Chưa có bằng chứng 2 anh em ở Sóc Sơn tử vong do Whitmore là lây nhau

Diệu Linh Thứ hai, ngày 18/11/2019 17:40 PM (GMT+7)
Về 2 trường hợp 2 trẻ trong cùng một gia đình tại Sóc Sơn tử vong liên tiếp do vi khuẩn Whitmore, TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TP.Hà Nội cho biết, việc 2 trẻ cùng bị bệnh và tử vong trong thời gian ngắn là điều đáng phải lưu ý.
Bình luận 0

Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân và triển khai các nhiệm vụ y tế trọng tâm cuối năm 2019 do Bộ Y tế tổ chức chiều 18/11, TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TP.Hà Nội đã có chia sẻ về 2 ca bệnh Whitmore trong cùng gia đình và cùng tử vong trong vòng 2 tuần tại Bắc Sơn (Sóc Sơn). 

"Việc hai cháu bị bệnh cách nhau thời gian ngắn, cùng địa điểm là điều đáng quan tâm. Tuy nhiên, chưa đủ bằng chứng 2 cháu mắc bệnh là do lây nhau", TS Nguyễn Nhật Cảm chia sẻ.

img

TS Nguyễn Nhật Cảm.

Theo ông Cảm, hiện nay, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội đang phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các viện, cục để tiến hành điều tra kỹ lưỡng các yếu tố dịch tễ cũng như nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn, theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh để có khuyến cáo kịp thời cho người dân. Hiện, điều tra dịch tễ ban đầu chưa phát hiện điều gì khác thường. Những thành viên khác còn lại trong gia đình đều khỏe mạnh.

“Người dân không quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch và số mắc ít. Đặc biệt, những người đang có bệnh lý có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Hiện, đang triển khai biện pháp chủ động phòng chống”, TS Cảm khuyến cáo.

Theo ông Cảm, bệnh whitmore là bệnh do loại vi khuẩn tồn tại trong đất, xâm nhập qua vết thương do tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Biện pháp cơ bản là vệ sinh cá nhân sử dụng trang thiết bị bảo hộ khi tiếp cận nguồn ô nhiễm, khi có biểu hiện bệnh, cần tới cơ sở y tế để khám, điều trị.

“Người dân không quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch và số mắc ít. Đặc biệt, những người đang có bệnh lý mãn tính có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Người dân nên chủ động phòng tránh như vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi. Khi tiếp xúc với đất, cần dùng trang bị bảo hộ. Khi có biểu hiện bệnh sốt cao thì cần đến cơ sở y tế”, TS Cảm cho biết.  

img

Hình ảnh vi khuẩn Whitmore.

Trưa 18/11, Bệnh viện Nhi T.Ư xác nhận, bệnh nhi T.Q.H (SN 2018, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội) tử vong ngày 16/11 do bị nhiễm vi khuẩn Whitmore. Đáng nói, ngày 31/1, anh trai bé H là bé T.C.V (SN 2014) cũng đã tử vong do bệnh này. Còn vào tháng 4, chị gái hai bé (SN 2012) cũng đã tử vong do nhiễm khuẩn đường ruột, cùng các triệu chứng mắc bệnh do vi khuẩn Whitmore.

Cụ thể, bệnh nhi là T.Q.H (SN 2018, trú tại thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có biểu hiện sốt 38,5 độ. Đến 9h ngày 11/11, gia đình đưa trẻ đến Trung tâm y tế xã Bắc Sơn rồi được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn (lúc 11h cùng ngày). Sau đó, gia đình tiếp tục chuyển bé đến Bệnh viện Nhi T.Ư. Đáng tiếc, sau 5 ngày điều trị, bé đã tử vong hôm 16/11. Xét nghiệm cho thấy, trẻ nhiễm vi khuẩn Whitmore.

Trước đó, Trung tâm Y tế Sóc Sơn (Hà Nội) cũng đã có báo cáo điều tra về 3 ca bệnh Whimore tại gia đình này. Một bệnh nhi là T.C.V (SN 2014) đã tử vong vào ngày 31/1 tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Theo lời kể của ông nội bệnh nhân, trước ngày nhập viện (26/10), cháu V bị sốt 38,5 độ C, kèm đau bụng. Gia đình để cháu ở nhà, không điều trị gì. Tuy nhiên, đến 5h ngày 27/10, khi con bị nặng hơn, gia đình đưa cháu bé đi Bệnh viện Nhi T.Ư để điều trị. Đến ngày 31/10, cháu V tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết.

Bệnh nhân được lấy máu xét nghiệm, kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei (còn gọi là vi khuẩn Whitmore). Tiền sử bệnh nhi cho thấy cháu khỏe mạnh, không mắc các loại bệnh mãn tính.

Còn tháng 4, chị gái của bé V và H là T. Q.T (SN 2012) cũng đã tử vong do nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột. Ông nội cho biết, cháu T bị sốt ngày 6/4, gia đình tự mua thuốc điều trị. Nhưng đến chiều 8/4, cháu không đỡ nên đưa đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn điều trị, tuy nhiên vẫn không đỡ. 2h sáng 9/4, cháu bé được chuyển đến Khoa Cấu cứu Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, nhưng đến 7h sáng cùng ngày, cháu T đã tử vong, chẩn đoán bị nhiễm khuẩn huyết hoạt tử đường ruột.

TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết thêm, trong suốt 30 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên bản thân ông gặp 2 ca bệnh Whitmore liên tiếp trong cùng một gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem