Chuyện "trúng" nấm khoang và những phen kinh hãi

Thứ tư, ngày 18/12/2013 11:52 AM (GMT+7)
Vào mùa mưa, tiết trời lành lạnh, ngoài rừng lại bắt đầu có nấm khoang, mọc từng chòm ở những nơi ẩm thấp. Loại nấm này mỗi năm chỉ có một lần, trong thời gian ngắn từ 3 - 7 ngày.
Bình luận 0
Nấm khoang ăn rất ngon ngọt, nhất là khi nấm còn búp; dễ dàng chế biến nhiều món, như: đùm với lá chuối, nướng, đúc bánh xèo, nấu cháo, xào,… Khi chế biến nấm khoang mà có thêm chút muối ớt, bông nhím, lá é trắng, hoặc lá gừng nó có mùi đặc trưng, hấp dẫn khó mà diễn tả .

img

Tại huyện Sơn Hòa (Phú Yên), nấm khoang (tiếng địa phương gọi nấm phang) khi còn búp thì giá 180.000 đồng/kg, khi nở xòe thì 100.000 đồng/kg. Chị Lê Thị Tâm ở thôn Tân Phú (xã Suối Bạc) vừa nhổ được 3kg nấm búp, đem đổi lấy một bao gạo 50kg trị giá 420.000 đồng, nhưng vẫn còn thừa 90.000 đồng.

Do nấm được giá nên đến mùa là bà con miền núi đổ xô đi tìm hái. Không phải ai đi nhổ nấm cũng trúng, nhiều người đã về tay không. Hái và ăn nấm khoang rất thú vị, nhiều chuyện hay như không thiếu chuyện phải dè chừng.

Đây là chuyện hay. Nấm khoang là món con trút (tê tê, xuyên sơn giáp) rất ưa ăn. Anh K’So Y Trợt ở buôn Ma Nhe, xã Cà Lúi (Sơn Hòa) đi nhổ nấm ở triền núi hòn Lục, gặp con trút đang chậm rãi đi ăn nấm, anh bắt về bán hơn 1 triệu đồng. Được số tiền này anh mua một đầu thu ti vi 450.000 đồng. Y Trợt phấn khởi: “Tiền này là của Giàng (trời) cho, sắm cho vợ con xem phim, mấy đứa nhỏ nhà tui mừng lắm!”.

img

Có hai vị khách ở xa đến vào một quán bên bờ hồ Suối Bùn, thị trấn Củng Sơn. Họ hỏi quán này có món gì đặc sản, chủ quán nói, có nấm mọc tự nhiên ở rừng, mới mua từ Phước Tân mang về, còn tươi ngon lắm. Hai vị khách gọi cho 2 tô nấm khoang, ăn xong họ bảo tính tiền, chủ quán nói 2 tô nấm 300.000 đồng. Hai “thượng đế” nhìn nhau, rồi hỏi lại xem tính có nhầm không, chủ quán thật thà nói rõ: không lãi nhiều đâu, nấm khoang còn búp giá cao lắm!

Giờ là chuyện “cảnh giác”. Anh Lê Văn Phúc ở thôn Tân Hòa (xã Sơn Phước) đi tìm nấm khoang dọc theo các bờ ruộng mía. Hôm đó, anh nhổ gần 2 kg, rửa sạch sẽ, bắc nồi lên nấu. Khi nấm chin, anh nghe có mùi là lạ, nghi là nấm độc nên không ăn. Anh Phúc mới nghiệm ra: “Nấm khoang mọc ven ruộng mía, có mùi khác lạ hơn nấm mọc trong rừng sâu, bởi mùa này người ta phun thuốc diệt cỏ mía nên thuốc nhiễm vào nấm, ăn vô là nguy đến tính mạng”.

Còn anh Phan Hùng ở Trà Kê (xã Sơn Hội) cho biết: “Tôi và một số anh em đi nhổ nắm khoang ở suối Trầu. Khi chui vào một bụi rậm, có nhiều lá ủ, thấy một chòm mấm nở trắng thì mừng lắm. Tiến lại gần thì thấy một con rắn to hơn bắp tay, có khoang đen, khoang vàng đang ngóc đầu trườn mình đến chỗ nấm mọc, mọi người hoảng hốt bỏ chạy.

Ra đến trãng trống mới định thần nhìn tay, chân ai nấy cũng bị gai cào rươm rướm máu. Tôi mới nhớ lại, nấm khoang là thức ăn rất ưa thích của các loài thú rừng như: rắn, rùa, nhím, trút và có cả chim khứu, gà đa đa nữa. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn bàng hoàng vì chuyến đi nhổ nấm bữa đó!”.

Đi nhổ nấm là một cái thú, nên mới có câu “ham như ham nấm". Thế nhưng cần phải có người kinh nghiệm đi cùng, để tránh nhổ phải nấm độc.
Trần Lê Kha (Trần Lê Kha)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem