Chuồn chuồn gợi nhớ tuổi thơ!

Bài, ảnh: Minh Khuyên Thứ hai, ngày 10/08/2015 11:25 AM (GMT+7)
Chuồn chuồn là loại côn trùng quen thuộc vào loại bậc nhất với người bình dân chốn thôn quê. Bởi có biết bao kỷ niệm và thú chơi của tuổi thơ bắt nguồn từ con chuồn chuồn, tạo ký ức khó mờ phai.
Bình luận 0

Chuồn chuồn có đầu tròn, cặp mắt khá to, các cặp chân với nhiều giác bám. Cánh chuồn chuồn thuộc loại đôi, mỗi bên hai cánh đối xứng nhỏ, dài, mỏng và gần như trong suốt. Dân quê phân biệt chuồn chuồn thành hai loại lớp: Chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn kim. Chuồn chuồn ngô có thân hình to , đuôi dài, cánh lớn, màu sắc sặc sỡ. Chuồn chuồn kim nhỏ hơn và không đẹp nên thường trẻ thơ ít khi thích bắt loại này.

Đối với nhà nông, chuồn chuồn rất có ích bởi chúng là thiên địch ăn thịt nhiều loài sâu hại cây trồng và ruồi, muỗi.

img

Chuồn chuồn ớt.

Thiếu trùng chuồn chuồn sống trong nước, dân quê kêu là con cơm nguội, khi trưởng thành chúng sống trên cạn và thường bay trên không trung. Theo kinh nghiệm dân gian thì:

"Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng bay vừa thì râm" – Ca dao.

Các nhà khoa học lý giải hiện tượng ấy là do độ ẩm trong không khí tác động lên đôi cánh, khiến chuồn chuồn có những biểu hiện như vậy.Đối với trẻ thơ, bắt chuồn chuồn là thú vui dân dã mà em nào cũng ưa, thích. Cứ chiều chiều, năm bảy đứa trong xóm xúm lại, rủ nhau đi bắt chuồn chuồn. Chuồn chuồn thường hay đậu trên bãi cỏ, nhánh cây ngoài vườn tạp hay dọc theo các bờ ruộng.

img

Chuồn chuồn trâu.

Do mắt chuồn chuồn rất linh động nên các em, phải dày công rình, nhẹ chân bước và chỉ có những con mất cảnh giác mới bị “thộp đuôi”. Cũng chính vì phải “nhín thở” để có được những con chuồn chuồn đẹp như ý nên nhiều em suốt cả buổi chẳng kiếm được con nào. Khi ấy, các em đứng ngoài ghẹo lại những đứa khác đang còn cố công rình mò,… Các em đứng ngoài vỗ tay hát ghẹo bạn mình bằng những lời đồng dao ngọt lịm:

"Chuồn chuồn có cánh thì bay, bay đi mau/ Có thằng là thằng Cu Tý thò tay, nó thò tay bắt mày!".

Khi bắt được chuồn chuồn, chúng thường quay đầu lại cắn vào tay người bắt. Trẻ thiếu lòng dũng cảm ít dám chơi. Nhất là chuồn chuồn trâu, con màu xanh, mình to, cắn rất đau.

Rồi cũng chính các em bày cho nhau rằng: đứa nào muốn mau biết lội sông thì bắt chuồn chuồn đem cho cắn rún (rốn). Chẳng biết có phải vì sợ đau hay không mà nhiều em cứ cho chuồn chuồn cắn một cái rồi thì mấy bữa sau lội được, thậm chí lội giỏi. Vì thế, các em càng tin, dù thực tế, chúng không có một cơ sở khoa học nào.

Hình ảnh con chuồn chuồn thân thuộc đã in đậm trong ký ức tuổi thơ miền sông nước. Đời này truyền qua đời khác rồi đi vào đời sống văn hóa dân gian một cách tự nhiên chân chất mà nhân ái, nghĩa tình như bản tính người dân quê mình vậy!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem