Chuyển đổi số hiệu quả, nông dân Thái Nguyên chăn nuôi trang trại nhàn, đưa đặc sản chè Thái Nguyên đi muôn nơi

Đức Thịnh Thứ ba, ngày 20/02/2024 17:14 PM (GMT+7)
Với sự đồng hành của các cấp Hội Nông dân, thời gian qua hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.
Bình luận 0

Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ chè Thái Nguyên

Là 1 trong những nông dân tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ chè, chị Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt cho biết: HTX đang quản lý gần 50 ha vùng nguyên liệu chè tại xã Tân Cương (TP.Thái Nguyên). Ngoài ra, HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm chè búp tươi cho khoảng 80% số hộ trong xã.

Chuyển đổi số hiệu quả, nông dân Thái Nguyên chăn nuôi trang trại nhàn, đưa đặc sản chè Thái Nguyên đi muôn nơi- Ảnh 1.

Chị Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) giới thiệu sản phẩm chè OCOP tôm nõn của HTX. Ảnh: Bình Minh

 Để bảo đảm uy tín thương hiệu, từng công đoạn sản xuất, chế biến chè bảo đảm quy trình sản xuất VietGAP. Các công đoạn chế biến, đóng gói sản phẩm được tự động hóa trên dây chuyền sản xuất.

Năm 2023, HTX chè Hảo Đạt đạt sản lượng chè búp khô hơn 130 tấn, trong đó 80 tấn chè Tôm Nõn, 25 tấn chè Đinh và 25 tấn chè móc câu truyền thống. Đặc biệt chè Tôm Nõn của HTX chè Hảo Đạt đạt OCOP 5 sao.

Giám đốc HTX chè Hảo Đạt cho biết, cùng với ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, HTX còn đưa sản phẩm chè được lên các sàn thương mại điện tử hoặc thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo để tiếp cận khách hàng và có rất nhiều người đặt mua. Đến nay, các kênh bán hàng online vẫn tăng trưởng tốt, HTX đang cắt cử 5 nhân viên chỉ tập trung tổng hợp đơn của khách đặt hàng.

Cũng theo Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, thông qua các sàn thương mại điện tử đó là cơ hội để HTX quảng bá hình ảnh sản phẩm cũng như cách thức chế biến và sản xuất trà đến khách hàng rất dễ dàng và hiệu quả. Khác với trước đây, việc quảng bá sản phẩm theo cách truyền thống vô cùng khó khăn.

"Từ khi áp dụng chuyển đổi số vào việc tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi nhận thấy hình ảnh, chất lượng sản phẩm và giá trị thương hiệu của HTX chè Hảo Đạt được nâng lên rất nhiều, lượng khách hàng tiếp cận và biết đến sản phẩm của HTX cũng tăng lên đáng kể. Nhờ đó thị trường tiêu thụ mở rộng, lượng khách hàng tìm đến sản phẩm của HTX ngày càng lớn, từ đó doanh thu cũng tăng lên rất nhiều", chị Hảo cho biết thêm.

Chuyển đổi số hiệu quả, nông dân Thái Nguyên chăn nuôi trang trại nhàn, đưa đặc sản chè Thái Nguyên đi muôn nơi- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam thăm mô hình sản xuất chè của HTX Chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hà Thanh

Chị Hảo cho biết thêm, ứng dụng chuyển đổi số ở HTX chè Hảo Đạt còn là những phần mềm quản lý chấm công, tính lương tự động, trả lương qua tài khoản ngân hàng. Đến nay, 90% người lao động của HTX cả cố định lẫn thời vụ đều nhận thông báo lương, nhận lương qua điện thoại.

"HTX sử dụng hàng trăm lao động thời vụ, quy định thời gian làm việc là 8 giờ/ngày nhưng lĩnh vực nông nghiệp thì rất khó quản lý thời gian. Họ đi muộn, về sớm không biết được. Tuy nhiên, từ khi ứng dụng chấm công bằng vân tay thì HTX có thể quản lý chính xác giờ làm của từng người để tính lương. Hàng tháng, người lao động đều nhận được bảng kê chi tiết về số giờ làm việc trong tháng và tương ứng là số tiền lương được nhận. Tất cả đều chính xác, công bằng", chị Hảo nói.

Hỗ trợ hội viên, nông dân Thái Nguyên tham gia chuyển đổi số

Thông qua ứng dụng khoa học công nghệ chuyển đổi số, các trang trại chăn nuôi của nông dân Thái Nguyên cũng được đẩy mạnh theo hướng công nghiệp hóa. Đơn cử như trang trại sản xuất giống gia cầm của nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Phạm Văn Trường, xã Dương Thành (huyện Phú Bình).

Anh Trường cho biết: Hiện trang trại của anh có quy mô chăn nuôi 20.000 con gà mái và 17 lò ấp trứng. Trang trại được xây dựng khép kín hệ thống chuồng trại và trang bị đầy đủ quạt thông gió, hút mùi, đèn chiếu sáng và được phủ sóng wifi cho hơn 5.000m2 khu vực sản xuất giống gia cầm.

Để chuyên nghiệp trong sản xuất, anh Trường đã cài đặt, kết nối để vận hành toàn bộ hệ thống chuồng trại thông qua điện thoại thông minh. Nhờ đó tiết kiệm được thời gian, chi phí sản xuất (tiết kiệm được khoảng 20% tiền điện) và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, trang trại của anh Trường xuất bán khoảng 100 nghìn con gà giống, thu lãi trên 1 tỷ đồng.

Chuyển đổi số hiệu quả, nông dân Thái Nguyên chăn nuôi trang trại nhàn, đưa đặc sản chè Thái Nguyên đi muôn nơi- Ảnh 3.

Đầu tư trang trại chăn nuôi khép kín, nhiều nông dân huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên có thu nhập cao. Ảnh: Hà Thanh

Trong nhiệm kỳ qua, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có 129.000 hộ nông dân đăng ký phấn đấu sản xuất - kinh doanh giỏi. Qua bình xét, mỗi năm có khoảng 58.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.

Các cấp Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã hướng dẫn và thành lập được 180 mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác và hàng trăm mô hình hỗ trợ nông dân, nhóm sở thích; hỗ trợ đưa 20 sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch thương mại điện tử...

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên Ngô Thế Hoàn cho biết: Điểm mới và nổi bật của Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên trong 5 năm qua, đó là áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh trên sàn thương mại điện tử và các nền tảng xã hội, tiếp cận với nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Chuyển đổi số hiệu quả, nông dân Thái Nguyên chăn nuôi trang trại nhàn, đưa đặc sản chè Thái Nguyên đi muôn nơi- Ảnh 4.

Bằng công nghệ, những hình ảnh, thông điệp từ sản phẩm Trà Thái Nguyên đã được bà con nông dân Thái Nguyên gửi đến khách hàng trong và ngoài nước.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, các ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng chuyển đổi số đang tạo ra cú hích trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương này. Không chỉ có sản phẩm chè mà rất nhiều loại nông sản khác được tiêu thụ mạnh qua các hình thức bán hàng online. 

Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cũng ứng dụng chuyển đổi số để theo dõi, quản lý các nhãn hiệu nông sản, sản phẩm tập thể. "Cụ thể, với nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên", hiện nay chúng tôi thống kê có 186 hộ gia đình, đơn vị sản xuất, kinh doanh đang sử dụng và thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin về các đơn vị này lên ứng dụng Công dân Thái Nguyên (C-Thainguyen).

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được nhưng hiện nay việc tham gia chuyển đổi số và xây dựng sản phẩm OCOP của hội viên nông dân tỉnh Thái Nguyên vẫn còn gặp một số khó khăn. 

Nhiều hội viên nông dân chưa hiểu đầy đủ và sâu sắc về quá trình khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số thông qua xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP phát huy thế mạnh của địa phương. 

Chính vì vậy, cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao và rất kỳ vọng Dự án "Nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ và hội viên nông dân về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, tích cực tham gia chương trình OCOP tại địa phương" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề xuất đã được Chương trình phát triển Liên Hợp quốc, chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, trong đó có việc xây dựng cuốn Cẩm nang: "Nâng cao nhận thức về phát triển cộng đồng, khởi nghiệp, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và vai trò của Hội Nông dân trong triển khai chương trình OCOP" sẽ giúp cho cán bộ, hội viên nông dân Thái Nguyên nâng cao nhận thức và nắm bắt được những vấn đề cơ bản nhất trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo, chuyển dổi số, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng các sản phẩm OCOP, phát huy thế mạnh địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem