Chủ tịch Thào Xuân Sùng chỉ ra 6 điểm trọng yếu khi hội nhập CPTPP

PV KTCT Thứ ba, ngày 02/07/2019 09:17 AM (GMT+7)
Phát biểu tại hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” ông Thào Xuân Sùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam bày tỏ nhiều kỳ vọng vào sự phát triển mới cho nông sản Việt trước những cơ hội khi gia nhập CPTPP.
Bình luận 0

img

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân phát biểu tại Hội thảo

Cho đến đầu năm nay, Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã được thực thi và các thị trường ASEAN, EU, CPTPP chiếm 34,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU là 6,15%/năm và vào thị trường CPTPP là 7,2%/năm.

Ngày 30/6/2019, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cùng với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực ngày 14/1/2019 tại Việt Nam, trở thành cơ hội vàng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn của chúng ta phát triển và mệnh lệnh thị trường tự do sẽ thôi thúc chúng ta phải thay đổi và đổi mới.

Từ đây, Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam cùng với người nông dân Việt Nam sẽ phải tập trung xây dựng hợp tác xã kiểu mới và doanh nghiệp nông nghiệp và liên kết 6 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà phân phối), ưu tiên phát triển một hệ thống ngành kinh doanh nông nghiệp hiện đại và ngành công nghiệp nông sản thực phẩm cùng với dịch vụ phân phối, kho vận được kết nối mạnh mẽ.

Chỉ có như thế, người nông dân mới có thể chuyển đổi tư duy, xây dựng tâm lý tự tin, tự chủ, tự cường, tạo ra các nông sản có giá trị kinh tế cao và chất lượng ngày càng tốt hơn.

Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương thể hiện sự chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của nước ta.

Việc nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam trong CPTPP sẽ góp phần tăng cường nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và phát triển nông thôn.

img

Ông Thào Xuân Sùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

Hội thảo để giúp cán bộ, hội viên nông dân tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nông dân nắm bắt thông tin và biết tham gia vào các chuỗi giá trị hàng nông sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực để cứu đói, chống đói, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực có thứ hạng cao về số lượng trên thị trường thế giới.

Có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và đang dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại tự do.

Tại thị trường trong nước, mức tiêu thụ các mặt hàng nông sản cũng ngày càng tăng theo mức thu nhập của người dân và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietHAP, GlobalGAP…Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả tích cực, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chuyên canh, áp dụng công nghệ cao hướng đến tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Tuy đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào như vừa nêu, nhưng chất lượng sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém.

Nhận định này dễ chứng minh qua việc tỷ lệ xuất khẩu nông sản thô còn cao; không ít ngành hàng nông sản có chất lượng và số lượng các chuỗi giá trị nông sản còn thấp; cách thức tổ chức sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị còn sơ sài, liên thông giữa thị trường trong nước và thị trường thế giới còn gặp nhiều rào cản…

Thêm vào đó là sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn chịu rủi ro lớn từ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…Thực tế đó đang cản trở sự gia tăng về số lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới, nhất là các thị trường lớn, yêu cầu chất lượng cao.

Dưới tác động của các Hiệp định Thương mại Tự do, thị trường nông sản trong nước cũng đang dần gia tăng áp lực cạnh tranh. Đó là sự hiện diện và gia tăng số lượng hàng hóa nông sản nhập khẩu từ nước ngoài. Trong số nhiều mặt hàng nông sản đó Việt Nam vẫn sản xuất được, thậm chí sản xuất với số lượng, chất lượng tốt nhưng khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu về giá thành và uy tín thương hiệu.

Việc CPTPP đi vào thực hiện với 11 thành viên sẽ tiếp tục tác động sâu sắc hơn nữa đến sản xuất nông nghiệp, đến nông dân bởi đây là Hiệp định Thương mại Tự do lớn thứ 3 trên thế giới.

CPTPP được ghi nhận là Hiệp định có tiêu chuẩn cao, toàn diện và cân bằng, nên Việt Nam sẽ được nhiều hơn mất và chắc chắn cán bộ, công chức, viên chức nói chung, cán bộ Hội nông dân nói riêng và đồng bào nông dân sẽ được nâng cao trình độ canh tác nông nghiệp, hàng hóa đạt chuẩn quốc tế vì bạn bè và vì chính mình.

Vì vậy, chúng ta phải nhận thức được thuận lợi, cơ hội, cũng như khó khăn, thách thức, nhất là lĩnh thương mại nông sản khi Việt Nam ngày càng đi sâu vào CPTPP và EVFTA để vượt qua khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi to lớn và có lợi cho người nông dân theo quan điểm vì nông dân và nông dân làm chủ.

6 vấn đề trọng yếu

Tại Hội thảo này, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Trưởng Bộ Công Thương mong muốn các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp, các đại biểu nông dân và Hội Nông dân sẽ tập trung thảo luận, đối thoại, trao đổi một số vấn đề cơ bản:

Thứ nhất, nhận diện về tình trạng sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay của Việt Nam, bao gồm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; xuất khẩu thô và chế biến. Xu hướng và triển vọng của tiêu thụ nông sản của Việt Nam trong CPTPP sẽ diễn biến như thế nào?

img

Gia nhập CPTPP là cơ hội vàng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Việt Nam phát triển, mệnh lệnh thị trường tự do sẽ thôi thúc phải thay đổi và đổi mới.

Thứ hai, cơ hội, thời cơ, thách thức, khó khăn như thế nào khi CPTPP tác động đến sản xuất, tiêu thụ nông sản của Việt Nam? Kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới đối với tiêu thụ nông sản cho nông dân và vận dụng vào Việt Nam? Cách gì để nông sản Việt Nam phát huy tối đa lợi thế và hạn chế tối đa bất lợi?

Thứ ba, những giải pháp giúp lao động nông nghiệp và người nông dân tận dụng được lợi thế, cơ hội của CPTPP, vượt qua thách thức, khó khăn mà CPTPP tác động tới. Cần quan tâm thực hiện là gì?

Thứ tư, tình hình xây dựng, vận hành các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay ra sao, ở mức độ nào, có cần điều chỉnh về cơ cấu sản xuất, ngành hàng và cần làm gì để các chuỗi giá trị nông sản thích ứng với các tiêu chuẩn cao của CPTPP?

Thứ năm, vị trí, vai trò và nhiệm vụ của người nông dân và Hội nông dân Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thích ứng với môi trường CPTPP nên thể hiện như thế nào?

Thứ sáu, Chính phủ, các bộ, ngành, Hội Nông dân Việt Nam và các địa phương cần làm gì, hỗ trợ, định hướng, đào tạo như thế nào để nông dân chủ động nắm bắt những cơ hội, đồng thời vượt qua những rủi ro, thách thức trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với CPTPP?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem