Người trồng thành công ở Lâm Đồng một loại sâm quý của Việt Nam có tới 56 hoạt chất saponin

Văn Thọ (TTKN Lâm Đồng/TTKN QG) Thứ năm, ngày 08/06/2023 18:48 PM (GMT+7)
Năm 2019, anh Cao Nguyên rời tỉnh Kon Tum đến thôn K’Long K’Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng mua 3.500m2 đất nông nghiệp để bắt đầu khởi nghiệp và làm giàu từ việc trồng sâm Ngọc Linh.
Bình luận 0

Có cơ hội được tiếp xúc với sâm Ngọc Linh mỗi ngày bởi gia đình sản xuất, kinh doanh loại dược liệu này đã hơn chục năm, bằng tình yêu và niềm đam mê của mình, chàng trai trẻ Trần Cao Nguyên - quê gốc Kon Tum đã đi rất nhiều nơi, liên tục tìm tòi, nghiên cứu, thực nghiệm nhằm tìm ra vùng đất phù hợp với loại cây trồng này. 

Nhận thấy vùng đất tại đỉnh đồi cao nhất ở thôn K’Long K’Lanh, xã Đạ Chais có độ cao trên 1.600 m so với mực nước biển, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển sâm Ngọc Linh nên gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại đất triền đồi này.

Để đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt, anh Trần Cao Nguyên xây dựng nhà kính, phủ lưới đen để giảm cường độ ánh sáng, giữ ẩm tương tự dưới tán rừng như trồng ở Kon Tum. 

Ở vườn, anh Nguyên phân thành các luống nhỏ song song nhau, nằm trải dọc theo độ dốc triền đồi và tiến hành đặt giống. Dù đã tích lũy cho mình được nhiều kinh nghiệm trồng sâm, nhưng thời gian đầu nhà nông trẻ này vẫn gặp không ít khó khăn khi phải làm quen với việc trồng sâm ở một môi trường mới. 

Người trồng thành công ở Lâm Đồng một loại sâm quý của Việt Nam có tới 56 hoạt chất saponin  - Ảnh 1.

Anh Trần Cao Nguyên bên vườn ươm giống sâm Ngọc Linh của gia đình. Mô hình trồng sâm Ngọc Linh của anh Cao Nguyên tại thôn K'Long K'Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Lứa cây đầu tiên bị chết nhiều do bệnh nấm và cây chưa hoàn toàn thích nghi được ở nhiệt độ trong nhà kính. Không nản chí, anh Trần Cao Nguyên vừa tìm cách chữa bệnh cho cây qua các phương tiện truyền thông như sách, báo và không ngừng học hỏi, tiếp thu thêm các kiến thức mới từ người thân có kinh nghiệm trồng sâm Ngọc Linh ở quê nhà. 

Sau khoảng thời gian kiên trì gần một năm, vườn sâm của anh Nguyên mới thực sự thích ứng, phát triển, những gốc sâm trưởng thành bắt đầu ra nụ và đơm hoa kết trái. Sâm Ngọc Linh được anh Nguyên trồng tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương cũng cho củ với các thành phần hoạt chất dược liệu cao. 

Anh Nguyên chia sẻ, để đảm bảo độ ẩm cho sâm Ngọc Linh phát triển, anh lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động trên toàn bộ diện tích và dùng lá cây hoai mục phủ lên nền vườn giúp cây sinh trưởng phát triển ổn định giống như dưới tán rừng. Với diện tích 3,5 sào trong nhà kính, anh trồng và nhân giống cây sâm, cung cấp ra thị trường các sản phẩm như hạt giống, cây giống, lá và củ thành phẩm. 

Năm 2022 vừa qua, từ vườn sâm Ngọc Linh ở xã Đạ Chais này, cùng với việc thu mua của bà con nông dân trồng sâm tại Kon Tum, gia đình anh cung cấp cho thị trường 70 – 100 kg sâm, với giá củ sâm giao động từ 30 - 50 triệu đồng/kg, lá sâm bán cho đối tác 4 - 5 triệu đồng/kg, sản xuất được gần 1,5 kg hạt (tương đương 14.000 - 15.000 hạt) với giá 50.000 - 70.000 đồng/hạt và cây giống 1-2-3 năm tuổi có giá 150.000 - 300.000 đồng/cây, mang lại doanh thu cho gia đình hàng tỷ đồng. 

Hiện nay, trong vườn anh Nguyên có khoảng 300 – 400 kg củ sâm từ 7-8 năm tuổi, cây 1 năm tuổi là 150.000 cây… Tại vườn, anh còn thử nghiệm trồng lan gấm rừng được 1 năm tuổi và hơn 1.000m2 diện tích đất ngoài trời trồng thử nghiệm và nhân giống cây dược liệu đẳng sâm để lấy quả, hạt. Tất cả đều đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Đánh giá về mô hình trồng sâm Ngọc Linh của chàng trai trẻ Trần Cao Nguyên, anh Vũ Hoàng Đăng Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Chais cho biết: Sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế rất cao. 

Đây là loại sâm khó trồng, cần có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp như ở vùng núi Ngọc Linh (ở Quảng Nam và Kon Tum). Tuy nhiên, bằng bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, anh Nguyên đã trồng thành công sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã Đạ Chais. 

Đây là một tín hiệu đáng mừng để phát triển cây sâm Ngọc Linh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương. Chính vì vậy, cấp ủy và chính quyền xã Đạ Chais sẽ có kế hoạch liên kết với Hội Nông dân tỉnh, huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng để hỗ trợ mô hình trồng sâm Ngọc Linh được phát triển hơn nữa bằng cách tiếp cận các nguồn kinh phí từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Khoa học công nghệ… để có nguồn vốn phát triển sâm Ngọc Linh, giúp nông dân vùng đồng bào dân tộc ở đây tiếp cận, hỗ trợ cho nông dân trồng dưới tán rừng, tạo thêm công ăn việc làm cho những hộ được khoanh nuôi, kết hợp quản lý bảo vệ rừng, trồng dưới tán rừng để tăng thêm thu nhập.

Sâm Ngọc Linh còn được gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm, sâm trúc…Đây là một trong những loại dược liệu thượng đẳng, mang lại rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như tăng cường hiệu quả hệ miễn dịch và sức đề kháng, hỗ trợ phòng bệnh ung thư, ngăn ngừa và chống lão hóa, chống độc tố, kháng viêm,… 

Sâm Ngọc Linh đã được khẳng định là một trong những loài sâm tốt nhất thế giới với 52 hoạt chất saponin chính. Bên cạnh đó, trong loại “thần dược” này còn chứa axit béo, axit amin và nhiều nguyên tố đa lượng, vi lượng khác…

Theo Đề án Phát triển sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2025, phát triển 1.000 ha dược liệu trồng dưới tán rừng và 1.000 ha dược liệu trồng trên đất nông nghiệp, trong đó phát triển diện tích sâm Ngọc Linh đạt khoảng 10 ha tại khu vực Đà Lạt và Lạc Dương. 

Qua đó nhằm phát triển ngành hàng dược liệu một cách toàn diện, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của từng vùng để nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem