Chuyện chưa kể về ngôi làng cổ cất giữ dấu tích Chăm Pa

Nguyễn Tùng Thứ ba, ngày 30/08/2022 06:13 AM (GMT+7)
Hàng ngàn năm thay đổi và phát triển của xã hội đã khiến những dấu tích của người Chăm trên mảnh đất Việt Nam dần mai một. Tuy nhiên, tại Hà Nội, vẫn còn một ngôi làng mang trong mình những dấu tích huy hoàng của một nền văn hoá xưa.
Bình luận 0

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 13 km về phía Tây bắc, làng Phú Gia (tên Nôm là làng Gạ) trong quá khứ là một xã thuộc tổng Phú Gia, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, trấn Sơn Tây (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Ngôi làng với lịch sử lâu đời

Dẫu toạ lạc bên trong nơi Thủ đô ồn ào và tấp nập, làng Phú Gia vẫn không đánh mất dáng vẻ thanh tịnh, bình yên của chốn làng quê Bắc Bộ xưa.

Trong cái tiết trời oi ả của Hà Nội những ngày cuối hạ, nơi đây vẫn đem lại cảm giác vô cùng mát mẻ, dễ chịu cho bất kỳ du khách nào đến thăm. Những hàng cây xanh ngát, sừng sững nằm ở hai bên đường làng như thổi một luồng sức sống tươi mới cho khoảng không gian xung quanh.

Chuyện chưa kể về ngôi làng cổ cất giữ dấu tích Chăm Pa cổ. - Ảnh 1.

Một góc "xanh" thanh bình của làng Phú Gia. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Tuy hầu hết những ngôi nhà tại làng Phú Gia đã được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại nhưng không hề làm ảnh hưởng tới vẻ thơ mộng vốn có của nó. Trái lại, sự tương phản ấy đã vô tình được dung hoà một cách hoàn hảo, tạo nên vẻ đẹp "có một không hai" của nơi đây.

Nằm ở trung tâm làng là chiếc ao rộng khoảng 3.500 m2 có chức năng điều hoà không khí, "trái tim xanh" của làng. Nơi đây không chỉ là điểm hẹn gặp mặt trò chuyện của những vị cao niên vào mỗi buổi chiều tà mà còn chứa chan kỷ niệm, hồi ức của biết bao thế hệ người dân Phú Gia.

Cũng như những ngôi làng giàu truyền thống văn hoá khác, bên cạnh mái đình cổ kính là hình ảnh của một đầm sen xanh, tuy đã quá mùa hoa nở nhưng vẫn thoang thoảng mùi hương. Tựa như đoá sen thanh cao, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" ấy, làng Phú Gia vẫn gìn giữ những nét đẹp vô cùng đặc trưng dẫu đã trải qua hàng ngàn năm biến đổi khôn lường của xã hội hiện đại.

Chuyện chưa kể về ngôi làng cổ cất giữ dấu tích Chăm Pa cổ. - Ảnh 2.

Chiếc ao xanh rì có chức năng điều hoà không khí, là "trái tim xanh" của làng Phú Gia. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Nổi bật với vẻ đẹp yên bình là thế, điều thật sự khiến ngôi làng mộc mạc này trở nên thu hút chính là những giá trị lịch sử, văn hoá lâu đời mà nó mang trong mình.

Làng Phú Gia có hai di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia là chùa Bà Già vào năm 1996 và đình Phú Gia vào năm 2001. Di tích chùa Bà Già có tên chữ là "Bà Già tự", là một công trình kiến trúc Phật giáo, có niên đại hơn 1.000 năm.

Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá như: hai quả chuông, mười đôi câu đối sơn son, bốn bức hoành phi, một cỗ kiệu long đình và tám tấm bia đá được tạo tác bằng đá xanh trắng mịn. Ngoài ra, chùa còn có 58 pho tượng tròn, được tạo tác tinh xảo theo lối nghệ thuật thời Lê – Nguyễn, sơn thiếp lộng lẫy.

Đình Phú Gia là nơi thờ Thành Hoàng làng có tên thần Khai Nguyên, một vị tướng thời Hùng Vương thứ 6 có công đánh giặc Ân giữ nước, trị nạn hồng thủy, đem lại bình yên và hạnh phúc cho dân làng. Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hoá - tâm linh của làng, tại đây cũng bảo lưu nhiều hiện vật tiêu biểu mang giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, khoa học như: 17 đạo sắc phong, một đôi hạc, một đôi lân, một đôi kim kê được tạc khắc tinh xảo cùng nhiều hiện vật thờ tự khác từ thế kỷ XVII.

Chuyện chưa kể về ngôi làng cổ cất giữ dấu tích Chăm Pa cổ. - Ảnh 3.

Bệ thờ Thành Hoàng làng với nhiều hiện vật lịch sử trân quý. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Người dân Phú Gia, tuy không phải ai cũng hiểu tường tận lịch sử làng mình nhưng họ đều có lòng tôn trọng, tinh thần "uống nước nhớ nguồn" đối với những người có công với nước, với làng. Những hiện vật lịch sử được bảo tồn và lưu truyền một phần do sự ủng hộ, hỗ trợ rất lớn từ phía người dân.

Đặc biệt, làng Phú Gia còn có hai cây đa cổ thụ nằm song song hai bên sân đình và đã được công nhận là cây di sản của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng (63 tuổi), người dân sống lâu năm tại làng Phú Gia nói: "Từ khi tôi còn bé đôi đa cổ thụ này đã sừng sững ở đó rồi. Không ai biết chính xác đôi đa này được trồng từ bao giờ nhưng theo lời các cụ cao tuổi trong làng thì một cây đã được trồng từ thời nhà Lý, nhà Lê. Cây đa còn lại tuy được trồng muộn hơn nhưng niên đại cũng đã ngót nghét 100 năm".

Dấu tích Chăm Pa còn sót lại

Ít ai biết rằng, trước khi được vua Trần Nhân Tông (1225 - 1228) đổi tên thành làng Phú Gia, nơi này vốn gọi là "Thôn Bà Già". Tuy nhiên, hai chữ "Bà Già" không được hiểu theo nghĩa thuần việt mà bắt nguồn từ ngôn ngữ Chăm Pa, là cách đọc lệch đi của từ "Đa-gia-li".

Chuyện chưa kể về ngôi làng cổ cất giữ dấu tích Chăm Pa cổ. - Ảnh 4.

Một trong hai cây đa cổ thụ của làng Phú Gia, từ lâu đã được công nhận là cây di sản. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Trong cuốn "Đại Việt sử ký toàn thư", có tích về Trần Nhật Duật gắn với sự xuất hiện của ngôi làng này: "Nhật Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi ở thôn Bà Già".

Ông Công Ngọc Phượng (70 tuổi), trưởng ban di tích làng Phú Gia chia sẻ: "Ngày xưa khu vực này có rất nhiều người Chăm sinh sống. Những người tù binh người Chăm sau này sinh sống, lập ấp ở đây, thậm chí kết hôn với người Việt, tạo nên sự giao thoa giữa hai nền văn hoá".

Chuyện chưa kể về ngôi làng cổ cất giữ dấu tích Chăm Pa cổ. - Ảnh 5.

Tam quan chùa Bà Già - ngôi chùa này có niên đại 1000 năm. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Làng Phú Gia từng có hai dòng họ lớn đó là họ Ông và họ Bố, vốn có nguồn gốc từ nước Chăm. Nhưng vì có nguồn gốc ngoại lai, vào thời vua Tự Đức, họ Ông đã được đổi thành họ Công và họ Bố được đổi thành họ Hy.

"Hiện di tích chùa Bà Già vẫn còn lưu giữ đôi Phỗng bằng đá sa thạch nằm ở trước cổng chính, đây là một trong những hiện vật mang đậm nét văn hoá Chăm Pa còn sót lại", ông Phượng chia sẻ thêm.

Chuyện chưa kể về ngôi làng cổ cất giữ dấu tích Chăm Pa cổ. - Ảnh 6.

Đôi Phỗng làm bằng đá sa thạch là một trong số ít hiện vật còn sót lại liên quan tới văn hóa Chăm cổ. Ảnh: Nguyễn Tùng.

"Phỗng" là tục danh một ngẫu tượng thường đặt ở chốn thờ cúng, được tạc dựa trên hình ảnh của những người tài trí có công phò trợ bề trên hoặc người hầu của các quý tộc An Nam xưa.

Đôi phỗng tại chùa có chiều cao khoảng 1m, hai bên đầu có hai búi tóc xoáy tròn, mặt vuông nhìn thẳng, trán ngắn, mắt to tròn, mũi lớn, má bạnh và cặp môi dày. Tượng có bụng phệ, hai tay chắp lại đưa ra phía trước, phần dưới được che bởi một chiếc váy có hông tạo thành nút và dây buộc đúng với phong cách người Chăm cổ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem