Điểm nhấn từ các xã điểmNhững năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh ngày càng bị thu hẹp, nhưng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp vẫn tăng do các địa phương đã tập trung chuyển từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp đô thị. Đặc biệt là tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), quá trình này đang diễn ra rộng khắp và mang lại hiệu quả tích cực.
Mô hình trồng hoa sứ xuất khẩu cho thu nhập cao tại huyện Bình Chánh.
Tại xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) – một xã được chọn làm xã điểm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị, phần lớn diện tích lúa có năng suất thấp đều được chuyển sang trồng cây ăn trái, hoa lan - cây kiểng, hoặc nuôi trồng thủy sản, mang lại giá trị tăng từ 3 – 5 lần. Qua chuyển đổi, đến nay diện tích lúa tại xã này chỉ còn 120ha, còn lại là 126ha cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, 460ha cây ăn trái, 14ha hoa lan – cây kiểng và 26ha nuôi trồng thủy sản.
Còn tại xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) - xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị đã hình thành. Các mô hình trồng bắp lai, trồng lan, nuôi bò sữa cho năng suất khá cao và có đầu ra ổn định. Tại xã này cũng đã hình thành 7 tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi, 5 chi hội ngành nghề hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.
Trong khi đó, tận dụng lợi thế gần biển, nhiều nông dân tại xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) đang tập trung vào nuôi tôm, cua, chim yến với diện tích khoảng 150ha để thay thế cây lúa. Đồng thời, nhiều nông dân ở đây cũng đang thử nghiệm mô hình nuôi vọp, cá chẽm, cua hạt tiêu, hạt me…
Hỗ trợ vốn để chuyển đổiTheo Hội Nông dân thành phố, việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại thành phố được thực hiện thông qua việc phát triển các mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Do chuyển đổi tốt nên giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác đã đạt 239 triệu đồng/ha (năm 2012), cao gấp đôi so với năm 2008 (117 triệu đồng/ha).
Riêng tại xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), đến nay đã có 617 hộ chuyển đổi trên 274ha đất từ trồng lúa sang các mô hình sản xuất khác. Theo ông Lữ Văn Bảy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nhựt, tại đây đã có nhiều mô hình làm ăn cho thu nhập từ 20 – 40 triệu đồng/người/tháng.
|
Để có được kết quả trên, các cấp Hội Nông dân đã tích cực tuyên truyền, đồng thời giúp nông dân lựa chọn mô hình để chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị phù hợp. Bên cạnh đó, thành phố cũng có nhiều chính sách khuyến khích người dân, nhất là hỗ trợ vốn sản xuất để bà con chuyển dịch thành công.
Còn theo thống kê của Sở NNPTNT thành phố, từ năm 2008 đến nay, đã có trên 15.000 lượt hộ dân được vay vốn hỗ trợ lãi suất để chuyển đổi ngành nghề, với tổng số vốn vay trên 5.000 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, thông qua các phương án vay vốn có định hướng, bà con đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với quá trình phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố.
Hữu Ký (Hữu Ký)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.