Chung cư 440 Trần Hưng Đạo xuống cấp: Người dân được đền bù
Chung cư 440 Trần Hưng Đạo xuống cấp: Người dân được đền bù, thưởng tiền để di dời nhưng không ai chịu đi vì sao?
Chinh Hoàng
Thứ hai, ngày 09/01/2023 15:37 PM (GMT+7)
Mặc dù chính quyền đã chuẩn bị chỗ ở mới, thưởng thêm 50 triệu đồng, nhưng 20 hộ dân còn lại sống ở chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5) chưa chịu chuyển đi, do “mức đền bù chưa thỏa đáng”.
Nhiều năm qua chính quyền TP.HCM đã có những phương án di dời khẩn cấp những hộ dân đang sống tại chung cư số 440 đường Trần Hưng Đạo quận 5 (TP.HCM), do chung cư này đã xuống cấp trầm trọng, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu lơ là cảnh giác.
Theo phương án của UBND quận 5, người dân sẽ được đưa sang ở tạm tại các căn hộ rộng hơn 80m2 ở cao ốc An Phú (quận 6) mà không phải trả tiền thuê nhà ít nhất hai năm.
Nếu người dân chuyển sớm sẽ được thưởng 50 triệu đồng, hỗ trợ toàn bộ chi phí chuyển nhà. Chính quyền tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, vận động nhưng gặp phản ứng của các hộ dân. Nhiều năm qua, việc di dời không thành.
Bà Hà Thị Bảy có hơn 40 năm sống trong căn hộ tầng 3 của chung cư 440 Trần Hưng Đạo. Căn phòng khoảng 20 m2 có một gác nhỏ không chỉ là chỗ tá túc của 5 người mà còn là nơi may gia công túi xách của một số thành viên trong gia đình. Nền, trần, vách nhà đều là nơi chứa đồ, không có lối đi.
"5 năm qua chính quyền cứ à ơi mức giá đền bù sau khi chúng tôi nhận thông báo phải chuyển khỏi chung cư này. Đến thời điểm hiện tại chỗ ở mới được quận giới thiệu rộng rãi hơn nhưng chỉ là tạm thời, không phải sở hữu. Nếu sau hai năm, quận vẫn chưa chốt được mức bồi thường, nhà cũ lại bị đập bỏ, gia đình tôi không còn chỗ quay về", bà Bảy nói.
Cùng hoàn cảnh bà Bảy, bà Trần Nghiêng Nhạn, sống trong căn hộ 16m2 ở chung cư từ trước năm 1975, nói không thể chuyển đi khi chưa biết được số tiền đền bù. Với thu nhập mỗi tháng chưa đến 4 triệu đồng từ thêu gia công, bà Nhạn lo lắng không đủ khả năng chi trả các khoản phí phát sinh khi sang chỗ ở mới.
Phó chủ tịch UBND quận 5 ông Nguyễn Xuân Trung chia sẻ: Pháp luật quy định với nhà ở hết niên hạn sử dụng hoặc có nguy cơ sập chính quyền phải di dời để đảm bảo tính mạng cho người dân. Thế nhưng luật lại không quy định cụ thể về việc lập phương án bồi thường dạng nhà chung cư. Việc này gây nhiều áp lực, khó khăn cho địa phương trong công tác vận động người dân chuyển đi.
Đối với chung cư 440 Trần Hưng Đạo, sau khi trừ lộ giới, diện tích sử dụng chỉ còn 170m2 là quá nhỏ nên không thu hút được nhà đầu tư. Sau dỡ bỏ, nơi đây không thể xây dựng lại chung cư. Cuối cùng, Nhà nước đứng ra, ngân sách phải chi tiền đền bù.
Mức tiền, tỷ lệ bồi thường như thế nào sẽ do thành phố quyết định. Hiện, quận đề xuất hai phương án tính giá bồi thường trình thành phố. Sau khi thống nhất sẽ cùng người dân thương lượng để có mức đền bù thỏa đáng.
"Các phương án chỉ mới dừng ở mức quận đề xuất, còn chờ thành phố duyệt. Nếu công bố sớm cho người dân nhưng sau đó lại thay đổi sẽ khó cho địa phương", ông Trung nói.
Chung cư số 440 trên đường Trần Hưng Đạo 3 tầng, rộng hơn 250m2 có hai mặt tiền đường Trần Hưng Đạo và Châu Văn Liêm, xây trước năm 1975, hiện có 20 hộ dân sinh sống. Năm 2017, Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá chung cư nguy hiểm cấp D, tức có nguy cơ sụp đổ, cần phải di dời, tháo dỡ khẩn cấp.
Tính đến hết năm 2021, thành phố có 474 chung cư cũ với 573 lô xây trước năm 1975, trong đó 14 chung cư cấp D cần tháo dỡ khẩn cấp. Ngoài chung cư 440 Trần Hưng Đạo, thành phố còn có 6 dự án gặp vướng mắc tương tự, tức không gọi được nhà đầu tư, không thể xây chung cư ở vị trí cũ, gồm: 155 - 157 Bùi Viện (quận 1), 6Bis Nguyễn Tất Thành, Trúc Giang ( quận 4), 119B Tân Hòa Đông (quận 6), 137 Lý Thường Kiệt, 149 - 151 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình).
Để tháo gỡ, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến theo hướng xử lý nhà nước sẽ tổ chức di dời, bố trí tái định cư cho người dân ở các địa điểm khác bằng nguồn vốn đầu tư công. Đồng thời khu đất của chung cư cũ sẽ được chuyển đổi quy hoạch và mục đích sử dụng đất để tổ chức đấu giá, thu hồi ngân sách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.