"Chúng tôi không còn một xu dính túi", người dân Afghanistan chia sẻ về cuộc sống dưới thời Taliban

Thứ bảy, ngày 18/09/2021 17:14 PM (GMT+7)
Tại sân bay Balkh ở Mazar-i-Sharif, miền bắc Afghanistan, các tay súng Taliban hào hứng chụp ảnh một chiếc trực thăng MI-17 do Nga sản xuất đang hạ cánh.
Bình luận 0
"Chúng tôi không còn một xu dính túi", người dân Afghanistan chia sẻ về cuộc sống dưới thời Taliban - Ảnh 1.

Các chiến binh Taliban tạo dáng trước những máy bay trực thăng của quân đội cũ tại sân bay Balkh. Ảnh: BBC

Trên khoang là các quan chức cấp cao của Taliban. Ngồi trong buồng lái là kẻ thù cũ của họ, những phi công từ lực lượng không quân Afghanistan cũ.

Maulvi Abdullah Mansour, chỉ huy Taliban phụ trách sân bay, chỉ cho tôi xem phi đội mà ông ta đang quản lý.

Dưới thời chính phủ cũ, máy bay thường được sử dụng để xác định mục tiêu. Không rõ chúng sẽ được sử dụng như thế nào khi chiến tranh kết thúc. "Nếu chúng ta cần máy bay trong tương lai, chúng sẽ nằm ở đây", Mansour nói.

Khi Taliban giành chiến thắng hồi tháng 8, hàng chục phi công đã chạy trốn khỏi đất nước, mang theo máy bay của họ. Những người ở lại hiện làm việc dưới sự lãnh đạo của Taliban, đổi lấy sự bảo đảm về một lệnh ân xá.

Tôi hỏi Maulvi Mansour cảm giác như thế nào khi bây giờ lại làm việc bên cạnh những người đàn ông mà anh đã từng chiến đấu chống lại. Mansour nói: "Chiến tranh đã kết thúc, chúng tôi sẽ ngồi lại và làm việc cùng nhau, họ là đồng hương của chúng tôi". Ngồi cạnh anh là Gul Rahman, một phi công trực thăng. Rahman tỏ ra thận trọng trong các câu trả lời của mình, anh khẳng định khi rằng nghe tin Taliban ân xá, anh không hề sợ khi phải quay lại làm việc.

"Không thể tránh khỏi việc một ngày nào đó điều này sẽ xảy ra," anh nói, "Việc chính trị là dành cho các chính trị gia, chúng tôi không thể thay đổi điều gì cả".

"Chúng tôi không còn một xu dính túi", người dân Afghanistan chia sẻ về cuộc sống dưới thời Taliban - Ảnh 2.

Một cô bé ở chợ đồ cũ ở Mazar-i-Sharif, Afghanistan. Nhiều người Afghanistan buộc phải bán đồ đạc của họ để kiếm sống. Ảnh: BBC

Bầu không khí tại nhà chứa máy bay khá thân thiện, tuy nhiên, ở những nơi khác, quá trình chuyển đổi từ chế độ cũ sang chế độ mới diễn ra kém suôn sẻ hơn. Đất nước đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế, với nguồn dự trữ ngoại hối bị đóng băng khi cộng đồng quốc tế quyết định không giúp đỡ Taliban. Những chợ đồ cũ mọc lên ở các thành phố trên khắp đất nước, nhiều người Afghanistan tuyệt vọng cố gắng bán hết tài sản của họ chỉ để có đủ tiền ăn.

Một người phụ nữ tên Shagufta, đang ngồi bên vệ đường, xé toạc đống quần áo mà cô ấy mang đi bán. "Cuộc sống bây giờ đã trở thành một sự sỉ nhục, chúng tôi đang chết dần chết mòn", cô nói với chúng tôi. Shagufta quá yếu vì không có thức ăn. "Tất cả mọi thứ tôi có, tôi đều cho các con", cô ấy nói, "Bây giờ tôi đang bán những bộ quần áo đẹp nhất của chúng, những thứ chúng từng mặc đi đám cưới... Nếu được giá tốt, tôi sẽ mua dầu, gạo và bột mì. "

Câu chuyện của Shagufta là hình ảnh thu nhỏ cho sự bất bình đẳng đang hiện hữu tại đất nước này. Chồng cô là một cảnh sát đã nghỉ hưu từ cách đây 6 năm, nhưng hầu như không bao giờ nhận được lương hưu của mình dưới thời chính phủ trước. "Tiểu vương quốc Hồi giáo rất tốt, không còn trộm cắp hay tội phạm nữa", cô nói. "Chúng tôi chỉ có một vấn đề, đó là không có việc làm và không có tiền."

Thị trường đồ cũ ở Mazar-i-Sharif đang rất đông đúc. Nhiều người tại đây là nhân viên chính phủ. Hầu hết công nhân đã không nhận được lương trong ít nhất hai tháng nay. Việc này đã xảy ra từ thời chính phủ trước, nhưng vấn đề là bây giờ họ không biết khi nào mới được thanh toán.

"Chúng tôi không còn một xu dính túi", người dân Afghanistan chia sẻ về cuộc sống dưới thời Taliban - Ảnh 4.

Shagufta tại chợ đồ cũ ở Mazar-i-Sharif. "Tôi đang bán những bộ quần áo đẹp nhất của con mình", cô nói. Ảnh: BBC

Bên kia đường là bệnh viện chính của Mazar-i-Sharif. Bệnh viện này hiện do một quan chức Taliban điều hành, nhưng cấp phó của ông vẫn tiếp tục ở vị trí cũ dưới thời chính phủ trước. Nhân viên đã không được trả lương kể từ khi Taliban tiếp quản, nhiều người lo ngại về nguồn trợ cấp từ Bộ Y tế, bên cạnh đó, lượng thuốc dự trữ hiện tại sẽ chỉ đủ cho một tháng nữa.

Quá trình chuyển giao quyền lực ở Afghanistan kết thúc ít bạo lực và hòa bình hơn so với nhiều người lo ngại, nhưng đối với ít nhất khoảng một nửa đất nước, cuộc đấu tranh để tồn tại thậm chí còn trở nên khó khăn hơn.

Quay trở lại Kabul, chúng tôi gặp một cựu cảnh sát đang cố gắng kiếm sống. Hiện anh ta đang bán cờ của Taliban bên đường.

"Không còn công việc nào cả," anh ta nói, "Tôi có thể làm gì khác?"

Lê Phương (BBC)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem