Chùm ảnh: Cào ngao thuê, chị em miền biển Nghệ An kiếm nửa triệu đồng/ngày

Hương Ánh Thứ hai, ngày 06/07/2020 13:08 PM (GMT+7)
Sau khi thủy triều xuống, người dân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An) lại mang theo đồ nghề ra biển cào ngao.
Bình luận 0

Ngoài nghề khai thác hải sản xa bờ, một số dân làng biển Quỳnh Lưu còn có một nghề "hái tiền" khác, đó là nghề cào ngao. Quỳnh Long là một trong những địa phương có diện tích nuôi ngao lớn nhất Quỳnh Lưu.

Ông Hồ Nam (chủ một bãi ngao xã Quỳnh Long) chia sẻ: "Năm nay, sản lượng ngao không cao bằng các năm trước do nguồn nước bị ô nhiễm khiến ngao chết nhiều. Tiền vốn đổ ra nhiều nhưng tiền lãi thu vào không được là mấy."

Chùm ảnh: Cào ngao thuê, chị em miền biển Nghệ An kiếm nửa triệu đồng/ngày - Ảnh 1.

Từ tờ mờ sáng, khi nước ròng rút xuống, những người cào ngao thuê lại xách theo đèn và dụng cụ ra biển.

Chùm ảnh: Cào ngao thuê, chị em miền biển Nghệ An kiếm nửa triệu đồng/ngày - Ảnh 2.

Nghề cào ngao phụ thuộc vào thời gian lên xuống của thủy triều. Khi nước ròng xuống thấp, để lộ ra bãi cát mênh mông, người cào ngao mới bắt đầu công việc của mình. "Hôm nào thủy triều lên nhanh và cao, mọi người phải lội trong nước để mò ngao", cô Nguyễn Thị Thu (Quỳnh Thuận) chia sẻ.

Chùm ảnh: Cào ngao thuê, chị em miền biển Nghệ An kiếm nửa triệu đồng/ngày - Ảnh 3.

Nghề cào ngao là một nghề có thu nhập ổn định, vào những ngày chính vụ, mỗi ngày các chị em Quỳnh Long kiếm được từ 400.000 đến 500.000 đồng/người. Nhưng hiện nay đang là cuối vụ, số lượng ngao ít nên thu nhập giảm còn 250.000 - 300.000 đồng/ngày. Theo ông Hà (Nam Định) là người trông coi bãi ngao ở đây cho biết, từ tháng 8 (âm lịch) đến tháng 2 năm sau là thời điểm chính để thu hoạch ngao thịt, các tháng còn lại, người cào ngao chỉ thu hoạch nhỏ lẻ.

Chùm ảnh: Cào ngao thuê, chị em miền biển Nghệ An kiếm nửa triệu đồng/ngày - Ảnh 4.

Sau mỗi vụ thu hoạch ngao thịt, người nuôi ngao sẽ đóng cọc, giăng lưới và làm sạch đất cát để chuẩn bị thả ngao giống. Chi phí ngao giống cho mỗi đợt thả lên đến 500 triệu đồng/1 năm. Tuy nhiên chi phí nuôi ngao chỉ ở tiền giống, trong quá trình nuôi, ngao sống trong môi trường tự nhiên và tự kiếm ăn.

Chùm ảnh: Cào ngao thuê, chị em miền biển Nghệ An kiếm nửa triệu đồng/ngày - Ảnh 5.

Trên những bãi nước nông kéo dài, bóng lưng những người phụ nữ ngồi cắm cúi cào ngao chất đầy rổ. Một tay cầm dụng cụ thoăn thoắt xới cát, một tay nhặt những con ngao lẫn trong cát bùn. Ở những bãi ngao có nhiều mảnh vỡ của những con ngao đã chết, người cào ngao còn chuẩn bị thêm găng tay vải và ủng để tránh trầy xước.

Chùm ảnh: Cào ngao thuê, chị em miền biển Nghệ An kiếm nửa triệu đồng/ngày - Ảnh 6.

Tiền công được phân theo các bãi ngao. Những bãi cuối vụ có nhiều mảnh vỏ của ngao ốc, khó cào thì giá sẽ cao hơn những nơi có đất cát mềm. Vì có thu nhập ổn định, nhiều người dân ven biển Quỳnh Long đều bám nghề từ rất nhiều năm trước.

Chùm ảnh: Cào ngao thuê, chị em miền biển Nghệ An kiếm nửa triệu đồng/ngày - Ảnh 7.

Có hai hình thức thu hoạch ngao chính là cách theo truyền thống hoặc sử dụng máy công nghiệp. Đối với những vụ chính, người dân sử dụng máy cào để thu hoạch ngao nhanh và hiệu quả hơn. Máy xới cả đất cát lẫn ngao, sau đó đem lọc bỏ cát và vỏ để thu hoạch ngao sạch.


Chùm ảnh: Cào ngao thuê, chị em miền biển Nghệ An kiếm nửa triệu đồng/ngày - Ảnh 8.

Vào cuối vụ, trên các bãi ngao đa phần chỉ còn lại vỏ ngao ốc, người cào ngao gặp khó khăn hơn trong việc xới đất và tìm kiếm ngao. Tuy nhiên tiền công cho người cào thuê sẽ cao hơn đầu vụ.

Chùm ảnh: Cào ngao thuê, chị em miền biển Nghệ An kiếm nửa triệu đồng/ngày - Ảnh 9.

Khoảng 10 giờ trưa, thủy triều bắt đầu lên, một số người cào ngao bắt đầu ra về. Sau một buổi làm việc, số ngao cạo được sẽ đem đi cân, tính tiền và được chủ cộng dồn để nhận tiền công vào cuối tháng. Trung bình, mỗi người thu hoạch được 20 - 25kg/1 ngày ngao và được chủ bãi trả công theo số cân ngao đã cào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem