài giúp duy trì ổn định nguồn kinh tế gia đình.
Mỗi năm, trang trại của anh xuất bán 600 con heo thịt, được công ty bao tiêu con giống và đầu ra nên không lo về giá cả, thị trường. Khoảng 4 tháng sẽ xuất bán một lứa gà thương phẩm 1.500 con, sau khi xử lý vệ sinh chuồng trại sẽ tiếp tục tái đàn. Đồng thời, anh nuôi 300 con gà đẻ trứng, kiếm thêm thu nhập nhờ bán trứng vịt, trứng ngỗng.
Chị Hồng (vợ anh Hải) chia sẻ: "Ngày trước, muốn vào trang trại phải băng qua một con suối và đoạn đường đất sỏi đá, vào mùa mưa bão thì đi lại bất lợi lắm. Nhưng vốn đã quen với khó khăn, gập ghềnh, nên tôi không xem đó là trở ngại, mà coi đó là thử thách nhỏ để kiên trì hơn mỗi ngày.
Vợ chồng tôi đào 3 ao nuôi cá rô phi, diêu hồng, cá chim, cá trắm cỏ…. Xuất bán 4-5 tấn cá mỗi năm. Trên bờ thì nuôi gà, vịt, heo, bò, trồng 4 sào rau, hơn 3ha rừng keo, cây ăn quả các loại. Tích góp dần dần, vợ chồng tôi cũng đã xây được ngôi nhà mới khang trang như mơ ước".
Xung quanh trang trại, anh Hải trồng nhiều diện tích cỏ để làm thức ăn nuôi bò, có thời điểm số lượng đàn lên đến 20 con.
Anh Hải cho hay, cứ 45 ngày là anh bán một lứa vịt 500 con. Cứ thế, mỗi năm anh xuất bán hơn 3.000 con vịt thương phẩm. Đợt mưa lớn bất ngờ năm 2022 khiến 2 ao cá của trang trại bị sạt lở, thiệt hại hơn 2 tấn cá. Thiên tai, dịch bệnh làm chuồng trại bị hư hại, số lượng đàn gia súc, gia cầm cũng hao hụt một phần.
Không nản lòng, vợ chồng anh lại nỗ lực vượt lên khó khăn, chủ động tìm hiểu kiến thức và tham gia các lớp tập huấn của địa phương. Những sản phẩm của trang trại anh Hải, chị Hồng được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn huyện, xuất bán đi các tỉnh thành lân cận.
Không dừng lại ở đó, năm 2019, anh Hải mở cửa hàng kinh doanh, cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Hiệp Đức. Đầu tư 150 triệu đồng để mua một chiếc xe tải cũ phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá của gia đình. Năm 2022, vợ chồng anh lại tiếp tục thử sức ở lĩnh vực buôn bán rau, củ, quả.
"Cứ 11 giờ đêm là vợ chồng tôi lại lái xe tải ra chợ Đầu mối Hoà Cường (TP.Đà Nẵng) hoặc chợ Nam Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) để thu mua rau, củ, quả từ bạn hàng. 5 giờ sáng là lúc tôi về lại nhà và bỏ hàng cho các tiểu thương trên địa bàn huyện Hiệp Đức.
Vợ tôi cũng mở một quầy bán hàng tại chợ. Tuy đi xa, nhưng tôi không nghỉ một ngày nào, vì đã quen mối bạn hàng nên phải lấy hàng đều đặn, có thế mới làm ăn lâu dài được", anh Hải bộc bạch.
Với mô hình kinh tế tổng hợp cho hiệu quả cao, sau khi trừ mọi chi phí, vợ chồng anh Hải thu lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, cuộc sống gia đình dần khấm khá, vợ chồng anh đã vượt qua nỗi mặc cảm về quá khứ lầm lỡ, vươn lên làm giàu chính đáng, mảnh đất khô cằn nay đã xanh màu, đầy sức sống đã tiếp thêm sức mạnh cho vợ chồng anh trên con đường làm lại cuộc đời.
Trang trại của anh Hải là điểm đến hữu ích được mọi người tìm đến tham quan, học tập và giao lưu kinh nghiệm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, vợ chồng anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.