Chuyện cựu chiến binh chống quân xâm lược năm 1979 đi xây dựng cột mốc biên giới Việt Nam –Trung Quốc

Lương Kết Thứ tư, ngày 17/02/2021 06:08 AM (GMT+7)
Cách đây 42 năm, ông Hồ Tuấn là chiến sĩ của Trung đoàn 567 (Cao Bằng), đơn vị có trận đánh oanh liệt 12 ngày đêm ở đèo Khau Chỉa (Cao Bằng) chặn quân xâm lược Trung Quốc năm 1979. Sau này cựu chiến binh Hồ Tuấn lại là người đi xây dựng cột mốc ở biên giới Việt Nam-Trung Quốc.
Bình luận 0
Cơ duyên với mảnh đất Cao Bằng

Cựu chiến binh, thương binh Hồ Tuấn đã từng được chúng tôi kể trong bài viết về trận đánh của Trung đoàn 567 trong 12 ngày đêm ở đèo Khau Chỉa (Quảng Hòa, Cao Bằng) chặn quân xâm lược Trung Quốc năm 1979 và bài viết về cuộc hội ngộ giữa ông với những cựu binh Trung Quốc, những người mà ông từng đối đầu trên mặt trận cách đó 40 năm (bài viết Dân Việt đăng trong dịp tròn 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979-2019). Người cựu chiến binh này còn có câu chuyện đặc biệt nữa, đó là chuyện đi xây dựng cột mốc biên giới Việt –Trung.

Người lính chống quân xâm lược năm 1979 và chuyện đi xây dựng cột mốc biên giới Việt Nam –Trung Quốc - Ảnh 1.

Cột mốc 943 (2) được cắm đầu tiên ở Cao Bằng (ảnh TTXVN).

Ông kể, trong trận đánh ở đèo Khau Chỉa (1979), ông bị thương (bậc 2/4). Đến năm 1981, ông ra quân và lấy vợ ở Cao Bằng.

"Bố tôi quê ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, mẹ ở Bát Tràng (Hà Nội). Bố tôi từng hoạt động cách mạng trước năm 1945 rồi đi bộ đội, từng tham gia chiến dịch Điện Biên phủ (1954). Sau này rời quân ngũ cụ được phân công làm cán bộ thông tin tuyên truyền ở tỉnh Yên Bái và gia đình tôi lập nghiệp trên mảnh đất này. Tôi đi bộ đội đầu năm 1975 và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 chống quân xâm lược Trung Quốc", ông Hồ Tuấn cho biết.

Người lính chống quân xâm lược năm 1979 và chuyện đi xây dựng cột mốc biên giới Việt Nam –Trung Quốc - Ảnh 2.

Cựu chiến binh Hồ Tuấn (phải) và đồng đội (ảnh NVCC).

Sau khi lấy nhau xong vợ chồng ông Hồ Tuấn trở về Yên Bái sinh sống. Ông làm thanh tra sau chuyển sang làm tuyên giáo bên Thị ủy. Sau một thời gian vợ chồng ông về Cao Bằng sinh sống.

Khi được hỏi vì sao trở lại mảnh đất Cao Bằng sinh sống, ông cười bảo: "Tôi nhớ cơm Cao Bằng, nhớ kỷ niệm từng chiến đấu suýt hy sinh tại đây nên khi vợ bảo về quê vợ sinh sống tôi đồng ý ngay.

Khi chuyển về Cao Bằng, ông làm ở Hợp tác xã mua bán tỉnh, đến năm 1992 về nghỉ chế độ (về một cục). Thời gian sau đó người cựu binh này cũng phải làm nhiều các nghề để mưu sinh như đi xe ôm, vào bãi đào vàng… Đến năm 2000 nhờ có chút vốn liếng và sự giúp đỡ của anh em, bạn hữu, ông Tuấn thành lập doanh nghiệp xây dựng Tuấn Hưởng, tham gia làm đường giao thông, làm hồ, đập, đặc biệt tham gia xây dựng cột mốc biến giới Việt –Trung (trên địa bàn tỉnh Cao Bằng).

Cắm cột mốc biên giới đầu tiên và cuối cùng ở Cao Bằng

Ông kể, việc doanh nghiệp nhận đi xây dựng cột mốc biên giới cũng tình cờ. Ban đầu việc này chỉ giao cho đơn vị của Nhà nước thực hiện nhưng do yêu cầu gấp về mặt thời gian nên các doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh cũng được tham gia.

Người lính chống quân xâm lược năm 1979 và chuyện đi xây dựng cột mốc biên giới Việt Nam –Trung Quốc - Ảnh 3.

Thi công cột mốc 836 (2) ở thác Bản Giốc (ảnh NVCC)

Trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2008, doanh nghiệp của cựu chiến binh Hồ Tuấn tham gia xây dựng 125 cột mốc. "Đơn vị của tôi vinh dự được cắm cột mốc đầu tiên ở tỉnh Cao Bằng, đó là cột mốc 943 (2). Cột mốc này được cắm năm 2001, ở cửa khẩu Tà Lùng, Phục Hòa (nay sáp nhập huyện thành Quảng Hòa). Đây là cột mốc lớn, là một trong số ít các cột mốc được gắn Quốc huy. Chúng tôi cũng tham gia cắm cột mốc cuối cùng (năm 2008) trên địa phận biên giới tỉnh Cao Bằng tiếp giáp với Trung Quốc, đó là cột mốc 836 (2) ở thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh", ông Hồ Tuấn nhớ lại.

Người lính chống quân xâm lược năm 1979 và chuyện đi xây dựng cột mốc biên giới Việt Nam –Trung Quốc - Ảnh 4.

Cột mốc 836 (2) có chân đế rộng vào cao (ảnh NVCC).

Ông kể tiếp, thời điểm phía bên Trung Quốc sắp cắm cột mốc 943 (1), đơn vị của ông bắt đầu mới khởi công để dựng cột mốc 943 (2). Để đảm bảo tiến độ, đơn vị đã phải sử dụng đến 90 người, 16 xe ô tô tải chở vật liệu làm ngày làm đêm. Dù khởi công sau nhưng cũng hoàn thành việc cắm mốc bằng thời gian so với phía bên kia. 

"Còn xây cột mốc 836 (2) ở thác Bản Giốc, ban đầu chúng tôi đào móng sâu 4m như thiết kế. Đào xuống thấy nhiều cát nên chúng tôi điện thoại báo cáo cơ quan chức năng, họ đã yêu cầu đào sâu gần 8m, phía dưới đáy đổ bê tông dày, sau đó đổ trụ cao lên mặt đất rồi mới cắm cột mốc. Cột mốc này không chỉ có móng sâu mà chân đế cũng cao. Trong thiết kế của Bộ Xây dựng ghi rõ trong khoảng 100 năm nước không thể ngập được cột mốc. Hôm cắm cột mốc 836 (2), Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng vào chứng kiến và tặng quà cho đơn vị chúng tôi", ông Hồ Tuấn cho biết.

Người lính chống quân xâm lược năm 1979 và chuyện đi xây dựng cột mốc biên giới Việt Nam –Trung Quốc - Ảnh 6.

Ông Hồ Tuấn (phải) và bạn bên thác Bản Giốc (ảnh NVCC).

Nói về khó khăn của việc xây dựng cột mốc, ông Hồ Tuấn cho biết, thứ nhất việc thi công đòi hỏi độ chính xác rất cao, lệch một chút không được; thứ hai thi công trong địa hình hiểm trở, nhiều chỗ núi đá cao chót vót phải khiêng cột mốc lên rồi đào móng đỗ trụ để cắm; thứ ba là thời gian ngắn nhưng vẫn phải hoàn thành.

"Dù khó khăn, vất vả nhưng đây là công việc vô cùng thiêng liêng nên anh em chúng tôi luôn động viên nhau tìm cách khắc phục. Cột mốc đại (to) nặng 500 kg, cột mốc tiểu (nhỏ) nặng 290 kg để đưa vào vị trí cắm không hề đơn giản. Có những chỗ núi đá cao, dốc đứng khi anh em khiêng cột mốc lên phải hết sức cẩn thận để tránh va chạm vào vách đá lởm chởm xây xước cột mốc. Có những chỗ phải đưa cột mốc qua sông bằng mảng, vừa đi vừa giữ chỉ lo mảng bị lật", ông Hồ Tuấn nói. 

Doanh nghiệp xây dựng của cựu chiến binh, thương binh Hồ Tuấn hoạt động từ năm 2000 đến năm 2013 thì dừng. Thời điểm doanh nghiệp thịnh vượng nhất đã thu nhận tới 400 người vào làm việc, chủ yếu đều là con em của các cựu chiến binh, đồng đội của ông. "Tôi về quê gặp đồng đội nào có hoàn cảnh khó khăn lại mời họ về làm việc cùng, nhiều người nhờ đó thay đổi được cuộc sống. Tôi cũng muốn duy trì doanh nghiệp để giúp đỡ cho nhiều người, nhất là con em của các cựu chiến binh, thương binh, liệt sỹ nhưng thời điểm đó kinh tế suy thoái, doanh nghiệp gặp khó khăn nên phải dừng hoạt động", ông Hồ Tuấn bùi ngùi.

Trong thời gian làm doanh nghiệp ông vinh dự được 3 lần đi báo cáo điển hình. Trong đó năm 2011, đi báo cáo cựu chiến binh làm kinh tế giỏi toàn quốc (mỗi tỉnh, thành một người). Đoàn cựu chiến binh làm kinh tế giỏi năm đó đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp đón.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem