Chủ tịch Quốc hội: Cần quy định rõ phương pháp xác định giá đất trong Luật

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 09/06/2023 13:04 PM (GMT+7)
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Đất đai khó nhất là vấn đề tài chính đất đai. Và trong tài chính đất đai khó nhất là vấn đề định giá đất. Do đó, trong Luật này phải quy định về nguyên tắc xác định giá đất cũng như phương pháp xác định giá đất để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến.
Bình luận 0

"Khó nhất là vấn đề tài chính đất đai"

Sáng 9/6, góp ý tại thảo luận tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), liên quan đến vấn đề giá đất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn Nghị quyết 18 của Trung ương yêu cầu phải có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại không quy định rõ phương pháp xác định giá đất.

Chủ tịch Quốc hội: Cần quy định rõ phương pháp xác định giá đất trong Luật - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phải quy định rõ phương pháp xác định giá đất trong Luật đất đai sửa đổi. Ảnh: Quốc hội

Về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định Chính phủ quy định chi tiết việc xác định giá đất; nội dung, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất; xây dựng và áp dụng bảng giá đất, định giá đất cụ thể; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; tư vấn định giá đất.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Đất đai khó nhất là vấn đề tài chính đất đai. Và trong tài chính đất đai khó nhất là vấn đề định giá đất. Do đó, trong Luật này phải quy định về nguyên tắc xác định giá đất cũng như phương pháp xác định giá đất để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến.

"Bên cạnh trí tuệ của toàn dân, của Quốc hội, của cả xã hội chắc chắn sẽ đóng góp tốt hơn cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội dẫn nghị quyết về việc cho TP.HCM áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù, một trong những điểm quan trọng nhất là Thành phố kiên trì đề xuất vẫn thí điểm phương pháp hệ số K (hệ số dùng để tính giá đất cụ thể trên cơ sở giá đất phổ biến trên thị trường, điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương và bảng giá đất - PV), bởi phương pháp này minh bạch và dễ làm. Với hệ số K sẽ giải quyết được vấn đề giá đất ở khu vực giáp ranh trong cùng một tỉnh, nhất giữa hai tỉnh với nhau, khi một bên là đô thị đặc biệt, một bên tỉnh thường", Chủ tịch Quốc hội nêu.

"Nếu không quy định rõ phương pháp xác định giá đất trong Luật thì làm sao Quốc hội an tâm để thông qua dự án Luật này. Quan điểm của chúng tôi là Chính phủ trình vấn đề này ra, đưa vào một chương hay một vài điều trong Luật, trong đó quy định về nguyên tắc, quy định về phương pháp xác định giá đất", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cần công cụ, phương thức nhất quán để tính giá đất

Cũng liên quan đến vấn đề giá đất, cùng quan điểm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cũng nhấn mạnh trong Luật phải đưa ra công cụ, phương thức nhất quán để tính giá.

Theo ông Vân, có một mối liên hệ giữa khảo sát đánh giá các khu vực có giá đất phức tạp với bảng giá đất. Trong trường hợp có giá vượt trội hơn thì xử lý thế nào thì trong Luật chưa có lời giải cho vấn đề này.

"Ví dụ tại một địa điểm khảo sát, đánh giá có giá trị đất cao hơn trong bảng giá đất thì phương án xử lý thế nào? Tôi nghĩ rằng cần phải có một công cụ, phương pháp cụ thể", ông Vân cho biết

Theo quan điểm của đại biểu Lê Thanh Vân, ở một địa điểm không xác định được giá đất tại sao không lấy giá bình quân trong 5 năm gần nhất để chia bình quân. Nếu những vùng không quá quan hệ tương tác về mặt thương mại giao dịch như vùng sâu vùng xa thì chúng ta có thể lấy giá trị sản xuất hàng hóa (như trồng ngô, trồng lúa..) 5 năm gần nhất cộng lại chia ra. Bên cạnh đó tính toán thêm các yếu tố giao thông, thổ nhưỡng…

Về quy định tự thỏa thuận, nhà đầu tư tự ý gặp gỡ người dân để thực hiện các dự án, theo Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) hiện còn vấn đề vướng mắc. Có trường hợp người dân không biết thì chủ đầu tư áp giá rất thấp, người dân rất thiệt.

"Có dự án thì người dân không đồng thuận, cứ so sánh giá đất với tỉnh này, tỉnh kia và đòi giá bồi thường trên trời, ví dụ tính theo giá nhà nước vào thời điểm đền bù đáng lẽ được 8-900 triệu đồng thôi nhưng họ đòi 3 tỷ đồng.

Chủ đầu tư thỏa thuận với người dân mãi không được nên kéo dài thời gian thực hiện dự án, có dự án thủy điện 200-300 tỷ đồng, nhưng chỉ mắc một hộ dân thôi, họ không đồng ý mức bồi thường đấy, không nhất trí các phương án mà không làm sao được, kết quả dự án bị kéo dài đến 2-3 năm trời, rất thiệt hại cho nhà đầu tư. Trong khi đó, tiền thì các nhà đầu tư phải đi vay ngân hàng", ông Khánh dẫn chứng.

Vị đại biểu Lai Châu đề nghị, nên quy về nguyên tắc, thời điểm thỏa thuận giá thấp nhất nên bằng giá nhà nước quy định, nếu quá thì quy định rõ mức tối đa là bao nhiêu.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Khánh, nên quy định rõ về số hộ vướng mắc, ví dụ còn 1-2 hộ chưa đồng thuận thì chủ đầu tư được đề nghị nhà nước quyết định thực hiện, tránh trường hợp rất nhiều dự án giải tỏa hỗ trợ 40-50 hộ mà chỉ 1-2 hộ không đồng ý thì không thể hoàn thành dự án được.

"Trường hợp như thế này ở một số nước, chủ đầu tư được đưa ra tòa phán quyết", ông Khánh thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem