Chuyên gia chỉ cách giúp con chọn bạn tốt và chơi công bằng

Tào Nga Chủ nhật, ngày 28/11/2021 06:22 AM (GMT+7)
Cha mẹ hãy giúp con chọn bạn để chơi và hiểu rằng, tình bạn là dựa trên sự tôn trọng và quan tâm lẫn nhau để con có thể tự nhận ra ai là bạn không tốt.
Bình luận 0

Tình bạn có tác động rất lớn đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ, giúp xây dựng sự tự tin và khám phá thêm về bản thân cũng như trau dồi kỹ năng sống cần thiết khi bước ra ngoài phạm vi gia đình. Bạn bè giúp trẻ xây dựng khả năng hồi phục tinh thần và học cách đối mặt với sự thất vọng hay xử lý tình huống. Hơn hết, tình bạn giúp trẻ phát triển sự đồng cảm, khuyến khích trẻ vượt lên trên cái tôi cá nhân và quan tâm đến người khác nhiều hơn. 

Trong cuốn sách "Tất tần tật về bạn bè", tác giả Felicity Brooks cho biết, kỹ năng cần thiết để duy trì một tình bạn tốt đó là: 

Chơi lần lượt

Giao tiếp

Tha thứ

Chia sẻ

Tranh luận

Hợp tác

Đối xử tử tế

Giải quyết tình huống

Thuyết phục

Cư xử lịch sự

Giải quyết tranh cãi

Hòa giải

Quan tâm đến người khác

Chú ý đến cảm xúc của người khác

Đồng cảm

Cũng như những kỹ năng khác, tất cả những kỹ năng liệt kê trên đều cần có sự luyện tập thường xuyên và bố mẹ có thể giúp con bằng một trong những cách sau đây:

Nếu trẻ tính tình nhút nhát, khó làm quen với bạn mới, hãy luyện tập những câu chào hỏi, bắt chuyện - mỉm cười, giao tiếp bằng ánh mắt, nói xin chào và hỏi tên người bạn mới gặp...

Nói với trẻ về hành động cần thiết khi chơi cùng bạn bè như lời chào hỏi, khen ngợi, chia sẻ đồ chơi, sở thích, nói lời lịch sự...

Giúp trẻ nhận ra những hành động có thể khiến bạn bè xa lánh, ví dụ như ít trò chuyện, phá rối trò chơi, tranh cãi, ra lệnh cho bạn bè, không coi trọng luật chơi, hay khoe khoang, nói dối hoặc cố tình chơi xấu (gian lận, tranh cãi).

Khuyến khích trẻ tham gia những hoạt động có thể làm quen với nhiều bạn cùng sở thích, tuy nhiên hãy tôn trọng tính cách của trẻ: một vài trẻ cần có nhiều bạn trong khi những đứa trẻ khác thì không.

Kể về tình bạn ngay ở trong gia đình mình. Ai là bạn của bà ngoại? Bạn của bố là những ai?

Hỗ trợ trẻ bằng cách sắp xếp lịch vui chơi, mời bạn bè của con đến nhà và nếu có thể, hãy lên kế hoạch với con về những gì các con sẽ chơi cùng nhau.

Gợi ý một số trò hay mà các con có thể chơi cùng nhau và tạo không gian vui vẻ cho lũ trẻ: Giới thiệu mọi người, tạo điều kiện cho các trò chơi của con, cố gắng không tranh cãi; ở cùng lũ trẻ và chuẩn bị đồ uống cho các bạn của con.

Nếu có thể, hãy khuyến khích trẻ có nhiều sở thích chung với bạn bè bằng cách chuẩn bị sẵn những đồ cần thiết như giấy, bút màu, đồ chơi, sách, phim...

Chuyên gia chỉ cách giúp con chọn bạn tốt và chơi công bằng - Ảnh 2.

Khi có mâu thuẫn xảy ra, hãy tạo cơ hội cho trẻ tự nghĩ ra phương án giải quyết trước tiên (ngoại trừ những trường hợp bắt nạt hoặc bạo lực cần can thiệp ngay lập tức). Ảnh: T.N

Dạy trẻ một vài kỹ năng về "chơi công bằng" như chơi oẳn tù tì, rút thăm, lật đồng xu, tung xúc xắc, lăng nghe, chơi theo lượt và chia đều mọi thứ.

Lần lượt đóng vai xin lỗi và chấp nhận lời xin lỗi nếu trẻ xảy ra tranh cãi với bạn và nhấn mạnh rằng lời xin lỗi được nói ra một cách chân thành chứ không phải đùa cợt hay gắt gỏng.

Giải thích cho trẻ về sự khác biệt giữa những người bạn - mỗi bạn lại có những đặc điểm khác nhau và đó là điều hoàn toàn bình thường; thật tốt khi có nhiều điểm chung nhưng cũng không sao nếu khác nhau và con nên tôn trọng điều đó.

Hướng dẫn cho trẻ hiểu rằng tình bạn cũng cần nhiều nỗ lực để duy trì, đôi khi sẽ có những khó khăn và thử thách nhưng cũng có nhiều thú vị và mới mẻ.

Giải quyết mâu thuẫn của con

Khi có mâu thuẫn xảy ra, hãy tạo cơ hội cho trẻ tự nghĩ ra phương án giải quyết trước tiên (ngoại trừ những trường hợp bắt nạt hoặc bạo lực cần can thiệp ngay lập tức). Tình bạn có thể được củng cố hơn qua những cuộc tranh luận, tuy nhiên bố mẹ nên nhớ rằng cảm xúc của trẻ thường thay đổi rất nhanh chóng, có thể việc xảy ra vô cùng nghiêm trọng của hôm nay sẽ bị lãng quên ngay vào ngày mai. 

Ở độ tuổi này, xảy ra cãi cọ là thường xuyên và cũng rất bình thường - trẻ sẽ tranh cãi với bạn bè mình nhiều hơn với những đứa trẻ khác - hãy lắng nghe cụ thể những vấn đề mâu thuẫn của con. Có thể điều tưởng như rất đơn giản với bố mẹ nhưng lại có ảnh hưởng lớn đối với trẻ và mặc dù tình bạn ở lứa tuổi này thường không kéo dài, trẻ hay có xu hướng gắn bó với những người bạn của mình và bố mẹ nên làm mọi thứ có thể để nuôi dưỡng tình bạn của con.

Chúng ta cũng có thể giúp trẻ hiểu rằng tình bạn là dựa trên sự tôn trọng và quan tâm lẫn nhau để con có thể tự nhận ra ai là bạn không tốt. Bố mẹ nên làm gương cho con bằng cách cư xử như một người bạn tốt, bao dung và không tỏ ra hằn học. Tuy nhiên, thường xuyên tha thứ hoặc luôn bào chữa cho những hành vi xấu có thể sẽ làm tổn hại đến cách nhìn nhận về giá trị của bản thân trẻ. Hãy giúp trẻ nhận ra rằng, nếu không thể giải quyết được những mâu thuẫn với một người bạn thì sẽ đến lúc tình bạn phải kết thúc. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem