Nuôi gà đẻ trứng, hộ nghèo ở Pá Lau không còn lo giáp hạt nữa
Chưa bao giờ có nhiều gà như vậy, hộ nghèo ở Pá Lau không còn lo giáp hạt nữa
Hoàng Hữu
Thứ sáu, ngày 11/12/2020 05:40 AM (GMT+7)
Tham gia dự án xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi gà đẻ trứng, 42 hộ nghèo thuộc thôn Pá Lau, xã Pá Lau (Trạm Tấu, Yên Bái) được nhận mỗi hộ 70 con gà ri lai và trên 3 tạ thức ăn hỗn hợp. Sau gần nửa năm, đàn gà lớn nhanh, khỏe đẹp, tỷ lệ sống cao nên bà con đều rất vui mừng.
Pá Lau là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái nên thường xuyên được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Toàn xã có 299 hộ với 1.657 khẩu, 97% là đồng bào Mông, có đời sống kinh tế khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 58,19%, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 13,71%.
Chưa bao giờ có nhiều gà như vậy
Tháng 7/2020, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) chủ trì với các đơn vị có liên quan đã triển khai dự án xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi gà đẻ trứng gắn với chương trình "Không còn nạn đói" tại thôn Pá Lau, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Tổng kinh phí thực hiện dự án là trên 592 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 400 triệu đồng, người dân đối ứng là trên 192 triệu đồng.
Theo tính toán của dự án, sau 2 tháng nuôi gà mái sẽ đẻ từ 15-20 quả trứng/tháng/con đem lại nguồn thực phẩm quan trọng hàng ngày cho hộ gia đình đặc biệt là trẻ em. Ngoài nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho gia đình, mỗi hộ nghèo có thể thu về từ 1-2 triệu đồng tiền bán trứng gà hàng tháng.
Theo đó, đã có 42 hộ dân tham gia dự án xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi gà đẻ trứng gắn với chương trình "Không còn nạn đói". Mỗi hộ được nhận 70 con gà lai ri và trên 3 tạ thức ăn hỗn hợp đảm bảo để nuôi gà đến khi trưởng thành.
Gia đình chị Thào Thị Dinh (thôn Pá Lau, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) là 1 trong 42 hộ tham gia dự án. Là hộ nghèo trong thôn, chưa bao giờ có được đàn gà nhiều như vậy, lại được cấp thức ăn để nuôi gà nên chị Thào Thị Dinh phấn khởi lắm.
"Mình rất vui vì giống gà này dễ nuôi, dễ chăm sóc. Hơn nữa, trong quá trình nhận gà về nuôi, mình đã được cán bộ khuyến nông đến tận nhà hướng dẫn cách chăm sóc nên đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay con to nhất đã được trên 1kg" - chị Thào Thị Dinh nói.
Gia đình bà Thào Thị Ly (thôn Pá Lau, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) cũng là hộ gia đình nằm trong 42 hộ được hỗ trợ gà đẻ trứng từ dự án. Mặc dù không phải là giống gà địa phương, nhưng đàn gà vẫn thích ứng nhanh với điều kiện thời tiết và tập quán chăn nuôi của gia đình nên đàn gà lớn nhanh, tỷ lệ sống gần như tuyệt đối, khiến bà rất phấn khởi.
Với bà Ly, đàn gà này không chỉ mở ra cơ hội tăng thu nhập cho gia đình mà còn giúp 2 đứa cháu của bà có thêm nguồn dinh dưỡng để cải thiện thể trạng suy dinh dưỡng như hiện nay.
"Lúc mới nhận gà, mình cứ lo không biết có nuôi được không, nhưng giờ thì thấy rất dễ chăm sóc, gà lớn nhanh, con khỏe đẹp. Cứ đà này chả mấy mà gà đẻ trứng. Mình và gia đình sẽ chăm sóc thật cẩn thận để chúng phát triển tốt, vừa có trứng bán vừa có trứng cho 2 đứa cháu ăn. Mình được tuyên truyền là trứng gà rất tốt cho sức khỏe, nhất là trẻ con" - bà Thào Thị Ly chia sẻ.
Vừa tăng thu nhập, vừa có trứng ăn
Ông Phạm Văn Lâm - cán bộ khuyến nông phụ trách xã Pá Lau cho biết, xã Pá Lau có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em chiếm tỷ lệ cao.
Do vậy, việc triển khai thực hiện dự án xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi gà đẻ trứng gắn với chương trình "Không còn nạn đói" tại tỉnh Yên Bái sẽ mở ra cho Pá Lau cơ hội để bà con tăng thu nhập, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, giúp giảm tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn xã Pá Lau.
"Sau khi nhận được dự án xóa nạn đói của Bộ NNPTNT, chúng tôi cũng đã đi xuống từng hộ dân, phổ biến kỹ thuật cho từng hộ. Các hộ cũng áp dụng đúng theo quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chăm sóc đàn gà rất tốt. Ở thời điểm hiện tại, gà đã được hơn 1kg, đã biết đi kiếm thức ăn ngoài tự nhiên, không còn phụ thuộc vào cám công nghiệp, tỷ lệ gà sống đạt trên 95%" - ông Phạm Văn Lâm cho biết.
Ông Hờ A Vàng - Chủ tịch UBND xã Pá Lau (huyện Trạm Tấu, Tỉnh Yên Bái) cho biết: "Đối với dự án không còn nạn đói về với xã Pá Lau, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi có thể đánh giá mô hình đã hiệu quả, hiện tại mô hình đang phát triển rất tốt. Chúng tôi cũng mong muốn rằng trong thời gian tới, khi đánh giá lại mô hình mà đạt kết quả cao, chúng tôi sẽ nhân rộng ra các thôn bản khác trong xã để tạo thu nhập cho bà con nhân dân".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.